Những cô gái Việt bên rặng núi tuyết Pakistan
Được kết hôn với một cô gái mạnh mẽ là điều hạnh phúc, bởi dù có khó khăn gì xảy ra, cô ấy vẫn có thể lo chu toàn cho gia đình!
Sau 2 ngày đi ôtô qua những cung đường hiểm trở từ thủ đô Islamabad của Pakistan - do chuyến bay đến Gilgit bị hủy bất ngờ vì thời tiết, chúng tôi đến khách sạn ở vùng thượng Hunza lúc chiều muộn. Đón chúng tôi là một phụ nữ Việt Nam xinh đẹp với nhiều bất ngờ thú vị.
Định mệnh chốn xa xôi
Tại vùng biên giới phía Bắc Pakistan xa xôi, bữa tối hôm đó chúng tôi được thưởng thức món nộm gà xé phay và cháo gà đậm hương vị Việt Nam. "Đầu bếp chính" là chị Tạ Hạnh Liên, vợ của chủ khách sạn và cũng là cô dâu Việt đầu tiên ở vùng đất này.
Vốn là giám đốc kiểm toán nội bộ của một tập đoàn lớn tại Việt Nam, chị Liên đã gặp "định mệnh" đời mình trong một chuyến du lịch đến Pakistan cùng mẹ. Anh Karim Ahmed, giám đốc một công ty du lịch lớn ở phía Bắc Pakistan, đã đồng hành với chị trong chuyến đi đặc biệt này. Hai người bén duyên và đã vượt qua bao khó khăn cách trở để kết hôn vào tháng 4-2018.
Hiện nay, khách sạn của anh chị tại vùng Shishkat Gojal, thượng Hunza đang trong quá trình hoàn thiện, anh chị vẫn đi đi về về giữa hai quốc gia. Chị Liên mỗi năm sang Pakistan vào mùa xuân và mùa thu, thời gian còn lại chị hỗ trợ công ty du lịch của anh Karim với chi nhánh tại TP HCM.
Làm dâu trong một gia đình Hồi giáo tại ngôi làng nhỏ dưới chân núi tuyết Ghulkin, chị Liên chia sẻ chị không gặp khó khăn trong quan hệ với nhà chồng. Gia đình anh Karim theo đạo Hồi nhưng thuộc dòng Ismaili - một dòng khá thoáng và cởi mở - nên chị Liên không phải cải theo đạo Hồi và việc đi cầu nguyện cũng là tự nguyện.
Nhoẻn nụ cười hạnh phúc khi tiếp những người khách trong ngôi nhà gỗ trên đỉnh đồi mang đậm kiến trúc Hồi giáo với những chạm trổ tinh xảo mà chính anh Karim dựng khi cưới, chị Liên kể rằng chị từng hỏi chồng liệu có ngại khi cưới một cô gái mạnh mẽ? Chồng chị đáp điều đó làm anh hạnh phúc bởi dù có khó khăn gì xảy ra, chị vẫn có thể lo chu toàn cho gia đình.
Trong ngôi làng ở thung lũng Hunza nơi anh Karim sinh ra và lớn lên vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn nhiều nét đẹp truyền thống với những ngôi nhà, tường đá. Người dân nơi đây xinh đẹp, hiền lành, những cô gái nhiệt thành chào đón khách, dịu dàng mời món mơ ngọt sấy, hạt mơ, trà sữa hay những trái táo vàng thơm phức.
Anh Karim cho biết anh rất mong khi phát triển du lịch, thung lũng Hunza vẫn giữ được những nét truyền thống. Anh cũng đang cùng một số cộng sự thúc đẩy việc mở đường bay thẳng từ Việt Nam đến Islamabad để người dân hai nước có thể đi lại thuận lợi hơn.
Tình yêu nở hoa!
Cũng bén duyên với một người đàn ông Pakistan, chị Lê Thu Huyền rời Hà Nội từ cuối tháng 8 năm ngoái để chuyển đến sinh sống cùng chồng, anh Safdar Karim, tại Karimabad, thị trấn trung tâm của khu vực thung lũng Hunza, tỉnh Gilgit Baltistan. Tỉnh này nằm ở phía Bắc Pakistan, tiếp giáp với khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.
