Lý do Bitcoin giảm sâu xuống dưới 117.000 USD sau khi tăng kỷ lục vượt 123.000 USD
Bitcoin giảm giá sâu khi các nhà giao dịch tranh thủ chốt lời sau đợt tăng giá mạnh đưa đồng tiền mã hóa giá trị nhất thế giới vượt mốc 123.000 USD.
Vào thời điểm viết bài, Bitcoin đã giảm tới 4,82% xuống còn 116.895,46 USD. Đây là mức giảm mạnh nhất trong hơn ba tuần qua.

Giá Bicoin từ trên 123.000 USD giảm xuống còn 116.895,46 USD hôm 15.7 - Ảnh chụp màn hình
Ethereum, đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới, giảm 1,23% còn 2.992,10 USD. Trong khi các đồng tiền mã hóa khác như XRP và Solana cũng giảm gần 2% mỗi loại.
Đợt giảm giá sâu diễn ra sau khi Bitcoin lần đầu tiên vượt mốc 123.000 USD hôm 14.7 nhờ tâm lý lạc quan về khả năng tiến triển của dự luật tài sản số tại Mỹ – điều có thể thúc đẩy chương trình nghị sự thân thiện với tiền số của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bitcoin hưởng lợi từ đà tăng gần đây của các tài sản rủi ro khác, gồm cả thị trường chứng khoán Mỹ đang ở gần mức cao kỷ lục, trong bối cảnh lo ngại về tác động kinh tế từ cuộc chiến thương mại mới dịu lại.
“Đây chỉ là một đợt điều chỉnh bình thường sau khi thị trường bị quá nóng”, ông Stefan von Haenisch, Giám đốc bộ phận giao dịch phi tập trung khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty lưu ký tiền mã hóa Bitgo, cho biết.
Ông nói thêm rằng ngưỡng hỗ trợ quan trọng tiếp theo của Bitcoin là 114.000 USD - mức giá trước đây đã kích hoạt việc thanh lý hàng loạt các vị thế bán khống.
Nói cách khác, nếu rơi về mức 114.000 USD, Bitcoin có thể chạm đến vùng “tự động kích hoạt mua lại” của những người đã cược giá sẽ giảm trước đây, từ đó tạo ra động lực để giá bật lại.
Vị thế bán khống là chiến lược đầu tư mà trong đó nhà giao dịch dự đoán tài sản sẽ giảm và tìm cách kiếm lời từ sự sụt giá đó.
Ngưỡng hỗ trợ là mức giá mà tại đó người mua có xu hướng tham gia mạnh, khiến giá khó giảm sâu hơn nữa.
BitGo (Mỹ) là công ty hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ tài chính tài sản kỹ thuật số, chuyên cung cấp các giải pháp lưu ký, bảo mật và thanh khoản cho các nhà đầu tư tổ chức và nền tảng tiền mã hóa.
Thông tin về BitGo
BitGo được thành lập vào năm 2013 bởi Mike Belshe và Ben Davenport, có trụ sở chính ở thành phố Palo Alto, bang California, Mỹ.
BitGo cung cấp dịch vụ lưu ký an toàn cho các tài sản kỹ thuật số, giúp bảo vệ tài sản của khách hàng khỏi các rủi ro như trộm cắp, mất mát. Họ được biết đến với công nghệ ví đa chữ ký giúp chia nhỏ quyền kiểm soát tài sản.
Ngoài ra, BitGo cung cấp các giải pháp bảo mật mạnh mẽ cho các giao dịch trên blockchain, hỗ trợ các dịch vụ thanh toán và chuyển đổi tài sản kỹ thuật số.
Gần đây, BitGo đã ra mắt nền tảng Crypto-as-a-Service giúp các hãng công nghệ tài chính và ngân hàng dễ dàng cung cấp dịch vụ giao dịch tiền mã hóa người dùng cuối của họ.
Crypto-as-a-Service (tiền mã hóa dưới dạng dịch vụ) là mô hình kinh doanh cung cấp các giải pháp dựa trên đám mây để các doanh nghiệp và tổ chức có thể tích hợp các tính năng liên quan đến tiền mã hóa vào hệ thống hiện có của họ mà không cần phải tự xây dựng và duy trì toàn bộ cơ sở hạ tầng phức tạp.
Nói một cách đơn giản, Crypto-as-a-Service giống như việc bạn thuê một dịch vụ chuyên nghiệp để xử lý mọi thứ liên quan đến tiền mã hóa, thay vì phải tự mình đầu tư thời gian, công sức và nguồn lực để xây dựng một bộ phận chuyên trách.
BitGo phục vụ nhiều khách hàng ở hơn 50 quốc gia, hỗ trợ hơn 200 loại tiền và token. Công ty Mỹ xử lý một phần đáng kể các giao dịch trên mạng Bitcoin và là nhà cung cấp dịch vụ lưu ký tài sản kỹ thuật số độc lập lớn nhất thế giới.
BitGo được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư uy tín như Goldman Sachs, Craft Ventures, Digital Currency Group…
Tóm lại, BitGo đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn và đáng tin cậy cho thị trường tài sản kỹ thuật số, giúp các tổ chức tham gia vào lĩnh vực này một cách an toàn và hiệu quả hơn.
