Những cánh thiên di của trí tuệ Việt

Người Việt hiện diện ở khắp mọi nơi trên thế giới, vẫn luôn thận trọng và khiêm nhường trước những cuộc giao thoa để giữ mạch nguồn của quê cha đất tổ vững bền chảy mãi, dù có ở nơi đâu.

1.

Hồ Phạm Minh Nhật (34 tuổi), giáo sư bậc 1 về Khoa học Dữ liệu, Thống kê và Học máy tại Trường đại học Texas, Austin, Mỹ (The University of Texas, Austin), chọn tri thức để tô đậm dấu ấn Lạc Hồng.

 Hồ Phạm Minh Nhật đang hướng dẫn sinh viên

Hồ Phạm Minh Nhật đang hướng dẫn sinh viên

Nơi Minh Nhật làm việc là một trong 10 trường đại học hàng đầu nước Mỹ về trí tuệ nhân tạo và khoa học công nghệ (theo US News). Chưa kể, anh còn là thành viên chủ chốt trong Viện Khoa học về Nền tảng học máy và Trí tuệ nhân tạo tại Austin. Tại đất nước của những gã khổng lồ công nghệ, chàng trai gốc Bạc Liêu mang tinh thần định danh trí tuệ người Việt trên đất khách.

Từ cậu học trò miền Tây trở thành giáo sư đại học tại Mỹ là một hành trình cần nhiều hơn sự may mắn. Đó là những ngày miệt mài nỗ lực, không ngừng đi tìm tri thức mới. Sự lâu bền đến từ nhiều cấp bậc học, 4 năm học đại học, đến 5 năm tiến sĩ và 3 năm nghiên cứu sau tiến sĩ, để trau dồi kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy. Điều khó khăn nhất không phải là bao nhiêu tháng năm, mà làm sao giữ được ngọn lửa để thuyết phục bản thân theo đuổi con đường duy nhất.

Đó còn là những cuộc va đập từ sự khác biệt của 2 nền văn hóa, là vô số lần ngoài ý muốn chạm trán với khó khăn, là nỗi cô đơn... mà chỉ cần bất kỳ một nguyên cớ nào trong số đó đều có thể quật ngã ước mơ kẻ xa xứ. Một người trẻ như Minh Nhật, nếu không phải đam mê, là hoài bão thì lấy gì để chống đỡ? Do dự, bất an không ít lần độc hành nơi đất khách, anh thừa nhận “đã có lúc tôi lung lay với chính mình”.

Tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM), Minh Nhật khám phá bản thân và xác tín chí hướng. Để rồi, khi đến Đại học Michigan học tiến sĩ, anh chọn lĩnh vực phát triển lý thuyết và phương pháp để hiểu cấu trúc ẩn của các mô hình hỗn hợp và nhiều tầng trong học máy và thống kê. Đây là một vấn đề chưa có nhiều kết quả tại thời điểm đó, nên suốt mấy năm, anh đã thử nhiều cách để giải quyết. “Tôi từng thấy mình lạc lối, chán nản khi hướng nghiên cứu đi vào bế tắc. Tôi thử - sai. Đổi hướng - vẫn sai. Phải đến giữa năm 3, tôi mới tìm ra lời giải. Bài báo đầu tiên được đăng trên tạp chí hàng đầu, tôi mới tự tin bước tiếp”, Minh Nhật trải lòng.

Tìm được chìa khóa, song con đường phía trước còn ghềnh thác, dẫu vậy anh đã biết cách đi. Hoàn thành chương trình tiến sĩ, anh chuyển đến Đại học California, Berkeley, để có cơ hội nghiên cứu sau tiến sĩ với những giáo sư hàng đầu thế giới về học máy và trí tuệ nhân tạo. Thông thường, để xin được một vị trí giáo sư tốt, ứng viên cần nhiều kết quả nghiên cứu mới và đột phá. Minh Nhật cần bứt phá nhiều hơn và anh đã làm được. Giữa nhiều lựa chọn, anh chọn Đại học Texas, Austin, để gắn bó. Đơn giản vì “khí hậu ở Austin rất giống Việt Nam, cho người xa quê cảm giác gần gũi, thân thuộc như nơi chốn mình thuộc về”, anh bộc bạch.

