Những cây tiền tỷ 'đuổi nghèo' trên đá núi Yên Minh
Từ những thửa đất hoang cằn cỗi, những đôi bàn tay người Mông, Dao, Tày ở Yên Minh nay đã biết làm giàu một cách khoa học và bền vững. Yên Minh đang từng bước thay da đổi thịt nhờ sự chuyển mình mạnh mẽ trong cơ cấu cây trồng.
Những năm qua, từ những nương ngô bạc màu, những thửa ruộng khô cằn, người dân Yên Minh đã biết phát huy lợi thế địa hình và khí hậu để canh tác các loại cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao như cây lê, hồng, gừng, dược liệu và rau trái ôn đới.
Vươn lên từ khó khăn trăm bề
Đồng hành cùng người dân trong hành trình ấy là những hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tiêu biểu – những hạt nhân của sự đổi mới sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc vùng cao.
Yên Minh là huyện vùng cao biên giới, địa hình chủ yếu là núi đá vôi, đất canh tác ít, giao thông khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo từng lên tới hơn 60%. Đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày... sinh sống chủ yếu dựa vào canh tác ngô, lúa nương và chăn nuôi nhỏ lẻ.

Người dân tộc thiểu số ở Yên Minh đang thoát nghèo, làm giàu với nhiều cây trồng thế mạnh.
Tuy nhiên, khí hậu lạnh quanh năm, sương muối và rét đậm kéo dài thường xuyên khiến năng suất cây trồng không cao, đời sống bấp bênh. "Ngày xưa chỉ trồng ngô thôi, mà ngô thì năm được năm mất, người dân mình quanh năm thiếu ăn," ông Vừ Mí Dính, Bí thư Chi bộ thôn Ngàm Đăng Vài, xã Lao Và Chải chia sẻ.
Tuy nhiên, trong khó khăn, Yên Minh lại hé mở một cơ hội mới. Khí hậu mát lạnh quanh năm và độ cao trên 1.000m so với mực nước biển lại phù hợp với nhiều giống cây trồng ôn đới có giá trị cao như lê, hồng, gừng, hoa tam thất hay rau trái sạch.
Cùng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện và sự hỗ trợ tích cực từ các chương trình nông thôn mới, chương trình 135…, người dân bắt đầu được tiếp cận với các mô hình canh tác mới, hiệu quả hơn.
Cây đặc sản xóa nghèo bền vững
Như tại xã Lao Và Chải – một trong những vùng núi đá khó khăn nhất của huyện – giờ đây, cây lê địa phương và lê Đài Loan đang dần phủ xanh các sườn núi. HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Lê Ngọc (thành lập năm 2020) là một trong những đơn vị tiên phong đưa cây lê lên vùng cao.
Ông Giàng Mí Sính – Giám đốc HTX – cho biết: "Chúng tôi ban đầu chỉ trồng thử 1.000 gốc lê Đài Loan trên đất cũ trồng ngô, không ngờ cây hợp đất, hợp khí hậu. Năm thứ ba đã cho quả, sản lượng đạt 7-8 tấn/ha, giá bán ổn định từ 25.000–35.000 đồng/kg".
Hiện nay, HTX Lê Ngọc đã mở rộng diện tích lên 10ha, liên kết với 30 hộ dân trong xã để trồng thêm 15ha lê theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX còn tổ chức bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, đồng thời mở xưởng sơ chế, tuyển chọn và đóng gói sản phẩm trước khi đưa đi tiêu thụ tại Hà Nội, Hải Phòng và các chợ đầu mối phía Bắc.
Nhờ có HTX, hàng chục lao động địa phương có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 4–6 triệu đồng/tháng, đặc biệt là lao động nữ người Mông và Dao.

Các HTX đang đóng vai trò tích cực trong phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Yên Minh.
Cùng với cây lê, những năm gần đây, cây dược liệu như gừng, nghệ, đương quy, tam thất, hà thủ ô cũng được đưa vào canh tác tại các xã như Na Khê, Du Già, Mậu Duệ, Hữu Vinh.
HTX Dược liệu và Nông nghiệp Du Già là một trong những điểm sáng khi phát triển mô hình trồng gừng theo hướng hữu cơ, kết hợp với du lịch trải nghiệm.
Đại diện HTX cho biết HTX đã đầu tư hơn 4ha trồng gừng theo tiêu chuẩn hữu cơ, ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp dược phẩm tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Mỗi vụ, sản lượng gừng đạt hơn 40 tấn, giá bán ổn định từ 18.000–22.000 đồng/kg.
HTX không chỉ sản xuất, mà còn hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản và sơ chế. Ngoài ra, HTX còn tạo sinh kế cho hơn 20 hộ dân, chủ yếu là hộ nghèo, với thu nhập tăng từ 2–3 triệu đồng/tháng lên 6–8 triệu đồng/tháng. "Giờ đây, tôi không phải đi làm thuê xa nữa, chỉ cần làm vườn gừng cũng đủ nuôi cả nhà," chị Lý Thị Vàng, thành viên HTX phấn khởi nói.
Khát vọng bền lâu từ vùng cao
Một điều đáng chú ý là trong làn sóng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, lớp thanh niên ở Yên Minh cũng bắt đầu quay về khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Đơn cử, tại xã Mậu Duệ, HTX Rau sạch H'Mông Xanh do anh Sùng Mí Páo sáng lập đã tạo bước đột phá trong canh tác rau trái ôn đới như cà chua, cải bắp, súp lơ, bí Nhật... theo hướng sinh học.
“Chúng tôi học cách sản xuất của Đà Lạt, dùng nhà lưới, chế phẩm sinh học và hệ thống tưới nhỏ giọt. Dù khởi đầu khó khăn, nhưng giờ rau của HTX đã có mặt trong chuỗi siêu thị tại Hà Nội nhờ đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc,” anh Páo chia sẻ.
HTX H'Mông Xanh hiện đang sản xuất trên diện tích 5ha, tạo việc làm thường xuyên cho 18 lao động địa phương và gần 40 lao động thời vụ mỗi vụ thu hoạch. Điều đáng quý là HTX còn tổ chức lớp tập huấn nông nghiệp sạch, dạy kỹ thuật cho học sinh THPT dân tộc nội trú, tạo cảm hứng khởi nghiệp trong giới trẻ vùng cao.
Có thể thấy các HTX đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân Yên Minh. Thành công của các HTX là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có những chương trình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Hà Giang.
Điển hình, các chương trình của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ 32 HTX tham gia 8 hội chợ xúc tiến thương mại trên cả nước, giúp quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác kinh doanh. Ngoài ra, 12 HTX được tổ chức và hỗ trợ tham quan, học tập kinh nghiệm, đồng thời xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc.
Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh Hà Giang đã ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giai đoạn 2024 – 2030, tập trung vào việc hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ, và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Những chương trình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Hà Giang đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân ở Yên Minh. Các HTX không chỉ là mô hình kinh tế hiệu quả mà còn là lực lượng nòng cốt trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng một Yên Minh phát triển bền vững.
Hành trình thoát nghèo của Yên Minh vẫn còn nhiều gian nan, song những mô hình chuyển đổi sản xuất hiệu quả, đặc biệt là các HTX tiêu biểu, đã và đang chứng minh rằng: nếu có định hướng đúng, sự đồng lòng của người dân và cơ chế hỗ trợ kịp thời, vùng núi đá tai mèo cũng có thể nở ra "hoa trái của đổi thay".