Những chiếc thuyền cổ trong Bảo tàng Phạm Huy Thông
Từ những hình chạm khắc trên các trống đồng Đông Sơn, hình ảnh con thuyền đã gắn liền với đời sống hàng ngày và công cuộc giao thương suốt lịch sử Việt Nam. Ngày nay, một số chiếc thuyền đang được trưng bày tại Bảo tàng Phạm Huy Thông.
Bảo tàng khảo cổ học tàu thuyền Phạm Huy Thông, nơi lưu giữ 22 chiếc thuyền cổ từ thời Đông Sơn, nằm tại xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Bảo tàng do Tiến sĩ Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á sáng lập và xây dựng.
Tiến sĩ Nguyễn Việt chia sẻ: "Năm 2001, với tư cách là Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, tôi đã ra quyết định thành lập Bảo tàng Phạm Huy Thông. Đây là một dạng hình thức bảo tàng nằm trong một cơ quan nghiên cứu, không giống các bảo tàng phải đăng ký qua Sở Văn hóa hoặc Bộ Văn hóa".
Nói về cơ duyên xây dựng Bảo tàng, Tiến sĩ Nguyễn Việt chia sẻ đã có một bảo tàng từng ở Hà Nội và sau đó ở Quảng Ninh. Khi bắt đầu phát hiện các con thuyền, phạm vi diện tích bảo tàng tại Quảng Ninh đã không còn phù hợp. Do đó, ông quyết định dời cơ quan và xây dựng bảo tàng tại địa điểm hiện tại từ năm 2017.
Con thuyền có giá trị nhất tại bảo tàng cho thấy kỹ thuật đóng thuyền rất cao của thời Đông Sơn, bằng cách khoét thân gỗ làm thuyền độc mộc. "Nhưng điều quan trọng hơn cả là việc trang trí của người xưa ở vị trí đuôi thuyền rất đẹp. Trên mạn thuyền có các lỗ chốt. Đây là con thuyền có giá trị rất cao, cũng mong rằng đây là di sản tàu thuyền của đất nước", Giám đốc Bảo tàng cho biết thêm.
"Kết quả phân tích địa hóa đã cho thấy rằng hàm lượng axit trong môi trường chôn các thuyền và thân cây khoét rỗng là tương đối cao. Độ ph đo được từ 3-4. Cách bảo quản tốt nhất là cho chúng trở lại môi trường mà chúng đã tồn tại", Tiến sĩ Nguyễn Việt giải thích về cách bảo tồn những tàu thuyền cổ.