Minh Nhật tự hào khi làm một giáo sư Việt kiều trên đất Mỹ. Minh Triết đang từng bước trở thành nhà khoa học cốt cán trong nhiều dự án cấp thiết ở xứ sở chuột túi. Cựu á hậu người Việt tại Mỹ Bùi Ái Liên vẫn tích cực với mong muốn làm gì đó cho cộng đồng… Đâu đó những người con mang dòng máu Việt luôn hướng về nguồn cội, để rồi chọn một hành trình làm dày thêm những dấu son. Họ là những gạch nối gắn kết, như đàn chim thiên di bay đi khắp nơi không quên nguồn cội, tạo nên và tiếp nối giá trị vĩnh cửu của một dân tộc.

2.

Trước khi hoàn thành cú đúp tại Mỹ với 2 tấm bằng thạc sĩ tại Missouri State University và nhận học bổng làm nghiên cứu sinh, Bùi Ái Liên đã là một cái tên nổi bật. Cựu sinh viên Trường Đại học Quốc tế này sở hữu những năm tháng giảng đường rực rỡ với thành tích học xuất sắc, chinh phục nhiều cuộc thi hùng biện với sinh viên quốc tế. Du học rồi trở về nước làm việc, Ái Liên sở hữu một profile “làm thuê” cực chất. Thế nhưng, năm 2017, chị vẫn quyết định tạm ngưng công việc và khởi nghiệp với SignLab - dự án mang lại lợi ích cho người điếc, là một ngách hẹp rất ít người chọn.

 Bùi Ái Liên mang khát vọng cống hiến cho cộng đồng

Bùi Ái Liên mang khát vọng cống hiến cho cộng đồng

Chị gặp nhiều người bế tắc trong mong ước học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với đứa con bị điếc. “Học ngôn ngữ ký hiệu thực sự là bài toán khó với người có khả năng nghe nói. Số người điếc toàn cầu ước tính lên đến 400 triệu người, trong đó có khoảng 40 triệu trẻ em. Và 90% trẻ em điếc có cha mẹ là người nghe nói được, nên họ rất khó thấu hiểu để đồng hành. Tôi tin công nghệ có thể giúp giải quyết được bài toán này, giúp người điếc kết nối được với phần còn lại của thế giới”, Ái Liên chia sẻ.

Quá trình kiểm nghiệm sự phù hợp với thị trường có quá nhiều khó khăn, nhất là khi việc duy trì những đồng vốn góp ít ỏi ngày càng không đủ để đảm bảo lương cho kỹ sư. Chị nhớ lại: Chúng tôi gõ cửa bất kỳ giáo sư nào về Deaf Education ở các trường đại học để xin tư vấn. Chúng tôi cũng kết nối với rất nhiều cha mẹ trẻ khiếm thính để hiểu sâu hơn những khó khăn. Về chuyện cá nhân, tôi cũng phải thuyết phục cha mẹ để trì hoãn chuyện kết hôn, dồn sức tập trung nghiên cứu, rằng con vẫn ổn; là thiếu vốn không có nghĩa là hết đường...

Bằng hết thảy tâm huyết cùng nỗ lực, SignLab nhận được những phản hồi tích cực, thu hẹp khoảng cách và sự hoài nghi của cộng đồng. Dòng tiền cho việc vận hành cũng trở nên ổn định hơn khi sản phẩm đã được người dùng đón nhận. Hiện SignLab đã có mặt ở hơn 11 nước, giúp hàng ngàn gia đình hàn gắn những khoảng cách của tạo hóa. Trong căn phòng trọ nhỏ tí teo, gia sản chỉ có chiếc máy tính để làm việc và chiếc xe đạp để tới phòng nghiên cứu trong những ngày mùa đông buốt giá, có một cô gái trẻ dốc sức hành động, nghiên cứu và cống hiến. Đó là tuổi thanh xuân đáng giá của Bùi Ái Liên.

3.

