Những công trình giao thông trọng điểm giúp Quảng Ninh 'cất cánh'
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã huy động tối đa các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ để tạo liên kết vùng, liên vùng, tạo đột phá mới để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ngày càng vững chắc.
Giao thông tạo sức mạnh liên kết vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc Bộ
Bài 1: Giao thông kết nối vùng - nền tảng phát triển bền vững
Bài 2: Hải Phòng với chiến lược giao thông đi trước mở đường
Bài 3: Thủy Nguyên - thành phố tương lai và kỳ vọng bứt phá
Kết nối chặt chẽ các vùng, miền
Hơn 9 tháng qua, từ khi tuyến đường tỉnh lộ 341, giai đoạn 2 nối khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà với khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái được đưa vào sử dụng đã rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 cửa khẩu Móng Cái và Bắc Phong Sinh từ gần 1,5 tiếng xuống còn hơn 25 phút.
Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 341, giai đoạn 2 được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt cuối năm 2018, phê duyệt điều chỉnh lại tháng 7/2021 với tổng chiều dài tuyến 13,83km đã nối trung tâm xã Hải Sơn với quốc lộ 18. Là công trình giao thông cấp III; vận tốc thiết kế 60km/h; tổng vốn đầu tư 297 tỷ đồng, dự án do Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư được khởi công ngày 10/1/2022 và hoàn thành ngày 1/9/2023, về đích trước tiến độ gần 300 ngày.
Dự án không chỉ nhằm từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, kết nối thuận lợi khu kinh tế cửa khẩu, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà còn giúp nâng cấp, hoàn thiện tuyến đường vành đai biên giới, kết nối giữa quốc lộ 18, quốc lộ 18B và quốc lộ 18C để hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn phục vụ phát triển sản xuất, kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới Quảng Ninh.
Một dự án khác tạo sự liên kết vùng mà tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương triển khai là Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 342, khởi công ngày 1/1/2023. Đây là một phần của dự án tổng thể nâng cấp, mở rộng toàn bộ tuyến đường tỉnh 342 dài hơn 60km, với vốn đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng của Quảng Ninh để kết nối TP Hạ Long với tỉnh Lạng Sơn.
Ở giai đoạn 1, dự án có chiều dài 20,9km, đi qua địa bàn huyện Ba Chẽ (điểm đầu nối với xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long tại Km 37+500, đường tỉnh 342; Điểm cuối nối với xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, Lạng Sơn tại Km 58+405) có tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng.
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III miền núi, 2 làn xe, rộng 9m, thực hiện cạp mở rộng và hạ dốc, cắt cua trên cơ sở hướng tuyến cũ. Trên tuyến thiết kế 4 cầu gồm: Thác Dạ, Thác Chạ, Khe Lũ, Khe Lào và 1 nút giao đồng mức giao cắt với tỉnh lộ 330.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh - chủ đầu tư dự án giai đoạn 1, cho biết: Đến thời điểm hiện tại, dự án đã cơ bản hoàn thành, dự kiến sẽ về đích trước tiến độ khoảng 3 tháng. Hiện các nhà thầu đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng. Khi đi vào sử dụng, đây là tuyến đường sẽ mở ra không gian phát triển mới cho huyện Ba Chẽ và khu vực miền núi của TP Hạ Long...
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện đang triển khai nhiều dự án giao thông động lực, trọng điểm tạo liên vùng, nội vùng. Đó là dự án đường liên xã Húc Động - Hoành Mô - Đồng Văn ở huyện Bình Liêu trị giá trên 400 tỷ đồng; dự án đường xuyên đảo ở xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn trị giá khoảng 200 tỷ đồng...
Những dự án làm giàu từ biển
Với lợi thế vùng biển rộng, hệ thống đường thủy nội địa và đường thủy quốc gia đa dạng, thời gian gần đây, Quảng Ninh đã huy động tối đa nguồn lực đầu tư để phát triển hệ thống cảng biển nhằm hiện thực chủ trương của Trung ương và của tỉnh là vươn ra biển, làm chủ biển và làm giàu từ biển...
