Những chính sách về tiền lương mới có hiệu lực từ tháng 3/2023
Kinhtedothi – Quy định mới về xếp lương viên chức ngành giao thông vận tải; tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật cho người làm việc trong điều kiện nguy hiểm; 8 vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành ngân hàng, là những quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/3/2023.
Quy định mới về xếp lương viên chức ngành giao thông vận tải
Từ ngày 1/3/2023, Bộ Giao thông Vận tải áp dụng 10 thông tư mới quy định về cách xếp lương viên chức ngành do Bộ quản lý. Đó là:
- Thông tư 38/2022/TT-BGTVT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải, thông tin an ninh hàng hải.
- Thông tư 39/2022/TT-BGTVT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành cảng vụ đường thủy nội địa.
- Thông tư 40/2022/TT-BGTVT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành cảng vụ hàng hải.
- Thông tư 41/2022/TT-BGTVT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành quản lý dự án hàng hải.
- Thông tư 42/2022/TT-BGTVT Hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành giao thông vận tải trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực giao thông vận tải.
- Thông tư 43/2022/TT-BGTVT Huy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành quản lý dự án đường thủy.
- Thông tư 44/2022/TT-BGTVT Sửa đổi Thông tư 11/2020/TT-BGTVT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành cảng vụ hàng không.
- Thông tư 45/2022/TT-BGTVT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành đăng kiểm.
- Thông tư 46/2022/TT-BGTVT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành quản lý dự án đường bộ.
- Thông tư 47/2022/TT-BGTVT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành kỹ thuật đường bộ, chuyên ngành kỹ thuật bến phà.
- Thông tư 49/2022/TT-BGTVT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành quản lý dự án đường sắt.
Tăng mức bồi dưỡng hiện vật cho người làm việc trong điều kiện nguy hiểm
Đây là quy định tại Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTB&XH Quy định việc bồi dưỡng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại.
Theo đó, kể từ ngày 1/3/2023, có 3 đối tượng người lao động được áp dụng chính sách này, đó là:
+ Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động;
+ Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;
+ Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền theo các mức bồi dưỡng sau:
- Mức 1: 13.000 đồng;
- Mức 2: 20.000 đồng;
- Mức 3: 26.000 đồng;
- Mức 4: 32.000 đồng.
Như vậy, 4 mức bồi dưỡng bằng hiện vật được quy định tại Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH cao hơn lần lượt là: 3.000 đồng – 5.000 đồng – 6.000 đồng – 7.000 đồng), so với Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH.
8 vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành ngân hàng
Thông tư 19/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước: Hướng dẫn vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Ngân hàng trong cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành, lĩnh vực Ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 1/3/2023.
Theo đó, danh mục 8 vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Ngân hàng gồm có:
- Vị trí việc làm về hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, ngân hàng.
- Vị trí việc làm về quản lý hoạt động công nghệ ngân hàng.
- Vị trí việc làm về nghiệp vụ ngân hàng trung ương.
- Vị trí việc làm về thanh tra, giám sát ngân hàng.
- Vị trí việc làm về kiểm soát ngân hàng.
- Vị trí việc làm về phòng, chống rửa tiền.
- Vị trí việc làm về tiền tệ, ngân hàng quốc tế.
- Vị trí việc làm về quản lý tổ chức tín dụng.
Bản mô tả công việc của 8 vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Ngân hàng được quy định tại Phụ lục II (Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước).
Quy định mới về tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTC Hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Thông tư nêu rõ, đơn vị được Ban tổ chức lễ hội giao thực hiện tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội có trách nhiệm: Mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội đã tiếp nhận;
Sử dụng kinh phí cho lễ hội theo kế hoạch thu, chi đã được phê duyệt; các khoản chi phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ theo quy định.
Thông tư 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023.