Những chiếc lá 'triệu đô'
Một hệ sinh thái phát triển nông sản an toàn, minh bạch, từ nền nông nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường sẽ mở ra cơ hội đổi đời cho hàng nghìn người từ những chiếc lá gần gũi xung quanh.
Lá trongmiền thương
Trong ký ức của chị Mười, một người chuyên làm bánh dân gian ở Hậu Giang, tuổi thơ là những tháng ngày cơ cực nhưng quý giá và thú vị. Nhà không có đất đai, không có phương tiện sản xuất, ba má chị làm thuê để nuôi 10 đứa con lít nhít. Mỗi năm đến Tết, thấy nhà nhà sắm sửa hương hoa, mua bánh Tây, trà mứt làm quà tặng, má chị nghĩ ra cách làm bánh dân gian. Trước hết, bầy con có bánh ăn, sau có quà mang qua nhà ông bà nội ngoại và xóm giềng xung quanh cho phải lễ.
Nhà nghèo, Tết năm nào cũng tặng bánh nên má chị nghĩ ra đủ loại sao cho vừa mới lạ, vừa hợp túi tiền. Má chị học ông bà tận dụng các nguyên vật liệu quanh nhà làm nên những chiếc bánh độc đáo. Ngoài bánh tét, bánh ít thông thường, nhà chị Mười còn có bánh ú lá tre, bánh lá dừa, bánh lá mơ, lá mít. Tận dụng lá dứa, lá cẩm làm hương liệu, màu sắc cộng với những bí quyết gia truyền, dần dần, gia đình chị thành “lò” bánh chuyên nghiệp. Ban đầu nhà chị chỉ làm giùm cho xóm giềng mỗi khi nhà ai đó hữu sự. Dần dần, tiếng đồn vang xa, người dân quanh vùng hay đến đặt bánh. Chị Mười được má truyền nghề, kỹ năng làm bánh thành nghiệp mưu sinh.
Chị Mười chia sẻ, từ các loại lá quanh nhà, quanh vùng, người phụ nữ Nam bộ có thể chế biến hàng trăm loại bánh khác nhau. Có loại bánh chỉ làm bằng bột và lá thôi mà ai ăn rồi thì nhớ thương tha thiết như bánh lá thúi địch (lá mơ). Cũng có loại pha trộn công phu như bánh ú nước tro - phải lấy định lượng vừa đủ các loại lá mè, lá gòn, lá rau sam đất hay rau dền gai phơi khô rồi đốt lấy tro, sau đó hòa tro với nước rồi để lắng lấy nước trong ngâm nếp. Nếp ngâm qua đêm chuyển màu vàng phải xả nước lạnh nhiều lần và ngâm lại với nước rau ngót giã nát để nếp thành màu xanh mới đem gói bánh.
Chị Mười Một - cô em út của chị Mười, từ ngày qua Mỹ định cư lần nào gọi điện về cũng than nhớ… lá. Nhớ lá là nhớ tuổi thơ gắn liền với những lần chơi nhà chòi, chui vào vòm lá giả làm nhà, lấy lá bày biện làm thức ăn, xếp hình chim, hình thú. Rồi lúc chạy chợ, những nắm xôi, miếng bánh được gói cẩn thận bằng lá chuối, lá sen vừa giữ được hồn cốt vị bánh quê hương, vừa ngon lành, trong trẻo; khi bệnh cảm, lấy lá thuốc quanh nhà làm nồi xông, lấy đọt ổi chặn đứng ông Tào Tháo... Đến khi cuộc sống bên Mỹ ổn định, Tết năm nào chị Mười Một cũng tranh thủ về Việt Nam để… “ăn cho đã” những món bánh quê.
Một dạo công nghệ thực phẩm bùng nổ, người ta chuộng dùng phẩm màu thay cho việc phải phơi, xay, chắt lọc chọn màu từ lá. Người ta dùng hương nhân tạo thay cho mùi hương tự nhiên; dùng túi nilon thay cho lá sen, lá chuối; dùng thuốc Tây thay cho những vị thuốc lá quanh nhà… Những chiếc lá bị rẻ rúng, quên lãng, phiền phức và chỉ có thể đem đốt thành tro cho tiện.
Lá lên đường "xuất ngoại"
Không ồn ào, rầm rộ nhưng khá bất ngờ khi Bản tin Thị trường nông lâm thủy sản tháng 11.2022 của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) công bố, 10 tháng đầu năm, xuất khẩu các loại lá của Việt Nam đạt 7,398 triệu USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu lá khoai mì 1,773 triệu USD; lá tre 1,679 triệu USD; lá chuối 956 nghìn USD. Ngay lá khoai lang cũng mang về hơn nửa triệu đô (560 nghìn USD).