Con đường của Lê Huỳnh Minh Triết thoạt nhìn có vẻ bằng phẳng. Anh chỉ mất 3,5 năm để hoàn thành học vị tiến sĩ tại Đại học Adelaide (Australia), ở tuổi 27. Lần tôi gặp Minh Triết là ở lễ tốt nghiệp của Trường Đại học Quốc tế, năm đó anh là thủ khoa với điểm GPA 95,6/100.

Với kết quả này, anh được đặc quyền thực hiện ngay mục tiêu học thẳng lên tiến sĩ, không cần qua thạc sĩ. Khi đó, chàng thanh niên chưa đầy 22 tuổi này đã đầy kiên định khi tựa vào bản ngã dày dặn tri thức. Sang nước ngoài học và nghiên cứu, anh đi tiên phong về hướng an ninh phần mềm thông minh, nhất là trong lĩnh vực quản lý các lỗ hổng bảo mật thông qua việc sử dụng khoa học dữ liệu. Anh là nghiên cứu sinh đầu tiên làm về lĩnh vực này của giáo sư hướng dẫn - một người đầu ngành về lĩnh vực công nghệ phần mềm.

 Lê Huỳnh Minh Triết (bìa phải) tại một sự kiện về khoa học máy tính

Lê Huỳnh Minh Triết (bìa phải) tại một sự kiện về khoa học máy tính

Để tìm ra và chọn đề tài cho luận án tiến sĩ, Minh Triết mày mò đọc cả trăm bài báo khoa học, với không biết bao lần thử, sai, đúc rút. Lúc mới bắt đầu, suốt mấy tháng trời, anh ở lì trong phòng nghiên cứu để tìm đáp án. 8 bài báo trong các hội nghị và tạp chí quốc tế xếp hạng A/A* và luận án tiến sĩ được đánh giá xuất sắc mà không có yêu cầu chỉnh sửa gì từ hội đồng phản biện là câu trả lời của anh.

Khi nhìn lại quá trình đó, Minh Triết thừa nhận mọi thứ không hề bằng phẳng. Bản thân anh phải đối mặt với không ít thử thách, không ít lần trải qua những cung bậc hoài nghi, thất vọng khi cả thế giới như chống lại mình. Những lời tự trào may thay đã không làm vơi đi ý chí của một gã có tính cách quyết liệt “nếu công trình nghiên cứu bị từ chối thì phải làm lại cho bằng được”... Vẫn luôn kiệm lời khi nói về bản thân, anh bộc bạch: “Tôi chỉ cố gắng làm thật tốt lĩnh vực của mình. Quan trọng hơn, với vốn liếng đã tích lũy, tôi đang kết nối và tạo cơ hội để các bạn trẻ Việt Nam tiếp cận, làm việc và nghiên cứu với các chuyên gia đầu ngành trong môi trường có trang thiết bị phù hợp nhất”.

Trên bước đường thực hiện khát vọng riêng, Minh Triết mang theo những ấp ủ cho quê hương. Anh đang cùng giáo sư của mình làm đồng chủ nhiệm một phần quan trọng trong dự án lớn nhất về an ninh phần mềm do Chính phủ Australia tài trợ. Trong dự án triệu đô ở một quốc gia lớn đã có bóng dáng của trí tuệ Việt. “Với dự án này, tôi có dịp làm việc trực tiếp với rất nhiều giáo sư nổi tiếng cũng như đại diện các doanh nghiệp ở Australia. Tôi mong muốn xúc tiến, mở rộng hợp tác với các trường, viện ở Việt Nam với hy vọng góp sức cho cộng đồng người Việt nghiên cứu ở nước ngoài”, anh bày tỏ.

Khi chọn ở lại làm việc ở các cường quốc công nghệ, những nhà khoa học như Hồ Phạm Minh Nhật, như Lê Huỳnh Minh Triết có cơ hội góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước qua nhiều cách. Đó là hướng dẫn sinh viên Việt Nam tại các trường đại học trong nước nghiên cứu khoa học đỉnh cao, tạo cầu nối tới các trường viện hàng đầu thế giới, tạo ra cơ hội cho sinh viên làm việc với các chuyên gia hàng đầu lĩnh vực. Từ đó, thế hệ kế tiếp sẽ có kinh nghiệm quý để tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước.

GIA VĂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-canh-thien-di-cua-tri-tue-viet-post725895.html