Tranh thủ chốt lời
Sau khi Bitcoin tăng hơn 10% chỉ trong chưa đầy một tuần, các nhà đầu tư tranh thủ chốt lời, khiến giá bước vào giai đoạn tích lũy, theo trang CoinDesk.
Tuy nhiên, ông Jeff Dorman, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản kỹ thuật số Arca (Mỹ), cho rằng đợt tăng hiện tại của thị trường tiền mã hóa nhiều khả năng mới chỉ ở giai đoạn đầu và chưa phải thời điểm kết thúc.
Trong ghi chú gửi nhà đầu tư hôm 14.7, Jeff Dorman trích dẫn quan sát của chuyên gia phân tích Will Clemente rằng những mức đỉnh lớn trước đó như tháng 3.2024 (liên quan đến quỹ hoán đổi danh mục Bitcoin giao ngay) hoặc giai đoạn tháng 12.2024 - 1.2025 (gắn với cuộc bầu cử và nhậm chức của Tổng thống Trump) đều đi kèm hiện tượng tổng số hợp đồng phái sinh (hợp đồng tương lai, quyền chọn và hoán đổi) đang còn hiệu lực của các altcoin (những đồng tiền mã hóa khác ngoài Bitcoin như Ethereum, Solana, XRP...) lớn hơn hoặc tăng nhanh hơn so với Bitcoin.
Ngoài ra, Jeff Dorman cho biết khối lượng giao dịch trên cả sàn tập trung lẫn phi tập trung đã tăng 23% so với tuần trước nhưng vẫn chưa đạt đến mức đỉnh như các đợt tăng mạnh toàn thị trường trước đây.
"Giá Bitcoin tăng lên 233.000 USD hoàn toàn có thể xảy ra"
Ở góc nhìn vĩ mô, ômg Eric Demuth, Giám đốc điều hành sàn giao dịch Bitpanda (trụ sở chính ở Áo), nhận định giá Bitcoin đang được đẩy lên bởi tình trạng nợ công gia tăng và xu hướng nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn trước lạm phát tiền tệ.
Ông cho rằng việc giá Bitcoin tăng lên 200.000 euro (khoảng 233.000 USD) hoàn toàn có thể xảy ra. Thế nhưng, yếu tố mang tính quyết định vẫn là mức độ chấp loại tiền mã hóa này chứ không chỉ là giá.
“Điều gì sẽ xảy ra khi Bitcoin trở thành một phần vĩnh viễn trong danh mục đầu tư của các tổ chức lớn, trong dự trữ ngoại hối của các quốc gia và cả hạ tầng ngân hàng toàn cầu. Điều đó đang thực sự diễn ra ngay lúc này”, Eric Demuth bình luận.
Về dài hạn, Eric Demuth kỳ vọng vốn hóa thị trường Bitcoin sẽ dần tiến tới tiệm cận mức vốn hóa của vàng - hiện hơn 22.000 tỉ USD, tức gấp 9 lần quy mô của đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới.
“Tuần lễ tiền mã hóa” ở Mỹ với ba dự luật quan trọng
Hôm 14.7, Hạ viện Mỹ đã tranh luận về loạt dự luật nhằm thiết lập khung pháp lý quốc gia cho ngành tài sản kỹ thuật số, điều mà ngành này đã kêu gọi trong nhiều năm qua.
Những lời kêu gọi đó đã nhận được sự hưởng ứng từ ông Trump, vốn từng tự nhận là “tổng thống tiền mã hóa” và kêu gọi các nhà làm luật cải tổ quy định theo hướng có lợi cho ngành công nghiệp này.
Đầu tháng 7, Mỹ đã tuyên bố tuần lễ từ hôm 14.7 là “Tuần lễ tiền mã hóa”, trong đó Quốc hội sẽ bỏ phiếu cho các dự luật Genius Act, Clarity Act và Anti-CBDC Surveillance State Act.
Genius Act là một dự luật liên bang quan trọng tại Mỹ nhằm mục đích tạo ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện liên bang cho stablecoin. Stablecoin là loại tiền mã hóa được thiết kế để duy trì giá trị ổn định, thường được neo vào một tài sản truyền thống như đồng USD. Mục tiêu của Genius Act là mang lại sự rõ ràng, minh bạch và an toàn cho thị trường stablecoin, vốn đang phát triển nhanh chóng nhưng vẫn còn nằm trong vùng xám về mặt pháp lý.
Clarity Act là dự luật quan trọng tại Mỹ nhằm mục đích cung cấp sự rõ ràng về mặt pháp lý cho ngành công nghiệp tài sản kỹ thuật số và tiền mã hóa.
Anti-CBDC Surveillance State Act là một dự luật tại Mỹ nhằm ngăn chặn Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phát hành một loại CBDC (tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương) có thể đe dọa quyền riêng tư tài chính của người Mỹ. Mục tiêu chính của dự luật này là giải quyết những lo ngại sâu sắc về quyền riêng tư, khả năng giám sát tài chính và tiềm năng lạm dụng tiền kỹ thuật số bởi các cơ quan chính phủ.