Những câu chuyện kỳ bí tại ngôi làng canh giữ bảo vật vua Hàm Nghi
Những bảo vật của vua Hàm Nghi vẫn được người dân xã Gia Phú, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) thay nhau canh giữ hơn một thế kỷ qua.
Đền Trầm Lâm hay còn gọi là miếu Trăm Năm đóng tại xóm Phú Thành, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh hiện đang lưu giữ rất nhiều báu vật của vua Hàm Nghi.
Những ngày đầu năm mới Quý Mão, Cụ Nhung kể lại cho chúng tôi nghe những câu chuyện lưu truyền nhiều huyền tích về báu vật vua Hàm Nghi ban tặng và những bí ẩn tại ngôi đền này.
Theo sử sách ghi lại, vào năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, tướng Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi (lúc ấy mới 14 tuổi) đi ra vùng núi phía Bắc lánh nạn. Khi đến xã Phú Gia, vua Hàm Nghi dừng chân, lập căn cứ địa Sơn Phòng và ban bố hịch Cần Vương kêu gọi nhân dân tiếp tục chống Pháp.
Tại đây, vua đã giao cho tướng Tôn Thất Thuyết làm lễ bài yết tại đền Trầm Lâm và đền Công Đồng. Tối đến vua không vào thành mà ngủ ngay tại đền. Nhà vua vừa chợp mắt, trong giấc mơ, một vị tiên nữ trong bộ trang phục màu xanh hiện ra, báo mộng “Bọn bạch quỷ (thực dân Pháp) đang đưa quân vây ráp, nhà vua cần phải định liệu, nếu ở lại thì sát dân”.
Tỉnh mộng, nhà vua đã triệu họp quân thần, bàn giao cho tướng Tôn Thất Thuyết làm lễ tạ ơn thần và dâng nhiều báu vật, sắc phong cho các vị thần thờ tại đền, gồm: hai con voi vàng (một con nặng 27 đồng cân, một con nặng 17 đồng cân - mỗi đồng cân tương đương một chỉ vàng), một con voi đồng, một con nghê, hai thanh bảo kiếm cùng tám bộ áo mũ triều thần, hơn 40 sắc phong…
Sau đó theo lời báo mộng, vua cùng quân thần rút lui vào vùng rừng núi ở Quảng Bình và thoát nạn. Hơn 100 năm qua, trải qua nhiều biến cố lịch sử nhưng người dân làng Phú Gia vẫn truyền tay nhau giữ gìn các báu vật linh thiêng mà vua Hàm Nghi ban.
Câu chuyện về ngôi đền Trầm Lâm "cứu" vua Hàm Nghi trong thời chống Pháp và những vật vua ban cho ngôi đền, được người dân nơi đây thay nhau giữ gìn, xem đó là vật thiêng liêng, đem lại may mắn cho dân làng.
Ông Trần Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia cho biết, người dân bảo tồn vật báu bằng cách thay nhau canh giữ, người được canh giữ báu vật gọi là cố đạo chủ. Hàng năm, vào mồng 7 tháng Giêng âm lịch, người dân xã Phú Gia sẽ tổ chức rước sắc phong đến nhà cố đạo chủ mới.
"Các bảo vật rất linh thiêng, dù từng trải qua nhiều biến cố thất lạc, nhưng cuối cùng vẫn trở về với dân làng Phú Gia. Được phong làm cố đạo chủ là một vinh dự lớn. Từ việc gìn giữ các bảo vật, tôi luôn răn dạy con cháu phải luôn biết sống có tâm, trung thực", cụ Nhung nói.