Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 6/2024

Nhiều chính sách mới gồm: Website chính thống để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa... có hiệu lực từ tháng 6/2024.

Website chính thống để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN về Quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa được, có hiệu lực từ ngày 01/6/2024.

Theo đó, người tiêu dùng có thể tra cứu trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia các thông tin sau đây: Tên và hình ảnh của sản phẩm, hàng hóa; tên đơn vị và địa chỉ của đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa; thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa; thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký tự và số seri sản phẩm (nếu có); thời hạn sử dụng sản phẩm, hàng hóa (nếu có).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sửa Nghị định hướng dẫn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Theo Nghị định số 59/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ 01/6/2024, trong đó có sửa đổi quy định về trách nhiệm lấy ý kiến đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như sau:

Cơ quan lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan, tổ chức có liên quan; lấy ý kiến Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Cơ quan lập đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều kiện vay vốn của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có hiệu lực thi hành từ ngày 10/6/2024.

Về nguyên tắc cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Điều 15 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP quy định: Hoạt động cho vay của Quỹ được thực hiện theo thỏa thuận giữa Quỹ và doanh nghiệp nhỏ và vừa, phù hợp với quy định tại Nghị định này; doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn của Quỹ phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn đã thỏa thuận với Quỹ; đồng tiền cho vay, trả nợ là đồng Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nghị định số 45/2024/NĐ-CP bổ sung thêm nguyên tắc: Doanh nghiệp đã được vay vốn của Quỹ được xem xét cho vay đối với dự án, phương án sản xuất, kinh doanh mới từ nguồn vốn của Quỹ nếu doanh nghiệp đã hoàn trả hết nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn. Nguyên tắc này nhằm hạn chế một doanh nghiệp trong cùng một giai đoạn vay vốn dàn trải cho nhiều dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Đồng thời, sau khi doanh nghiệp hoàn trả hết sẽ đủ cơ sở đánh giá kết quả, hiệu quả, khả năng và nhu cầu thực sự hỗ trợ lần tiếp theo.

Ngoài ra, Nghị định số 45/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung về khoản 1, 2, 3 Điều 16 về điều kiện vay vốn.

Ô tô được miễn kiểm định lần đầu vẫn phải nộp tiền lập hồ sơ

Một chính sách nổi bật trong tháng 6 này là ô tô được miễn kiểm định lần đầu vẫn phải nộp tiền lập hồ sơ.

Cụ thể, Thông tư 11/2024/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới, có hiệu từ ngày 15/6/2024

Theo đó, các phương tiện được miễn kiểm định lần đầu vẫn phải lập hồ sơ phương tiện với mức giá dịch vụ như sau:

Giá lập hồ sơ với xe miễn kiểm định lần đầu: 46.00 đồng/xe; Giá dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định: 23.000 đồng/lần/xe. Trong đó, giá này đã bao gồm chi phí tổ chức thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng chưa bao gồm thuế VAT.

Đặc biệt, tổ chức, cá nhân được cung cấp dịch vụ này phải thanh toán giá dịch vụ cho đơn vị đăng kiểm theo mức giá ở trên.

Quy định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nghề thủ công mỹ nghệ

Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19/4/2024 quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" (NSND, NSƯT) trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ chính thức có hiệu lực từ ngày 06/6/2024.

Trong đó, quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" gồm: Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương. Có thời gian hoạt động liên tục trong nghề thủ công mỹ nghệ hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên. Tương tự, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" cũng được áp dụng như trên, song chỉ cần có thời gian hoạt động liên tục trong nghề thủ công mỹ nghệ hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên.

Ngoài ra, một tiêu chuẩn khác để được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đó là: Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; được đồng nghiệp và Nhân dân mến mộ, kính trọng; là đại diện tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của cả nước. Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc.

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo Nghị định, nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là bảo đảm các di sản văn hóa phi vật thể được thực hành hướng con người, cộng đồng tới các giá trị văn hóa tốt đẹp; gìn giữ bản sắc; hướng tới sự phát triển xã hội toàn diện; bảo đảm an toàn cộng đồng và xã hội; bảo vệ môi trường; bảo đảm tôn trọng sự đa dạng văn hóa, vai trò của cộng đồng chủ thể và tính đặc thù dân tộc, vùng miền. Di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng khác nhau đều được tôn trọng như nhau.

Cùng với đó, ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn, đặc thù, di sản có giá trị toàn cộng đồng, xã hội; ưu tiên quyền quyết định của cộng đồng chủ thể vì sự tồn tại, thực hành lâu dài, liên tục của di sản, phù hợp với ý nghĩa và chức năng của di sản, phù hợp với pháp luật về di sản văn hóa của Việt Nam và văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nghị định số 39/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/6/2024.

Đức Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-chinh-sach-noi-bat-co-hieu-luc-trong-thang-62024-323588.html