Những cầu nối ý Đảng - lòng dân

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer, chiếm hơn 30% dân số toàn tỉnh. Trong suốt 30 năm qua, từ khi tỉnh Sóc Trăng được tái lập, xây dựng và phát triển, những bí thư chi bộ ấp, khóm, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… góp phần đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh và bền vững. Họ là những người gần dân, hiểu dân, nắm rõ tình hình địa phương, là nhịp cầu gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân.

Kỳ 1: Những “hạt nhân” ở cơ sở

Những ngày đi thực tế ở nhiều xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ những bí thư chi bộ tâm huyết, dù ở độ tuổi, dân tộc khác nhau nhưng họ đều cùng có một điểm chung - luôn là những “hạt nhân” đoàn kết xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, giúp bà con vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ấm no...

Còn sức, còn phục vụ nhân dân

Đó là lời tâm sự của ông Lý Phonh người dân tộc Khmer, là Bí thư Chi bộ ấp Bưng Tróp A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Từng làm Phó Chủ tịch UBND xã, Chánh Văn phòng Đảng ủy xã An Hiệp trong những năm 80, sau khi trở về địa phương sinh sống vào năm 2004, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ ấp Bưng Tróp B, đến năm 2007 làm Bí thư Chi bộ ấp Bưng Tróp A, xã An Hiệp cho đến nay đã gần 20 năm. Dù ở công việc nào, ông Phonh cũng dành hết tâm huyết và nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của địa phương và đời sống nhân dân. Ông đã thực hiện hiệu quả công tác vận động người dân cùng với chi bộ, ban nhân dân ấp thực hiện nhiều công trình, phần việc trong công tác giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ông Lý Phonh - Bí thư Chi bộ ấp Bưng Tróp A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) (đứng giữa) đi trên tuyến đường do ông và ban quản trị chùa vận động kinh phí cùng Nhà nước xây dựng. Ảnh: CHÍ BẢO

Ông Lý Phonh - Bí thư Chi bộ ấp Bưng Tróp A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) (đứng giữa) đi trên tuyến đường do ông và ban quản trị chùa vận động kinh phí cùng Nhà nước xây dựng. Ảnh: CHÍ BẢO

Ấp Bưng Tróp A hiện có 641 hộ dân, hơn 80% là đồng bào Khmer, từng là ấp đặc biệt khó khăn. Trước đây, nhận thức người dân hạn chế, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, số hộ nghèo cao, đường sá lầy lội, tệ nạn xã hội còn xảy ra… Trước những khó khăn đó, ông Phonh cùng với các tổ chức đoàn thể xã, đặc biệt là cùng với ban quản trị chùa đến từng nhà tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với những hộ nghèo có chí cầu tiến, hỗ trợ vốn để họ có điều kiện chăn nuôi, trồng trọt, cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, ông đã phân công từng đảng viên phụ trách giúp đỡ hộ nghèo, giám sát trong thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn ấp; vận động nhân dân đóng góp cùng Nhà nước làm các tuyến đường giao thông nông thôn…

Dẫn chúng tôi xem tuyến đường đal rộng 3,5m dài gần 500m dẫn vào chùa ở ấp Bưng Tróp A mới hoàn thành với tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng, ông Phonh cho biết: “Con đường này, tôi cùng với ban quản trị chùa vận động nhân dân đóng góp 50% kinh phí để cùng Nhà nước làm. Đời sống người dân ở ấp bây giờ cải thiện nhiều rồi, nhờ nhà chùa phối hợp với chính quyền ấp cho mượn điểm chùa mở các lớp học may nên con em trong ấp đã có việc làm; hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, vốn chăn nuôi để thoát nghèo. Ấp Bưng Tróp A hiện chỉ còn 13 hộ nghèo, 35 hộ cận nghèo”. Ngoài ra, ông Phonh còn cùng các đồng chí trong chi ủy, đảng viên chi bộ thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên, phối hợp xây dựng mô hình “Sư sãi, phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự”… Đây cũng là một trong những ấp có nhiều mô hình kinh tế, như mô hình làm khô cá lóc, mô hình chăn nuôi bò, trồng màu, sản xuất lúa đặc sản… Các tuyến đường liên ấp đều đã được bê tông hóa. Với những đóng góp của ông Phonh, nhiều năm liền chi bộ xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông Phonh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Gần dân để chăm lo cho dân tốt hơn

Chúng tôi có dịp đến ấp Thạnh Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), trên các tuyến đường thuộc địa bàn ấp, những mái nhà tạm bợ, lụp xụp đã được thay bằng những ngôi nhà khang trang, kiên cố. Cầu, đường thông thoáng, được bêtông hóa; nhà nhà có phương tiện nghe, nhìn. Sau bao năm phấn đấu giảm dần rồi về đích “xóa trắng” hộ nghèo, không chỉ làm địa phương phấn khởi với công sức bỏ ra, mà còn khiến bà con nơi đây tự hào. Có được thành quả ấy phải kể đến công sức không nhỏ của ông Lê Hoàng Phủ - Bí thư Chi bộ ấp Thạnh Hòa.

