Những cơ chế để Hà Nội 'phá dớp' hơn 10 năm mới xong 1 tuyến metro
Hà Nội cần cơ chế riêng để huy động nguồn vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng và công nghệ để hoàn thiện 10 tuyến metro. Qua đó, góp phần thay đổi thói quen đi lại của người dân, đồng thời giảm ùn tắc trong nội thành.
Thay đổi thói quen đi lại
Sau nhiều năm thi công, Hà Nội đã đưa tuyến đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông vào khai thác thương mại. Hiện nay, trung bình mỗi ngày 2 tuyến metro vận chuyển gần 100 nghìn hành khách, góp phần giảm ùn tắc giao thông các trục đường phía Nam và phía Tây Hà Nội. Đồng thời, 2 tuyến metro đã góp phần thay đổi thói quen đi lại của người dân Thủ đô.
Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty Một thành viên Metro Hà Nội, mỗi ngày có trên 35 nghìn hành khách sử dụng tuyến metro Cát Linh - Hà Đông. Trong đó, có 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% còn lại là đi lại với các mục đích khác.
Từ thực tế trên, Hà Nội đã thông qua đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống metro giai đoạn 2024 - 2045. Trong đề án, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng gần 400km (hơn 10 tuyến) metro, với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ USD.
Thực tế người dân Thủ đô phải chờ đợi hơn 15 năm mới được đi metro Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội. Do vậy, để hoàn thiện hơn 10 tuyến metro, với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD như đề án đặt ra là một thách thức rất lớn.
Ông Nguyễn Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, việc đảm bảo tiến độ xây dựng hàng trăm kilomet metro như trong quy hoạch là một thách thức rất lớn đối với thành phố. Ngoài ra, để huy động khoảng 50 tỷ USD hoàn thiện quy hoạch đường sắt, Thủ đô cũng cần quyết tâm rất lớn.
“Hơn 10 năm qua, chúng ta chỉ xây dựng được 2 tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông. Do vậy, để hoàn thiện các tuyến metro như mục tiêu của đề án, đòi hỏi có quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị”, ông Nguyễn Quang Huy nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn từng cho biết, nhìn nhận cả quá trình đầu tư thì tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông mất từ 10 - 15 năm. Trong trường hợp nếu làm 10 tuyến metro như trong đề án theo phương thức từng tuyến một thì phải mất 100 năm may ra mới hoàn thành.
Đồng bộ toàn hệ thống metro
Để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất, đồng bộ trên toàn hệ thống metro, Hà Nội đưa ra phương án lựa chọn bộ tiêu chuẩn kỹ thuật dùng chung và những thông số kỹ thuật chính để cho phép khả năng liên vận giữa các tuyến với nhau, đồng thời tối ưu hóa chi phí đầu tư, năng lực bảo trì, sửa chữa và vận hành.
Để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, TP Hà Nội đưa ra phương án nhà đầu tư tư nhân được nhượng quyền khai thác một phần kết cấu hạ tầng, tham gia đầu tư, phát triển các dự án quy hoạch.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng cho rằng, để Thủ đô có 300km đường sắt đô thị vào năm 2035, cần phải có cách tiếp cận riêng về cơ chế, chính sách và cách thức triển khai dự án.
“Rút kinh nghiệm từ 2 tuyến metro trước đây, các tuyến sau này phải làm cùng một công nghệ. Có như vậy mới đảm bảo tiến độ đề ra, đồng thời hy vọng khoảng 15 - 20 năm nữa chúng ta có ngành công nghiệp phụ trợ metro”, ông Trần Sỹ Thanh nói.
Theo đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống metro, giai đoạn 2024 - 2030, Hà Nội hoàn thành 96,8km metro, gồm tuyến số 22, số 33 và tuyến số 5. Theo tính toán sơ bộ, nhu cầu vốn xây dựng các dự án này vào khoảng 14,6 tỷ USD.
Giai đoạn 2031 - 2035, Hà Nội dự kiến hoàn thành 301km metro, gồm tuyến số 1, số 2A kéo dài đến Xuân Mai, số 4, 6, 7, 8 và tuyến kết nối các đô thị vệ tinh. Nhu cầu vốn đầu tư làm metro trong giai đoạn này khoảng 22,5 tỷ USD.
Trong giai đoạn 2036 - 2045, thành phố sẽ hoàn thành hơn 200km metro các tuyến, đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch thủ đô và Quy hoạch chung thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Nhu cầu vốn trong giai đoạn này vào khoảng 18,2 tỷ USD.