Những công việc vua quan nhà Nguyễn thường làm khi bắt đầu năm mới
Tổ chức nghi lễ khai hạ, khai ấn và duyệt binh là những công việc trọng đại khi bắt đầu một năm mới của vua quan nhà Nguyễn, nhất là thời vua Gia Long, Minh Mạng.
Nhà Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Giống như nhiều triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam, nhà Nguyễn cũng có nhiều quy chế, phép tắc riêng. Đặc biệt, khi bắt đầu một năm mới vua quan nhà Nguyễn có những công việc, nghi lễ buộc phải làm và trải dài qua nhiều đời vua khác nhau.
Theo một số tài liệu lịch sử chép lại thì dưới triều nhà Nguyễn việc nghỉ Tết được đánh dấu bằng việc phong ấn (cất ấn). Đến đầu năm mới, sau khi làm lễ khai ấn, lễ duyệt binh, các công việc mới được tiếp tục trở lại.
Năm 1802 lên ngôi thì năm 1809 vua Gia Long chọn ngày 25 tháng Chạp phong ấn, ngày mùng 7 tháng Giêng khai ấn, sai quan xuất binh. Quy tắc này được giữ đến đời vua Tự Đức thì có những thay đổi. Theo đó, năm 1874, vua cho nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 28 tháng Chạp đến ngày 8 tháng Giêng.
Trong các ngày Tết Nguyên đán, vua quan triều Nguyễn tổ chức rất nhiều hoạt động nghi lễ trong hoàng cung (mỗi đời vua đều có những nét riêng và cách thức tổ chức riêng) như lễ tế miếu, lễ khánh hạ, lễ ban yến hưởng và ban thưởng, lễ gia ân xá tội cho các tội phạm... Ngày mùng 3 Tết, các vua sai làm lễ hóa vàng cầu âm phúc.
Ngày mùng 7 tháng Giêng, triều đình làm lễ khai hạ (hạ nêu) và khai ấn. Các quan giữ ấn tín làm lễ, rồi thực hiện nghi thức mở niêm phong, mở hòm ấn tượng trưng năm làm việc mới. Trong ngày này, các vua triều Nguyễn tổ chức lễ duyệt binh. Sau nghi lễ này, mọi người đến công đường hay doanh trại, khởi đầu công việc của một năm mới.
Sách Đại Nam thực lục chính biên ghi, năm Gia Long năm thứ 2 (1803), ngày mùng 1 tháng Giêng, vua thân đến Thái miếu làm lễ. Lễ xong, ngự ở điện, nhận lễ chầu mừng. Ngày Kỷ Tỵ mở ấn sai thủy quân thao diễn phép chèo thuyền. Phép diễn, đặt đồ bơi chèo ở trên cạn, chọn người chèo giỏi vài trăm người khiến diễn tập y như dáng đi thuyền. Buổi quốc sơ trong việc dụng binh thủy chiến rất giỏi, cho nên đầu mùa xuân thường sai diễn tập. Vua ngự xem, thưởng tiền cho các quân, mỗi thuyền đều 80 quan.
Năm Gia Long năm thứ 7 (1808), vào dịp lễ tế chạp, Lễ bộ tâu: "Trước nay đầu năm khai ấn duyệt binh, cuối năm yết lăng, tế chạp và khóa ấn, đều để tới kỳ mới chọn ngày lành. Nay xin lấy ngày nhất định".
Vua nghe lời tâu, chuẩn định mỗi năm cứ ngày mùng 7 tháng Giêng thì khai ấn, sai quan xuất binh, ngày 13 tháng Chạp yết lăng, 14 tế Chạp, 25 khóa ấn, lấy sang năm là năm Kỷ Tỵ (1809) bắt đầu.
Đến thời vua Minh Mệnh (Minh Mạng) lễ duyệt binh đầu năm mới được duy trì đều đặn và được ghi lại tương đối cụ thể trong sách Đại Nam thực lục chính biên: "Đầu năm mới, năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), sáng sớm ngày ấy biền binh các dinh thuộc quân Thị trung, Thị nội, Thần sách đều họp cả ở trước điện Càn Nguyên. Sai Thị thư viện 5 người và sáu bộ mỗi bộ 3 người, hiệp với bộ Binh xét điểm. Vua mặc nhung phục ngự ở điện Càn Nguyên xem duyệt. Lễ duyệt binh bắt đầu từ đấy.
Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), vua cho gọi hơn 3.300 biền binh ở các hạt Bắc Thành, Thanh, Nghệ và Thanh Bình về Kinh. Ngày Kỷ Mùi, khai ấn.
Năm Minh Mệnh thứ 5 (1824), mùa xuân, tháng Giêng, ngày giáp Thân duyệt binh. Vua ngự điện Càn Nguyên để xem và dụ rằng: “Luyện sỹ trị binh là lệ thường của nhà nước, mà thể lòng trời để ra ân là để khích lệ lòng quân. Vậy thưởng tiền cho Cai tòng quân trở xuống theo thứ bậc. Từ nay lấy đó làm lệ”.
Đến giữa thời vua Tự Đức trở về sau, các nghi lễ khởi đầu công việc của một năm mới thường xuyên bị gián đoạn hoặc bị đình lại bởi nhiều lý do khác nhau (nguyên nhân chủ yếu là triều Nguyễn ngày một suy yếu trước sự xâm lấn của người Pháp).
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thì ngoài những công việc bắt buộc phải làm như khai hạ, khai ấn và duyệt binh thì khi đầu năm mới nhà Nguyễn cũng có nhiều lễ tế quan trọng. Trong đó, lễ tế đàn Nam Giao được đánh giá là quan trọng nhất.
Tế Nam giao dưới thời Nguyễn là hình thức hợp tế (tế tự chung cả trời đất và các vị thần linh) được tổ chức vào tháng 2 Âm lịch. Từ năm 1839 -1 848 lại tế vào tháng tháng 3 Âm lịch. Từ thời vùa Thành Thái trở về sau do được đánh giá là quá tốn kém nên lễ tế Nam Giao được tổ chức 3 năm một lần.
Sau lễ tế đàn Nam Giao là lễ tế Xã Tắc. Đây là một trong những tế lễ lớn và có tầm quan trọng trong hoạt động của nền quân chủ phong kiến. Lễ tế Xã Tắc được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu. Có khi, nhà vua đích thân làm chủ tế, cũng có lần cử quan khâm mạng đại thần thay thế.
Lễ Tịch Điền là lễ cày ruộng đầu năm mới của nhà vua, được tổ chức tại ruộng ở kinh đô Phú Xuân xưa. Lễ cày ruộng được tổ chức cũng vào dịp Tết Nguyên Đán. Nhà vua cùng các quan đến khu ruộng Tịch Điền.