Xem trên các sàn thương mại điện tử mới thấy những chiếc lá có bước trở mình thần kỳ. Trang Amazon rao bán: “Lá chuối không chỉ đẹp mà còn có mùi hương và hương vị tinh tế...” giá 17,95 USD/kg; lá chanh có lúc 28 USD/100gram. Chị Mười Một cho biết, tại các chợ người Hoa ở New York, lá chuối được dùng để bọc những miếng thịt quay; hoặc dùng để hấp ở nhiệt độ thấp trong thời gian dài nhằm tạo hương vị cho những loại bánh từ gạo, nếp. Vào dịp Tết, người Việt thường dặn nhau gỡ bánh cho thật khéo, tránh làm rách lá để tận dụng cho mẻ tiếp theo. Còn ở Nhật, một tàu lá chuối tươi niêm yết 2.280 yên (gần 500.000 đồng/lá), mua 2 lá giá 1.980 yên/lá, nếu cần có thể mua theo combo 5 chiếc khoảng 5.700 yên (gần 1,2 triệu đồng). Không riêng lá chuối, trên các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee..., lá bàng tươi, lá bàng khô, lá tía tô, đinh lăng, dâu tằm, lá lốt, lá mơ, lá đu đủ, lá sen, lá chanh… đều được rao bán với những con số bất ngờ.
Ngoài Mỹ thì Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu chính của các loại lá từ Việt Nam; bà Ngô Thị Thu Hồng - Tổng giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam (Hà Nội) cho biết, vài năm gần đây, Ameii thường xuyên có đơn hàng xuất khẩu các loại lá đi nước ngoài như lá chuối, lá dong, lá nếp, lá chanh… Để vào được thị trường nước ngoài, lá chuối, lá dong cần vượt qua một loạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và những quy định khắt khe từ đối tác. Các nhà xuất khẩu phải có đầy đủ thông tin liên quan đến sản phẩm như tên khoa học, nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm. Lá dong, lá chuối dùng để xuất khẩu phải có bề ngang rộng 30cm, lá liền mảnh không rách. Lá chuối, lá dong khá giòn nên phải chọn lá “đúng tuổi”, hái về phơi nắng vừa đủ độ héo để lá mềm mà không mất đi màu xanh. Lá được cuộn lại, đóng gói quy cách 0,5 - 1kg, đưa đi hút chân không và cấp đông ở -18 độ C trước khi xuất khẩu.
Ở phía Nam cũng xuất hiện nhiều đơn vị chế biến, kinh doanh lá. Các doanh nghiệp này đều hướng đến những sản phẩm thân thiện môi trường, những mô hình sản xuất sử dụng lá là nguyên liệu làm bao bì, trang trí; anh Ngô Chí Công, Giám đốc Công ty Khởi Minh Thành Công, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết: từ ý tưởng sen bất tử, lá sen được sấy khô và xử lý thành chất liệu làm túi giấy. Túi giấy lá sen của công ty anh được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Đồng Tháp. Lá sen còn được làm tranh, làm nón lá dùng làm quà tặng, sản phẩm du lịch. Nón lá sen màu sắc tươi xanh cùng những đường gân lá tự nhiên hiện rõ mang đến cảm giác gần gũi như được cầm trên tay chiếc lá sen tươi mát. Nón lá sen không thấm nước, thân thiện với thiên nhiên và môi trường nên có thể sử dụng hàng ngày để che mưa, che nắng.
Không chỉ doanh nghiệp nhạy bén mà người nông dân thời 4.0 cũng lẹ làng. Nắm bắt được nhu cầu thu mua lá chanh xuất khẩu, nhiều năm nay, người dân Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp chuyển từ trồng lúa sang trồng chanh Thái để bán lá. Phong trào này đã lan tỏa đến các tỉnh miền Đông Nam bộ, nổi lên gần đây nhất là trang trại trồng chanh Thái để lấy lá quy mô lớn do hai người bạn Lê Kim Tiến và Nguyễn Văn Hiệp hợp tác thực hiện ở xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Tình cờ biết được tiềm năng xuất khẩu lá chanh, anh Tiến bàn với anh Hiệp - là Giám đốc Công ty TNHH Gia vị Việt Hiệp tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh, đồng thời là “chuyên gia” về gia vị - kế hoạch trồng chanh lấy lá. Hai anh đầu tư 6ha trồng chanh áp dụng nghiêm ngặt khoa học kỹ thuật tiên tiến, bài bản. Trang trại chanh đã bắt đầu cho thu hoạch lá ổn định, trung bình 3 tháng cho khoảng 2 tấn lá. Giá thành lá chanh tươi thu mua tại vườn ổn định từ 150 - 170.000 đồng/kg. Tại Quảng Nam, Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng đã có các cơ sở trồng lá tía tô xuất khẩu.
Tết năm nay, chị Mười Một không về quê được nhưng chị cho hay, ở siêu thị và chợ người Hoa chẳng thiếu thứ lá gia vị gì khi trên thị trường xuất khẩu có một làn “sóng ngầm” kinh doanh lá đang bùng lên, mang lại cơ hội đổi đời cho nhiều người! Ở trong nước, gia đình chị Mười cũng “sống khỏe” vì có bí quyết pha trộn các loại lá làm các loại bánh dân gian độc đáo.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nhung-chiec-la-trieu-do-i313817/