Vùng đất này thật hoang sơ, hùng vĩ. Những dãy núi tuyết với vô số đỉnh núi trên 7.000 m nằm xen lẫn với bạt ngàn sông băng trắng xóa trong khi mặt đất, sườn đồi, sườn núi được phủ kín với hàng trăm ngàn gốc cây ăn quả cổ thụ từ hạnh nhân, táo, mơ, cherry, đào, lê, óc chó… cùng với những hàng cây thuộc họ bạch dương vươn mình lên bầu trời xanh thẳm của vùng núi tuyết.
Thung lũng Hunza được mệnh danh là "thiên đường trên mặt đất" bởi vẻ đẹp lộng lẫy khi tất cả cây ăn quả bừng nở hoa trong tiết trời mùa xuân, hay đất trời như nhuộm một màu xanh mướt của cây cối vào mùa hè ấm áp và rực rỡ với muôn ngàn sắc vàng, cam, hồng đỏ của lá cây chuyển màu mỗi dịp thu về.
Cư dân sinh sống ở thung lũng Hunza theo dòng đạo Hồi Ismaili, một nhánh nhỏ của dòng Shia với sự cởi mở và tự do đặc biệt. Phụ nữ ở nơi đây hoàn toàn có thể đi học, đi làm tại các công sở cũng như không cần che mặt hay che tóc trong sinh hoạt hằng ngày.
Dòng Hồi giáo Ismaili đặc biệt chú trọng về mặt giáo dục, do vậy trình độ học vấn của người dân nơi đây, đặc biệt là thế hệ trẻ, cao hơn rất nhiều so với các vùng khác ở Pakistan. Đại đa số người dân có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh. Ngay ở Karimabad cũng có một trường đại học để các thanh niên học tập, không cần di chuyển tới tới Gilgit, thủ phủ của vùng Gilgit Balistan.
Người dân vùng Hunza cũng đặc biệt hiếu khách, thân thiện và cởi mở trong việc tiếp xúc với du khách hơn so với các vùng khác ở Pakistan. Trong một chuyến du lịch đến Hunza vào mùa thu 2018, chị Huyền đã gặp được một nửa của mình. Trải qua quãng thời gian dài "yêu xa" do yếu tố địa lý và dịch COVID-19, anh chị quyết định tổ chức đám cưới vào tháng 4-2022 khi đường bay từ Việt Nam tới Pakistan mở cửa trở lại.
Sau đó, vào cuối tháng 8-2022, chị Huyền đã quyết định "theo chàng về dinh", chấm dứt cảnh "nấu cháo điện thoại" mỗi ngày. Hiện chị Huyền hỗ trợ anh Safdar tổ chức tour cho các đoàn Việt Nam du lịch đến Hunza với mong muốn giúp mọi người được biết thêm về một Pakistan rất khác với những gì được nghe thấy trên truyền thông.
Nhịp sống bình yên
"Điều kiện sinh sống hằng ngày của cư dân bản địa ở Hunza còn khá nhiều thiếu thốn, như điện chỉ có khoảng 4-6 giờ/ngày và không theo giờ cố định, nước thì lạnh quanh năm do đặc điểm núi tuyết sông băng. Tuy nhiên, mạng internet đã giúp tôi giữ được kết nối với gia đình, người thân và bạn bè tại Việt Nam cũng như hỗ trợ cho công việc hiện tại nên tôi không gặp khó khăn gì lớn khi hòa nhập với cuộc sống nơi đây và thật sự hài lòng với lựa chọn rời Việt Nam để hai vợ chồng được sống cùng nhau tại Hunza, một vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhịp sống bình yên, con người hiền hòa, thân thiện, hiếu khách. Mỗi ngày tôi thêm yêu mảnh đất này hơn!" - chị Lê Thu Huyền cho biết.