Những chất bổ sung nếu dùng thừa sẽ cực kỳ nguy hiểm

Ngày nay, dùng các chất bổ sung để tăng cường sức khỏe không còn là điều mới mẻ. Tuy nhiên, việc dùng quá liều các chất này có thể gây hại, thậm chí rút ngắn tuổi thọ...

Thừa vitamin A

Vitamin A tan trong dầu nên việc đào thải ra khỏi cơ thể rất khó khăn. Do đó, nếu uống quá nhiều vitamin A, cơ thể không đào thải hết sẽ tích lũy vào gan, có thể gây ra ngộ độc gan, nguy hiểm nhất là có thể gây tử vong. Các triệu chứng của việc dư thừa vitamin A bao gồm: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn; đau cơ, đau xương, khớp, móng tay dễ gãy; thay đổi thị lực, nhìn mờ; khó ngủ, mất tập trung, thay đổi tính cách dễ cáu gắt; da trở nên vàng, khô, nứt, bong vảy; xung huyết, nhạy cảm với ánh sáng; giảm cân, tóc rụng và viêm lưỡi...

Cơ thể không thể thiếu vitamin, nhưng nếu lạm dụng vitamin sẽ gây nên nhiều bất lợi cho sức khỏe - gọi là tình trạng thừa vitamin

Cơ thể không thể thiếu vitamin, nhưng nếu lạm dụng vitamin sẽ gây nên nhiều bất lợi cho sức khỏe - gọi là tình trạng thừa vitamin

Thừa vitamin D, C

Vitamin D là một loại vitamin thiết yếu mà cơ thể cần để tăng hấp thu canxi, giúp phát triển và duy trì xương bình thường. Vitamin D cũng đóng vai trò trong hệ thần kinh và hệ miễn dịch của cơ thể. Cơ thể hấp thu vitamin D thông qua chế độ ăn hàng ngày, chất bổ sung và qua tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Cần tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng vitamin D của bác sĩ. Không được dùng quá nhiều chất bổ sung vitamin D, vì có thể gây ngộ độc vitamin D. Dư thừa vitamin D có thể gây buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, tích tụ canxi trong máu, gây sỏi thận, suy thận. Vitamin C dư thừa sẽ được bài tiết dưới dạng oxalate, có thể hình thành sỏi thận. Một nghiên cứu liên quan đến việc bổ sung vitamin C với bệnh suy thận đã xác nhận, liều vitamin C cao đã được chứng minh là gây ra chứng tăng oxy máu và các biến chứng như chấn thương thận cấp tính...

Thừa sắt, omega-3

Sắt có trong các loại thực phẩm: Thịt đỏ, trai, sò, ốc, gan và các loại nội tạng khác, các loại hạt, rau bina… Có thể dùng các chất bổ sung sắt khi chế độ ăn không đủ hoặc một số trường hợp đặc biệt. Việc bổ sung dư thừa sắt có thể gây tích tụ sắt ở gan, tim, tuyến tụy, gây viêm gan, suy tim; tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, Parkinson… thậm chí quá nhiều sắt có thể gây tử vong. Omega-3 là một dưỡng chất tốt cho tim mạch, não bộ, kháng viêm. Tuy nhiên, nếu dùng quá liều lượng khuyến cáo có thể gây loãng máu, làm tăng nguy cơ chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết não và có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch của cơ thể. Quá liều omega 3 cũng gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, buồn nôn.

Thừa vitamin E

Thực phẩm giàu vitamin E rất giàu chất chống oxy hóa và bạn có thể hấp thụ lượng vitamin cần thiết này từ các loại hạt, hạt giống và các loại rau lá xanh khác. Vitamin E đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương oxy hóa, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng, nguồn cung cấp vitamin E không nên dựa vào sự hỗ trợ từ các chất bổ sung. Lượng vitamin E dư thừa trong cơ thể có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, dẫn đến tử vong trong một số trường hợp.

Thừa beta-carotene, nghệ

Beta-carotene là một chất dinh dưỡng chủ yếu có trong trái cây và rau quả. Chất chống oxy hóa này có trong các loại rau củ như cà rốt, khoai lang, bí ngô và các loại trái cây - rau quả màu vàng và cam khác. Tuy nhiên, lượng beta-carotene dư thừa sẽ làm tăng nguy cơ ung thư phổi, đặc biệt là ở những người hút thuốc. Nghệ có chứa curcumin, có đặc tính chống viêm. Nếu bạn có tiền sử các vấn đề về thận bao gồm sỏi thận, nên tránh dùng nghệ liều cao. Điều này là do củ nghệ có chứa oxalate, có thể liên kết với các khoáng chất và làm tăng nguy cơ sỏi thận.

Chất bổ sung canxi, kali

Canxi được bài tiết qua nước tiểu và hầu hết sỏi thận đều được tạo thành từ canxi và oxalate. Không dùng canxi liều cao để tránh nguy cơ sỏi thận. Thuốc bổ sung kali có sẵn không cần kê đơn, nhưng bạn không nên bổ sung kali hàng ngày trừ khi bác sĩ chỉ định để tránh tình trạng tăng kali máu. Tăng kali máu thường là kết quả của giảm bài tiết kali của thận hoặc dịch chuyển kali bất thường ra khỏi tế bào. Một số yếu tố góp phần đồng thời gây ra, bao gồm tăng lượng kali đưa vào, thuốc làm giảm bài tiết kali qua thận và tổn thương thận cấp tính hoặc bệnh thận mạn tính. Do đó, những người mắc bệnh thận mạn tính, bao gồm cả những người đang chạy thận nhân tạo, phải theo dõi lượng kali nạp vào để ngăn ngừa sự tích tụ kali trong máu.

Trúc Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-chat-bo-sung-neu-dung-thua-se-cuc-ky-nguy-hiem-post609484.antd