Những con số ấn tượng về kết quả chuyển đổi số của ngành giáo dục
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết, đến thời điểm hiện tại (tháng 10/2023), ngành Giáo dục đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng cơ sở dữ liệu.
Vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Sơn Hải, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân tích những kết quả chuyển đổi số của ngành giáo dục tác động đến các trụ cột chuyển đổi số quốc gia là Chính phủ số và Xã hội số.
Theo đó, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết, đến thời điểm hiện tại (tháng 10/2023), ngành Giáo dục đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng cơ sở dữ liệu. Cụ thể, cơ sở dữ liệu về mầm non, phổ thông đã thu thập thông tin của gần 53.000 trường học: 1,6 triệu hồ sơ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; 24 triệu hồ sơ, kết quả học tập của học sinh, thể chất (chiều cao, cận nặng, các bệnh về mắt-xương, dinh dưỡng,..); Kết nối (API) với hơn 17,083 trường học; Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (2022): xác thực định danh hơn 23 triệu hồ sơ, làm giàu cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư hơn 20 triệu công dân,…
Về quy mô sử dụng cơ sở dữ liệu giáo dục mầm non, phổ thông, ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có 63 Sở Giáo dục và Đào tạo, 705 Phòng Giáo dục và Đào tạo, 15.495 trường mẫu giáo, mầm non, 12.669 trường tiểu học, 10.796 trường trung học cơ sở, 2.902 trường trung học phổ thông và 638 trung tâm giáo dục thường xuyên.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng giúp quản lý được tình trạng thừa thiếu giáo viên; quản lý sức khỏe học sinh; quản lý triển khai Chương trình Sóng và máy tính cho em; quản lý tiêm vắc-xin COVID-19; quản lý, theo dõi học sinh, giáo viên F0, F1.
Đặc biệt, công tác chuyển đổi số đã triển khai được cơ sở dữ liệu giáo dục đại học (HEMIS). Qua đó, thu thập, số hóa dữ liệu của 442 cơ sở đào tạo, 152.470 giảng viên, 2.102.165 người học và dữ liệu về: nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, tài chính, hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế, …
Cơ sở dữ liệu này đã cập nhật đủ 136 trường thông tin của 07 phân hệ dữ liệu (theo yêu cầu tại Phụ lục các thông tin cần nhập liệu kèm theo công văn số 2685/BGDĐT-GDĐH ngày 02/6/2023 về báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu năm 2022 và xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023) và hiện đang sử dụng cho công tác thống kê giáo dục (Công văn số 937/BGDĐT-CNTT ngày 09/03/2023 về nhập dữ liệu, báo cáo trên hệ thống HEMIS)
Không những vậy, HEMIS đã kết nối kỹ thuật với cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm (theo kế hoạch Đề án số 06 năm 2023): đến ngày 30/7/2023 đã đồng bộ dữ liệu của 146 ngàn/237 ngàn hồ sơ sinh viên tốt nghiệp năm 2022 (chưa đầy đủ, vẫn đang tiếp tục thực hiện). Qua đó, có trên 97 nghìn hồ sơ khớp thông tin định danh và có mã số bảo hiểm xã hội trên cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm (được xem như đã có việc làm ổn định, chiếm 66,7%), trong đó: có trên 29,3 ngàn hồ sơ có thông tin về loại/lĩnh vực ngành nghề của đơn vị làm việc; 95,3 ngàn hồ sơ có thông tin chức danh/vị trí việc làm.
HEMIS là hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học nhằm thu thập, tổng hợp, quản lý dữ liệu và cung cấp kịp thời, chính xác và đầy đủ thông tin phục vụ quản lý về giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và quản lý vận hành, dùng trong quản lý giáo dục đại học tại địa chỉ hemis.moet.gov.vn.
Đây cũng là công cụ để cải cách hành chính công tác báo cáo của các cơ sở đào tạo với Bộ và có trách nhiệm tham gia báo cáo dữ liệu và được khai thác thông tin tổng hợp (toàn ngành) từ hệ thống phục vụ chuyên môn.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Sơn Hải, chuyển đổi số trong giáo dục đã giúp triển khai Đề án 06 và đạt được nhiều kết quả.
Cụ thể, việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư (từ năm 2022) đã đồng bộ, xác thực định danh hơn 24 triệu hồ sơ học sinh, giáo viên (đạt tỷ lệ gần 98%), đã làm giàu dữ liệu của gần 23 triệu hồ sơ học sinh và giáo viên về giáo dục cho cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Bộ Giáo dục và Đào tạo là một trong những cơ quan hoàn thành sớm nhất kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư;
Thực hiện nghiêm, kịp thời chủ trương không dùng sổ hộ khẩu, không dùng Giấy chứng nhận thường trú trong thực hiện các thủ tục hành chính (Nghị định 104/2022): cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đã kết nối, khai thác dữ liệu lịch sử thường trú của công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Năm 2023, ngành giáo dục đã không sử dụng Giấy chứng nhận thường trú, mà khai thác hoàn toàn trực tuyến trên môi trường số cho hàng triệu thí sinh tham gia các kỳ tuyển sinh đầu cấp và tuyển sinh vào đại học.
Công tác chuyển đổi số cũng giúp thực hiện các thủ tục hành chính thiết yếu bằng hình thức trực tuyến: Thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (đạt 93% mỗi năm); Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trực tuyến (hơn 600.000 thí sinh với hơn 3 triệu nguyện vọng được đăng ký trực tuyến mỗi năm); Thí sinh thanh toán lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 97%); Thí sinh xác nhận nhập học đại học trực tuyến trên Cổng tuyển sinh (đạt 81%)
Nổi bật là năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” – Vietnam Digital Award năm 2022.
