Những chuyển biến trong phát triển hợp tác xã ở Vĩnh Linh
Triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, đến nay, hầu hết các hợp tác xã trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã phát triển, thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, khẳng định tính hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Từ đó góp phần tạo động lực cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Hợp tác xã (HTX) Nông sản Tây Vĩnh Thủy, xã Vĩnh Thủy được thành lập từ tháng 5/2018 với 26 thành viên, vốn điều lệ là 210 triệu đồng, hoạt động trên 11 lĩnh vực chính. Những ngày đầu mới thành lập, HTX Nông sản Tây Vĩnh Thủy chỉ có 15 ha cây ăn quả các loại, trồng không tập trung. Thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, từ nguồn kinh phí của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Vĩnh Thủy đã hỗ trợ 50 hộ dân là thành viên HTX cải tạo vườn tạp, bình quân mỗi hộ được nhận hỗ trợ 7 triệu đồng gồm cây giống và hệ thống tưới nước.
Bà Lê Thị Thuận, thành viên HTX nhớ lại, trước đây trên diện tích 1,5 sào đất vườn, bà chủ yếu trồng cỏ phục vụ chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế không cao. Khi địa phương triển khai chủ trương cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, bà được đi tập huấn, tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như cách thức trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ... Từ đó bà đã thay đổi nhận thức, chủ động bàn bạc với gia đình quyết tâm thực hiện cải tạo vườn tạp để đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập.
Từ một số mô hình thí điểm ban đầu, đến nay, toàn HTX đã phát triển được hơn 83 ha cây ăn quả tập trung với các loại chủ lực như thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, ổi lê Đài Loan, cam Vân Du, cam V2, vải thiều, chanh leo… Trong đó, riêng thanh long ruột đỏ chiếm 12 ha, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường 72 tấn sản phẩm, đem lại nguồn thu trên 1,8 tỉ đồng, đưa Vĩnh Thủy trở thành đơn vị có diện tích trồng thanh long tập trung lớn nhất trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, đến nay xã Vĩnh Thủy có 3 HTX gồm Đức Xá, Thủy Ba Tây, Thủy Ba Hạ được công nhận HTX kiểu mới. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các HTX mang lại hiệu quả cao, vốn quỹ hằng năm tăng lên. Các HTX góp phần cùng địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất trên một đơn vị diện tích, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, mở mang ngành nghề dịch vụ.
Sau 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, đến nay trên địa bàn huyện Vĩnh Linh có 24.149 thành viên tham gia HTX, chiếm trên 80% xã viên cũ. Có 68 HTX chuyển đổi, chia tách và thành lập mới. Doanh thu bình quân của HTX là 15,3 tỉ đồng. Đặc biệt 26 HTX đã đóng BHXH cho cán bộ chủ chốt và truy đóng với tổng số 60 người. Bộ máy HTX đã được tinh giản về số lượng và gia tăng về chất lượng, phù hợp với công việc cụ thể và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tùy vào mức độ cung ứng dịch vụ khác nhau, HTX nông nghiệp đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và hiệu quả kinh tế. Phong trào xây dựng cánh đồng có thu hoạch đạt giá trị 50 triệu đồng/ha/năm và hộ nông dân có thu nhập 50 triệu đồng/năm được triển khai ở các địa phương.
Góp sức vào công cuộc xây dựng NTM, các HTX đã tổ chức thực hiện nhiều chương trình mục tiêu như kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa giao thông nông thôn, các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chương trình sản xuất vùng giống nhân dân. Từ năm 2008 đến nay, kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ dịch vụ công ích thủy lợi lên đến hơn 50 tỉ đồng. Ngoài ra, huyện đã giới thiệu để các HTX tiếp cận các nguồn vốn có lãi suất thấp như Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, vốn tài trợ của tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức, góp phần tăng thêm nguồn lực tài chính của các HTX để mở rộng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 10 năm triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012 trên địa bàn huyện Vĩnh Linh vẫn còn những hạn chế. Đó là tính hình thức trong chuyển đổi HTX theo Luật HTX chưa được khắc phục căn bản. Nhiều HTX quy mô nhỏ, thiếu vốn, tài sản ít, năng lực nội tại của các HTX còn yếu. Công nợ trong các HTX chậm được xử lý đã cản trở sự phát triển của HTX…
Trong thời gian tới, để phát triển hiệu quả kinh tế tập thể, việc chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực điều hành, quản lý, tổ chức hoạt động của HTX thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về năng lực quản lý, kỹ thuật sản xuất là rất cần thiết. Đồng thời cần thực hiện tốt chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học vào làm việc tại các HTX. Tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ HTX thu hút, kết nạp thêm thành viên, tăng vốn góp của thành viên vào HTX, tổ hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi để thành lập mới HTX. Vận động các HTX cùng ngành, nghề, lĩnh vực tham gia thành lập các liên hiệp HTX để tăng quy mô và sự gắn kết giữa các thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, hoạt động hiệu quả theo định hướng, thế mạnh sản phẩm của địa phương.
Bên cạnh đó, phát triển mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, kịp thời phổ biến, nhân rộng các mô hình HTX điển hình, hoạt động có hiệu quả; đẩy mạnh hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Hỗ trợ HTX đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm để mở rộng quy mô hoạt động của HTX. Thực hiện chuyển đổi số đối với các HTX đủ năng lực, điều kiện; quản lý và vận hành tốt hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin của tỉnh về HTX. Chú trọng phát huy nội lực của HTX, tận dụng tối đa nguồn hỗ trợ của nhà nước, nguồn tín dụng, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng kết cấu hạ tầng cho sản xuất và chế biến; tăng cường liên kết với doanh nghiệp, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.