Tiêu biểu là dự án Bến cảng cao cấp Ao Tiên tại Khu kinh tế Vân Đồn. Đây là cảng khách chuyên dùng phục vụ vận tải du lịch tuyến Vân Đồn đi các đảo và các điểm tham quan trên vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long. Bến cảng được đầu tư xây dựng tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, có quy mô gần 30ha, đồng bộ, hiện đại, tích hợp nhiều tiện ích. Trong đó, diện tích mặt đất 5,9ha, còn lại là mặt nước. Tổng vốn đầu tư hơn 610 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền làm chủ đầu tư.
Công trình được thiết kế 5 cầu cảng, 2 cầu rộng 20m, dài 150m có thể tiếp nhận cỡ tàu khai thác lên đến 300 ghế và 3 cầu phụ cho du thuyền, các tàu loại nhỏ. Khu âu tàu có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu. Khu vực ga hành khách có diện tích sử dụng 8.000m2, công suất thiết kế 2,6 triệu lượt khách/năm ở giai đoạn 2020-2025 và mở rộng lên 3,2 triệu lượt khách/năm, giai đoạn 2025-2030; được tích hợp nhiều tiện ích, phân khu chức năng như đón hành khách, bán vé, nhà chờ, dịch vụ phụ trợ đi kèm... Dự án khởi công tháng 4/2022 và khánh thành vào cuối tháng 10 cùng năm.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Minh Mạnh, Cảng trưởng Cảng cao cấp Ao Tiên cho biết, hiện nay, cảng có 19 doanh nghiệp vận tải hành khách đăng ký hoạt động với 83 tàu chở khách đi các tuyến đảo. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, cảng đã có gần 5 vạn lượt phương tiện ra, vào với gần 45 vạn lượt hành khách đảm bảo an toàn tuyệt đối. Hiện hệ thống âu tàu phía trong cảng đã hoàn thành phục vụ cho các phương tiện vào tránh, trú bão...
"Đưa Bến cảng cao cấp Ao Tiên vào khai thác sẽ mở ra cửa ngõ mới, đồng bộ, hiện đại để trung tâm Vân Đồn kết nối với các xã đảo và huyện Cô Tô. Bến cảng không chỉ là hạ tầng dịch vụ du lịch mới mà còn là nơi hội ngộ của các siêu du thuyền trong mỗi hành trình qua Vân Đồn nói riêng và khu vực miền Đông của tỉnh nói chung, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ của tỉnh", ông Mạnh nói.
Nhằm phát huy lợi thế là địa phương duy nhất trong cả nước có chung đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc; hiện thực hóa chủ trương thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư cho kết cấu hạ tầng cảng biển của Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và vận tải đường biển, năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp khởi công đầu tư xây dựng Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh và đường nối.
Trong đó, bến cảng được đầu tư xây dựng trên diện tích 82,79ha, tại xã Vạn Ninh, TP Móng Cái, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 2.248 tỷ đồng, do Công ty CP Cảng Quốc tế Vạn Ninh làm chủ đầu tư. Bến được thiết kế hạng mục bến cầu chính dài 500m, có thể đậu đồng thời 2 tàu trọng tải lên đến 20.000 DWT và đậu các sà lan ở mặt sau; khu kho bãi sẽ được đầu tư đồng bộ, trang bị hạ tầng hiện đại đáp ứng tốt nhất yêu cầu làm hàng tổng hợp và container. Ngoài ra, dự án còn có kho CFS, nhà điều hành cảng…
Mặc dù việc triển khai dự án nêu trên còn gặp một số khó khăn về nguồn vật liệu san lấp, mặt bằng thi công, nhưng hiện nay cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đang đôn đốc tháo gỡ để đảm bảo dự án sớm về đích...
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, với đầy đủ các loại hình giao thông như hiện nay, địa phương đã và đang có tốc độ phát triển kinh tế đầy ấn tượng, trở thành một trong những địa phương thuộc diện tốp đầu của cả nước về thu ngân sách.