Đồng chí Nguyễn Thị Trang - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Gia Hòa 2 cho hay, trước khi xã Gia Hòa 2 đạt chuẩn nông thôn mới, ấp Thạnh Hòa còn nhiều hộ khó khăn. Hiện nay với nỗ lực của chi bộ, ban nhân dân ấp, đặc biệt vai trò của đồng chí Lê Hoàng Phủ, ấp Thạnh Hòa không còn hộ nghèo.

Kể về câu chuyện góp sức xóa nghèo trong ấp, Bí thư Chi bộ ấp Thạnh Hòa Lê Hoàng Phủ cho biết: "Bản thân tôi chỉ nghĩ đơn giản, xã đạt nông thôn mới, rồi xây dựng nông thôn mới nâng cao mà người dân còn nghèo thì thành quả này chưa bền vững. Nghĩ là làm, tôi đã bàn trong chi bộ, ban nhân dân ấp tìm ra những mô hình để giảm nghèo, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Thời gian qua, người dân trên địa bàn ấp Thạnh Hòa đã khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương và tự làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Còn các hộ nghèo thì được hỗ trợ nhà ở, khi được xét vay vốn để chăn nuôi thì đoàn thể ấp giám sát, đi cùng với hộ nghèo mua con giống cho hộ nghèo để đồng vốn được sử dụng đúng mục đích".

Những hộ nghèo đã được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, có được động lực để an cư lạc nghiệp, yên tâm làm ăn, từng bước ổn định cuộc sống. Ông Phạm Văn Trường, 66 tuổi ở ấp Thạnh Hòa không giấu được niềm vui khi được chính quyền địa phương xét hỗ trợ nhà ở, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Ông Trường chia sẻ: “Được bí thư chi bộ thường xuyên đến động viên, hướng dẫn cách chăn nuôi, làm ăn, với lại thấy bà con chòm xóm ai cũng ăn nên làm ra thì mình cũng ráng lo làm để vươn lên thoát nghèo. Một mặt cải thiện cuộc sống gia đình mình, mặt khác mình cũng góp chút sức xây dựng để xã Gia Hòa 2 sớm về đích nông thôn mới nâng cao”.

Bí thư Chi bộ ấp An Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) Nguyễn Minh Duy (bên phải) vận động người dân thực hiện chủ trương “lấp lúa trên nền tôm”. Ảnh: CHÍ BẢO

Bí thư Chi bộ ấp An Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) Nguyễn Minh Duy (bên phải) vận động người dân thực hiện chủ trương “lấp lúa trên nền tôm”. Ảnh: CHÍ BẢO

Còn ấp An Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, năm 2022 cũng chỉ còn 1 hộ nghèo, những nỗ lực của chi bộ, ban nhân dân ấp gặp đúng thời điểm lãnh đạo huyện Mỹ Xuyên triển khai chủ trương “lấp lúa trên nền tôm”, nỗ lực xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bí thư Chi bộ ấp An Hòa Nguyễn Minh Duy đã cùng với các đồng chí trong chi ủy, ban nhân ấp lựa chọn và vận động những hộ có đất, chuyển đổi làm 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, trên bờ thì trồng rau màu để tăng thêm thu nhập. Đây là mô hình sản xuất có hiệu quả, bởi ngoài việc tự túc được lương thực tại chỗ thì cây lúa còn có khả năng cải tạo môi trường, cách ly mầm bệnh cho vụ tôm nuôi tiếp theo. Trước đây, người dân nuôi tôm quanh năm nên đất bị nhiễm độc, tôm nuôi bị nhiễm bệnh, nhiều hộ nuôi không thành công dẫn đến kinh tế gia đình khó khăn. Do đó, sau khi nhận được chỉ tiêu, các xã đều phấn đấu hoàn thành, trong đó ấp An Hòa là một trong những ấp hoàn thành đạt chỉ tiêu cao nhất trong triển khai "lấp lúa trên nền tôm". Từ đó, đời sống người dân phát triển hơn. Không chỉ giúp dân phát triển kinh tế, Bí thư Chi bộ Nguyễn Minh Duy cùng với cán bộ, đảng viên ấp làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, năm 2022 số vụ việc hòa giải thành đạt 100%, vì vậy an ninh trật tự trong ấp tiếp tục được gìn giữ và tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.

Đó là một trong số rất nhiều những tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh đã thể hiện rõ vai trò của người đảng viên, cán bộ của nhân dân, vì nhân dân. Mỗi người một cách nghĩ, cách làm, nhưng trong mọi hoàn cảnh, họ đều thể hiện rõ tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên. Họ chính là những nhịp cầu nối ý Đảng - lòng dân.

CHÍ BẢO

(Còn tiếp)

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/nhung-cau-noi-y-dang-long-dan-61518.html