Những cột mốc thi ca

Khẳng định chủ quyền đất nước là phần giá trị đáng ghi nhận của thơ ca Việt Nam. Lòng yêu nước được thể hiện đậm đà trong những thi phẩm viết về biên giới và biển, đảo của Tổ quốc. Bởi mỗi tấc đất, con sóng thuộc lãnh thổ Việt Nam là tài sản vô giá tổ tiên để lại, thấm muôn vàn mồ hôi, máu xương của nhiều thế hệ trong hành trình dựng nước, giữ nước bi tráng của dân tộc.

Hoa cỏ lau nở trắng trời biên giới. Ảnh: Nguyễn Đức Công

Hoa cỏ lau nở trắng trời biên giới. Ảnh: Nguyễn Đức Công

Bình thường đã thế rồi nói gì khi biên giới và biển, đảo bị xâm lấn, chiếm cứ. Vì thế, ta không lấy làm lạ những năm gần đây, thơ về biên giới, biển, đảo xuất hiện ngày càng nhiều hơn và đã có tác phẩm lan tỏa nhanh chóng trong công chúng. Có thể xem đấy là những cột mốc thi ca khẳng định chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc.

Một trong những thi phẩm viết về biên giới hay là bài Lau biên giới của Chế Lan Viên. Ai lên biên giới cho lòng ta theo với /Về với ngàn lau chỉ trắng có một mình/Những ngàn lau đứng canh cho bờ cõi/Suốt một đời cùng với gió giao tranh. Biên giới là vùng đất phên dậu của đất nước, ai đã một lần đến thì khó quên lắm.

Trong bài thơ có hình tượng lau, một thứ cây mọc bạt ngàn nơi biên cương. Lớp lớp ngàn lau đong đưa trong gió lạnh. Lớp lớp ngàn lau nhấp nhô, trắng như sóng, như mây. Cái màu trắng của ngàn lau ấy đã trắng từ xưa và tới bây giờ vẫn trắng. Như là sự mặc định truyền kiếp về một ranh giới: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư...

Cái màu trắng ấy như sự tồn sinh muôn đời của non sông. Mềm mại, mỏng mảnh song những cây lau không hề bị đổ rạp trước bao đợt gió lạnh ào ạt, dồn dập đổ về từ phương Bắc. Dẻo dai, nhẫn nại đến mức khó ngờ. Những ngàn lau ấy đích thị là những chiến binh, dân binh đứng canh cho bờ cõi.

Trần Đăng Khoa có bài thơ Đỉnh núi viết về những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương rất ấn tượng. Ta ngự giữa đỉnh trời/Canh một vùng biên ải/Cho làn sương mong manh/Hóa trường thành vững chãi. Nhân vật trữ tình đã hiện ra ngay từ đầu, rất đàng hoàng, đĩnh đạc: anh lính Biên phòng. Và, cũng cần phải khẳng định ngay rằng, những người lính mang quân hàm màu lá cây ấy rất trẻ.

Trên đỉnh trời vời vợi cheo leo ấy, cảnh vật thật nên thơ, thiên nhiên gắn bó bầu bạn với con người, lãng đãng, tíu tít bên nhau: Lán buộc vào hoàng hôn/Ráng vàng cùng đến ở/Bao nhiêu là núi non/Ríu rít ngoài cửa sổ. Cái thực và cái ảo đã hòa trộn vào nhau, đất trời mênh mông không còn xa xôi nữa mà đó chính là một phần cuộc sống, nói đúng hơn là một phần tâm hồn chiến sĩ ta. Chính cách thể hiện này gợi ra nhiều liên tưởng đẹp về đất nước, vùng biên, người lính với chiều sâu lung linh của nó.

Tuy nhiên, nếu theo cái đà này, cuộc sống vô cùng gian khổ và thiệt thòi của người lính trấn giữ biên ải sẽ bị thi vị hóa. Trần Đăng Khoa biết dừng lại ở đó để rẽ qua một lối khác, tiếp cận đúng và gần hơn với “tình cảnh” của bao người lính Biên phòng: Những mùa đi thăm thẳm/Trong mung lung chiều tà/Có bao chàng trai trẻ/Cứ lặng thinh mà già...