Chuyển đổi số trong giáo dục cũng đã thực hiện được việc thí điểm triển khai học bạ điện tử, sổ điểm điện tử.
Nhờ vậy, công tác lưu trữ, quản lý và sử dụng học bạ ở các nhà trường được thuận tiện hơn; Giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và nhà trường; Minh bạch hóa quá trình quản lý kết quả học tập, rèn luyện học sinh; hạn chế các bất cập về sửa kết quả học tập; Là giải pháp để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành giáo dục (hạn chế sử dụng giấy tờ, cắt giảm thành phần hồ sơ trong các thủ tục hành chính).
Đối với giáo dục phổ thông, chuyển đổi số trong dạy – học đã cung cấp hơn 7.000 bài giảng e-learning và video bài giảng (Cuộc thi thiết kế bài giảng đóng góp 42.000 sản phẩm), toàn bộ bản điện tử các bộ sách giáo khoa phổ thông.
Đối với chuyển đổi số trong đào tạo đại học, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cùng các trường đại học xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến mở, dùng chung cho các trường đại học (MOET-MOOC) với 7 nhóm ngành đào tạo sẽ do 7 cơ sở đào tạo chủ trì, phối hợp với các trường liên quan tham gia xây dựng và sử dụng chung trên hệ thống; Các cơ sở đào tạo có thể công nhận tín chỉ lẫn nhau của các khóa học trực tuyến trên hệ thống (sinh viên của trường này có thể học khóa học của trường khác nếu được công nhận tín chỉ); Có thể dễ dàng hội nhập quốc tế trong đào tạo trên nền tảng đào tạo trực tuyến; Bộ đang xây dựng và chuẩn bị trình Thủ tướng phê duyệt Đề án Thí điểm mô hình giáo dục đại học số.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục vẫn còn gặp phải một số khó khăn, thách thức cần sớm được khắc phục.
Thứ nhất là, nhận thức đúng về vị trí, vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và việc trang bị kiến thức, kỹ năng số chưa đến được tất cả cán bộ quản lý giáo dục, người dạy, người học;
Thứ hai là, tài nguyên số dùng chung chưa hoàn thiện đầy đủ, chất lượng nhiều tài nguyên số chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn;
Thứ ba là, hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị công nghệ thông tin ở các nhà trường, trang thiết bị cho giáo viên, học sinh, đặc biệt những khu vực miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống còn nhiều khó khăn;
Thứ tư là, cơ sở dữ liệu bước đầu đưa vào khai thác có hiệu quả, tuy nhiên phạm vi dữ liệu số hóa còn hạn chế; chưa triển khai các công cụ, công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, xây dựng báo cáo, dự báo, ... phục vụ hiệu quả quản lý giáo dục; thách thức trong quản lý, sở hữu, khai thác dữ liệu, thông tin cá nhân;
Thứ năm là, kết nối chia sẻ dữ liệu cấp quốc gia còn khó khăn (giữa các Bộ với nhau, giữa các địa phương và trung ương);
Thứ sáu là, nguồn lực đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục còn hạn hẹp, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; việc huy động các nguồn lực xã hội chưa thực sự hiệu quả.
Nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các cơ sở giáo dục tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra đánh giá thường xuyên bằng hình thức trực tuyến; thực hiện thi trên máy tính đối với các bài thi định kỳ ở những nơi có nhu cầu và đảm bảo tổ chức thực hiện (cần có kế hoạch và xác định các bước thực hiện từ triển khai thí điểm đến triển khai nhân rộng một cách phù hợp, đảm bảo tính hiệu quả).
Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai nền tảng quản trị cơ sở giáo dục tới 100% các trường học, phần mềm tối thiểu triển khai các phân hệ quản lý học sinh (quản lý hồ sơ, kết quả học tập), quản lý đội ngũ cán bộ, quản lý cơ sở vật chất, quản lý thông tin y tế trường học, quản lý thông tin về sức khỏe học sinh, quản lý kế toán. Phần mềm phải kết nối thông suốt với cơ sở dữ liệu giáo dục địa phương và cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục.
Hơn nữa, cần triển khai các ứng dụng hồ sơ điện tử, đặc biệt ưu tiên triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử (áp dụng chứng thư số); triển khai ứng dụng kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với cơ sở giáo dục trên nền tảng số, khuyến khích áp dụng các giải pháp miễn phí như tin nhắn OTT, email, ứng dụng trên thiết bị di động và website giáo dục.
Mặt khác, cần tiếp tục triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục. Trong đó, ưu tiên một số dịch vụ như đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Dịch vụ đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học trên Cổng dịch vụ công Quốc gia mức độ toàn trình; dịch vụ trực tuyến về xét tuyển học sinh đầu cấp và Dịch vụ công nhận văn bằng, chứng chỉ trực tuyến mức độ một phần, hướng tới mức độ toàn trình…
Được biết, để nâng cao năng lực chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, ngày 25/01/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”: nhằm tạo hành lang chính sách, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã Ban hành bộ tiêu chí đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, bộ tiêu chí đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho các cơ sở giáo dục đại học. Qua đó, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục, giúp cơ quan quản lý đánh giá thực trạng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đồng thời, có các biện pháp quản lý, đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số có hiệu quả. Bên cạnh đó, hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ năm học của ngành giáo dục.