Quốc hội thảo luận, góp ý sôi nổi về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, sáng 14/5, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Tại phiên họp, đa số ý kiến đại biểu tán thành nội dung của dự thảo. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý thêm một số nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện thêm dự thảo Nghị quyết…

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 14/5. Ảnh: VPQH cung cấp.
Việc sửa đổi bổ sung quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là phù hợp
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đánh giá cao việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Theo đại biểu, Quốc hội đã tiến hành một cách thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, được tổ chức quán triệt, triển khai trong cả hệ thống chính trị và lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.
Về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013 dự kiến sửa đổi 8/120 điều, đại biểu thống nhất với nội dung dự thảo, trong đó việc sửa đổi, bổ sung quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là phù hợp với yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động và trách nhiệm chính trị trong giai đoạn phát triển mới, phát huy vai trò trực tiếp của Nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của người dân.
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa bày tỏ thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trong đó có việc sửa đổi khoản 2 Điều 9 khi quy định Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đại biểu Lê Xuân Thân phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.
Đồng thời, đại biểu Lê Xuân Thân cũng tán thành việc sửa đổi quyền đề nghị lập pháp của các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương tại khoản 1 Điều 84. Đại biểu cho rằng, sáng kiến lập pháp này tập trung ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chứ không còn ở các chủ thể là các tổ chức chính trị - xã hội.
Hiện nay, Ban soạn thảo đề nghị chỉ sửa 8 điều. Tuy nhiên, đại biểu Lê Xuân Thân đề xuất sửa 9 điều là tại khoản 8 Điều 96 của Hiến pháp quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.
Theo đó, Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, bây giờ chúng ta tập trung đầu mối về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu chỉnh sửa khoản 8 Điều 96 để đảm bảo thống nhất trong các nội dung của Hiến pháp.
Xem xét bỏ cụm từ “trường hợp đặc biệt” khi chỉ định nhân sự đối với các xã, phường sau sáp nhập
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc triển khai, thi hành Hiến pháp 2013 và Luật tổ chức chính quyền địa phương thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước cũng như xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, theo đại biểu, với thực tế hiện nay yêu cầu một bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả đòi hỏi phải xem xét các yếu tố mang tính vĩ mô, dài hạn nhằm đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, nhất là việc sáp nhập, giảm đầu mối, giải thể.

Đại biểu Trần Quang Minh phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.
Đại biểu đồng tình với Điều 110 về việc bỏ nội dung “phải lấy ý kiến Nhân dân” khi thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính vì theo đại biểu, có những việc không phù hợp với thực tế và đa số Nhân dân cho rằng đây là việc làm hình thức, tốn kém kinh phí và thời gian, tạo tâm lý không thoải mái cho cử tri và Nhân dân khi thực hiện quyền làm chủ…
Theo đại biểu, nội dung này do Quốc hội quy định tiêu chí đối với thành lập, giải thể, nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính là phù hợp. Đại biểu nhấn mạnh, vấn đề Nhân dân cần là dân chủ thực chất, Nhân dân thấy được rằng quyền làm chủ của mình thực sự được phát huy, chính kiến được ghi nhận, từ đó sẽ tích cực tham gia xây dựng đất nước.
Bên cạnh đó, tại Mục 3, Điều 2 của Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 có quy định: “Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp”.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.
Theo đại biểu, đối với cấp tỉnh, quy định này là phù hợp vì các tỉnh nhập lại là ngang cấp, còn đối với cấp xã không nên quy định là trường hợp đặc biệt vì trong tình hình thực tế hiện nay, việc bố trí cán bộ chủ chốt của Đảng giữ chức danh Chủ tịch HĐND mà không là đại biểu HĐND của một trong những đơn vị cấp xã sáp nhập sẽ là phổ biến.
Đại biểu cho rằng, quy định của các địa phương trong cả nước hiện nay, đa số chức danh Bí thư và Phó Bí thư (dự kiến kiêm Chủ tịch HĐND) là nhân sự ở huyện về, thậm chí ở cả tỉnh về thì không thể là đại biểu HĐND của một hay một trong số các xã sáp nhập được.
Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bỏ từ “trường hợp đặc biệt” đối với các xã, phường sau sáp nhập và có thể dùng từ “cho phép”, “được phép” hoặc “có quyền chỉ định các chức danh lãnh đạo HĐND cấp xã hình thành sau sáp nhập mà nhân sự không phải là đại biểu HĐND” là thích hợp hơn trong thực tế hiện nay.
Đề nghị bổ sung thêm cụm từ “Cơ quan trung ương của Công đoàn Việt Nam”
Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đánh giá rất cao kết quả làm việc của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong việc chuẩn bị Hồ sơ dự thảo Nghị quyết. Theo đại biểu, phạm vi sửa đổi theo Dự thảo là 8/120 Điều đã bám sát yêu cầu tại Điều 1 Nghị quyết số 194/2025/QH15 ngày 5/5/2025 của Quốc hội.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.
Góp ý cụ thể về sửa đổi, bổ sung Điều 9 và Điều 10, đại biểu cho biết, Điều 10 Hiến pháp được bổ sung cụm từ “là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn”. Đại biểu cho rằng, việc bổ sung này là cần thiết để khẳng định vai trò không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam trong đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động ở cấp quốc gia và quốc tế.
Tuy nhiên, theo đại biểu, Luật Công đoàn 2012, Luật Công đoàn 2024 cũng như Luật Công đoàn được sửa đổi tại Kỳ họp này đều quy định Công đoàn Việt Nam gồm nhiều cấp; trong đó, cấp trung ương là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Trên thực tế, chỉ có tổ chức công đoàn ở cấp trung ương - tức Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - là có thẩm quyền đại diện của người lao động ở cấp quốc gia và quốc tế về công đoàn như tham gia Hội đồng tiền lương quốc gia, tham gia các hoạt động của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và tham gia là thành viên của Liên hiệp Công đoàn thế giới (WFTU).
Vì vậy, nếu quy định chung như Dự thảo là Công đoàn Việt Nam thì có có thể dẫn đến cách hiểu tất cả các cấp công đoàn, bao gồm cả cấp cơ sở cũng có thẩm quyền này. Điều này là không phù hợp thực tế và không thuận lợi, nhất là khi có sự hình thành các tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở mà các tổ chức này lại đưa ra yêu cầu có quyền như tổ chức công đoàn cơ sở.
“Do đó, kính đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung cụm từ “Cơ quan trung ương của Công đoàn Việt Nam” vào trước cụm từ “là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn”, đồng thời, chuyển nội dung này xuống cuối Điều 10” – đại biểu Phạm Trọng Nghĩa kiến nghị.