Những chuyến hàng Trung Quốc đầu tiên chịu thuế quan 145% đã cập cảng Mỹ
Theo hãng tin CNBC, những chuyến tàu biển đầu tiên chở hàng hóa từ Trung Quốc chịu thuế quan bổ sung 145% của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu cập cảng Mỹ...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters
7 con tàu chở hàng với khoảng 12.000 container xuất phát từ Trung Quốc sau khi thuế quan 145% có hiệu lực đã đến cảng Los Angeles và Long Beach thuộc bang California. Dự kiến, 5 tàu tương tự sẽ cập cảng trong những ngày tới.
Amazon, Home Depot, Ikea, Ralph Lauren và Tractor Supply là 5 trong những công ty có hàng hóa trên các tàu này. Trong đó, Amazon thay mặt các nhà cung cấp trên sàn của mình nhập khẩu đồ dùng gia đình, quần áo, đồ nội thất và nhiều mặt hàng khác gồm tủ lạnh, máy chiên ngập dầu, tấm lót chuột, giá sách… từ Trung Quốc. Hàng hóa của Tractor Supply gồm quạt sàn di động, dụng cụ làm vườn và giày bảo hộ lao động nam. Home Depot nhập khẩu đèn và quạt trần.
Ngày 2/4, ông Trump công bố chính sách thuế đối ứng với mức cơ sở 10% với hầu hết đối tác thương mại và từ 11-50% với khoảng 60 đối tác. Mỹ hiện hoãn thuế đối ứng ở các mức cao trong vòng 90 ngày để đàm phán, riêng Trung Quốc bị tăng thêm. Bao gồm cả thuế đối ứng, thuế quan bổ sung của Mỹ với hàng Trung Quốc hiện là 145%.
Trong cuộc gọi công bố kết quả kinh doanh ngày 24/4, người phát ngôn của Tractor Supply cho biết công ty đang đối mặt “sự bất ổn lớn” do thuế quan.
“Tractor Supply đang tích cực làm việc với các nhà cung cấp và chuỗi cung ứng để điều hướng tác động của thuế quan mới, đồng thời theo dõi tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô tới khách hàng của mình”, người này cho biết.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng được xem là thiết yếu từ Trung Quốc, bất chấp những lo ngại về nhu cầu của người tiêu dùng và suy giảm kinh tế.
Trong một thông cáo qua email, Amazon cho biết công ty này đang làm việc với nhiều đối tác bán hàng để hỗ trợ họ thích nghi với môi trường kinh doanh thay đổi, đồng thời duy trì lựa chọn phong phú và giá thấp cho khách hàng. Còn Home Depot cũng cho biết đang theo dõi tình hình và sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp để mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng.
Hôm thứ Sáu, trước khi các cuộc đàm phán quan trọng giữa Mỹ và Trung Quốc tại Thụy Sỹ, ông Trump phát tín hiệu nói rằng ông sẵn sàng giảm thuế quan với hàng hóa từ Trung Quốc xuống 80%. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, con số này vẫn rất cao.
“Thuế quan 80% với Trung Quốc có vẻ hợp lý. Điều này tùy thuộc vào ông Scott Bessent”, ông Trump viết trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, đề cập đến cuộc gặp giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cùng các quan chức Mỹ với phía Trung Quốc ở Thụy Sỹ vào cuối tuần vừa rồi.
Chia sẻ với hãng tin CNBC, ông Brian Bourke, Giám đốc thương mại toàn cầu của công ty vận tải SEKO Logistics, cho biết các khách hàng của ông vẫn đang gặp khó khăn trong việc hiểu sự chống chéo của các khoản thuế quan. Trong một số trường hợp, các khoản thuế thậm chí loại trừ lẫn nhau.
“Sự rối ren này khiến họ liên tục thay đổi và cập nhật kế hoạch của mình, đồng thời đóng băng các quyết định kinh doanh”, ông Bourke cho biết. “Nhiều khách hàng của chúng tôi đã định giá và bán sản phẩm hoặc dự án của họ trước thuế quan được công bố. Với mức thuế quan mới và tốc độ tăng thuế, họ không thể điều chỉnh giá các mặt hàng đã bán mà phải chờ tới tháng 5-6 hoặc sau đó”.
Kể từ khi ông Trump công bố chính sách thuế đối ứng ngày 2/4, số lượng tàu hàng và container từ Trung Quốc đến Mỹ đã giảm mạnh.
Theo công ty dịch vụ dữ liệu Sea-Intelligence, trên khắp các tuyến hàng hải dọc Bờ Tây Châu Á-Bắc Mỹ và Bờ Đông Châu Á-Bắc Mỹ, có tổng cộng 90 chuyến tàu bị hủy trong tháng 4 và tháng 5. Trong số này gần một nửa là tàu của Ocean Alliance - liên minh vận tải của hai công ty COSCO và OOCL của Trung Quốc, Evergreen có trụ sở tại Đài Loan và CMA của Pháp.
Theo một số hãng vận tải biển, các đơn hàng vận chuyển của họ từ Trung Quốc cũng giảm 30-50%.
Báo cáo Global Port Tracker của Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) và Hackett Associates công bố cuối tuần trước dự báo hàng hóa nhập khẩu tại các cảng lớn của Mỹ sẽ giảm mạnh so với năm trước do thuế quan.
Bên cạnh việc giảm số tàu do đơn hàng giảm, các hãng vận tải hiện đang dùng tàu nhỏ hơn để vận chuyển hàng hóa. MSC, công ty vận tải biển lớn nhất thế giới, và liên minh Gemini Alliance (gồm Maersk và Hapag Lloyd), đang sử dụng các tàu nhỏ cho tuyến Bờ Tây Châu Á - Bắc Mỹ.
Dữ liệu từ Sea-Intelligence cho thấy MSC đã giảm 28% công suất vận tải container so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm của Gemini Alliance là 26%.