Biên giới bây giờ đã khá bình yên, nhưng chúng ta không bao giờ quên hình ảnh người lính trẻ ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mùa xuân năm 1979. Nguyễn Đình Chiến đã có những câu thơ vô cùng xúc động về các chiến sĩ xung trận và hi sinh trong những ngày tháng khói lửa ác liệt đó: Các em đi khi mười tám tuổi xuân/Và để lại những trái tim trong trắng/Tiếng các em thét gọi nhau trong chiến hào khói lửa/Còn cháy lòng bao chiến sĩ xung phong...

Thơ viết về biển, đảo cũng có những bài hay. Thực ra, biển, đảo Tổ quốc là đề tài không xa lạ với nhiều nhà thơ Việt Nam. Trước đây, một số nhà thơ nổi tiếng ở nước ta đã có những thi phẩm về biển, đảo được chú ý như Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận; Biển của Xuân Diệu; Sóng của Tế Hanh; Cồn Cỏ của Hải Bằng; Cô gái Bạch Long Vỹ của Xuân Thiêm... (trước năm 1975). Thuyền và biển và Sóng của Xuân Quỳnh; Trường ca Biển của Hữu Thỉnh; Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Đồng đội tôi ở đảo Thuyền Chài, Thơ tình người lính biển của Trần Đăng Khoa; Buồm nâu biển biếc của Anh Ngọc... (sau năm 1975).

Đặc biệt, khi biển Đông có dấu hiệu nổi sóng và thực sự nổi sóng bởi những toan tính và hành động lấn chiếm thì biển, đảo thu hút mạnh mẽ những người làm thơ. Nhiều bài thơ ra đời, khẳng định chủ quyền Tổ quốc, khích lệ lòng yêu nước nồng nàn. Có thể kể đến các bài thơ như Hào phóng thềm lục địa của Nguyễn Thanh Mừng, Mộ gió của Trịnh Công Lộc, Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến; Tổ quốc - cánh sóng của Huệ Triệu; Tiếng chuông chùa giữa đại dương xanh của Phan Hoàng; Gió nhà giàn của Nguyễn Quang Hưng; trường ca Người sau chân sóng của Lê Thị Mây; trường ca Tổ quốc - Đường chân trời của Nguyễn Trọng Văn; trường ca Hạ thủy những giấc mơ của Nguyễn Hữu Quý, trường ca Biển mặn của Nguyễn Trọng Tạo...

Cái chung nhất của các thi phẩm viết về biển, đảo là sự khẳng định chủ quyền Tổ quốc với lòng yêu nước nồng nàn. Nếu tập hợp lại ta sẽ có một bản trường ca yêu nước hoành tráng nhưng cũng rất sâu lắng. Lòng không khỏi nghẹn ngào, rưng rưng khi đọc Mộ gió của Trịnh Công Lộc. Bài thơ như nén tâm hương dâng lên những chiến binh giữ biển, đảo không về: Mộ gió đây/những phút giây biển lặng/gió là tay ôm ấp bến bờ xa/chạm vào gió như chạm vào da thịt/chạm vào/nhói buốt/Hoàng Sa.../Mộ gió đấy, giăng từng hàng, từng lớp/vẫn hùng binh giữa biển đảo xa khơi/là mộ gió/gió thổi hoài, thổi mãi/thổi bùng lên/những ngọn sóng/ngang trời!

Tình yêu lứa đôi cũng đã được lồng vào tình yêu biển, đảo, tình yêu đất nước. Trong cái rất quen thuộc này ta vẫn nhận ra những lấp lánh nồng nàn của công cuộc giữ nước hôm nay. Bao nhiêu chàng trai trẻ đã chấp nhận xa đất liền, xa gia đình, người yêu, bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió để gìn giữ biển, đảo Tổ quốc: Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng/Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng/Biển một bên và em một bên (Thơ Trần Đăng Khoa)...

Chỉ là một phác thảo nhỏ về thơ dành cho biên giới, biển, đảo. Tôi tin rằng, nếu tập hợp lại, chúng ta sẽ có những tuyển tập thơ dày dặn và có chất lượng về đề tài này. Vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao thưởng cho nhiều tác phẩm xuất sắc viết về biên giới và biển, đảo (đợt 1). Một số nhà thơ quân đội đã có tác phẩm về biên giới, biển, đảo được trao giải thưởng trong đợt này như Vương Trọng, Nguyễn Hữu Quý, Đoàn Văn Mật, Phạm Vân Anh... Tin rằng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều tác phẩm viết về biên giới, biển, đảo hay ra đời và nền văn học Việt Nam sẽ có thêm những cột mốc thi ca.

Nguyễn Hữu Quý

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-cot-moc-thi-ca-post437029.html