Những địa danh 'có một không hai'
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, nhiều cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã chọn Điện Biên là quê hương thứ 2 của mình. Có người đón gia đình từ quê lên, người xây dựng hạnh phúc trên vùng đất mới. Từ nông trường trên nền đạn bom ác liệt, hôm nay đã có một Điện Biên đổi mới hình thành và cả những địa danh 'có một không hai' mang tên đại đội.
Ở thôn C17, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) không ai không biết cụ Nguyễn Văn Chứa. Ông là chiến sĩ Điện Biên. Dù tuổi đã cao, song người chiến sĩ Điện Biên năm xưa còn khá minh mẫn. Bởi vậy, khi được hỏi điều đặc biệt ở tên thôn, tên làng nơi mà cụ sinh sống, ký ức những tháng năm cùng đồng đội kiến thiết nông trường Điện Biên lại ùa về trong trí nhớ của người cựu chiến binh năm nay sẽ bước sang tuổi 95.
Nụ cười hiền hậu, cụ Chứa kể: Tôi quê Thanh Hóa. Theo tiếng gọi của Đảng, 19 tuổi tôi xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia nhiều chiến trường, trong đó có chiến trường Điện Biên Phủ. Năm 1954, giải phóng Điện Biên, tôi ở lại xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa miền núi. Và chính nơi tôi đang ở - thôn C17, trước đây là tên gọi của một Đại đội thuộc Nông trường Quân đội Điện Biên, đơn vị mà tôi công tác.
Cũng theo cụ Chứa, ở lòng chảo Điện Biên, không riêng gì thôn C17 mà còn nhiều tên làng, tên thôn mang phiên hiệu đại đội. Bởi sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Nông trường Quân đội được thành lập để tái thiết Điện Biên. Thời điểm đó, tổ chức của nông trường gồm: Nông trường Bộ, các phòng ban trực thuộc và 23 đơn vị sản xuất. Mỗi đơn vị sản xuất là 1 đại đội, gọi tắt là C. Các C được bố trí cùng với nhiều khu dân cư xung quanh. Đơn vị nào ở đâu thì cái tên C được hình thành ở đó. Vậy nên, từ lâu người dân quen gọi các làng, các thôn bằng phiên hiệu. Thậm chí, nhiều nơi còn được đặt theo mô hình sản xuất chính của giai đoạn vỡ đất, vỡ cát tái thiết chiến trường xưa như tại Thanh Xương hiện nay còn có các địa danh như: Đội Chăn nuôi 2, bản Ten (đặt tên theo cây Mắc Ten được trồng trong giai đoạn đầu khai hoang, phục hóa).
Tương tự, phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) cũng có địa chỉ là C13. Theo chiến sĩ Điện Biên Phạm Văn Ngân, tổ dân phố 10, pường Thanh Trường, ngày ấy, tên phiên hiệu đại đội được gọi gắn với các địa danh cũng chỉ để dễ nhớ, dễ phân biệt. Thế nhưng theo thời gian, những cái tên này đã trở thành một phần của lịch sử và ăn sâu vào tiềm thức của người dân bản địa.
“Dù giờ đây, những tên gọi này phần lớn chỉ được đặt cho chợ, cho cầu... nhưng với người dân định cư lâu năm ở Điện Biên, nhắc tới các C, ai cũng biết khu vực đó ở đâu. Chẳng hạn, phía đông thành phố, vị trí Trường Chính trị tỉnh ngày nay là C8; bên Nậm Rốm là C10, C11, C12; xung quanh lòng chảo Điện Biên khu vực xã Thanh Hưng có C4, C7...” – cụ Phạm Văn Ngân chia sẻ.
Điện Biên thành quê hương, nông trường thành tổ ấm
Rời quân ngũ sau năm 1954, không ít những người lính xung phong ở lại Điện Biên tái thiết vùng đất mới. Thôn C4, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) là nơi mà nhiều người trong số họ ở lại để an cư. Sở dĩ, có tên C4 bởi đây là thôn của những cựu chiến binh thuộc Đại đội 4, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316.
Theo sự giới thiệu của lãnh đạo xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên), chúng tôi tìm gặp gia đình ông Ngô Minh Tuấn ở thôn C4. Ông Tuấn có bố là chiến sĩ Điện Biên - cụ Ngô Bá Nhẽ, người đã quyết tâm ở lại Điện Biên tái thiết vùng đất mới. Hồi ức lại những kỷ niệm về bố, ông Tuấn kể: “Từ khi tôi nhận thức được, bố tôi thường bảo, đây không phải là nơi bố sinh ra nhưng sẽ là nơi bố gắn bó suốt quãng đời còn lại. Chỉ có thế bố mới được ở bên đồng đội - những người đã hy sinh trên mảnh đất linh thiêng này. Nghĩ là làm, kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, bố tôi về quê Hải Dương đón mẹ tôi lên đây, định cư tại thôn C4 cho tới ngày nay”.
Sau năm 1954, phần lớn thôn C4 đều là người dưới xuôi lên định cư. Họ là những người lĩnh “hạ sao” sau chiến dịch Điện Biên Phủ. Mỗi người một phương nhưng tình cảm họ dành cho nhau rất chân thành, mộc mạc. Cũng bởi vậy, chuyện tình của ông Ngô Minh Tuấn và vợ là bà Bùi Thị Biên bắt nguồn từ đây. Nhìn tấm ảnh cưới của 2 vợ chồng treo trang trọng trên tường, ông Tuấn hào sảng nói: “Ngày ấy bố tôi có người bạn cùng chiến đấu là cụ Bùi Quang Thung, quê ở Hải Phòng. Sau giải phóng, cụ Thung về quê lấy vợ và cùng vợ trở lại nông trường Điện Biên xây dựng kinh tế. Đến năm 1960 thì sinh ra vợ tôi bây giờ. 2 ông là bạn thân nên đã hứa gả chúng tôi cho nhau nếu. Câu chuyện tưởng như đùa nhưng sau 20 năm trên nông trường, chúng tôi đã nên duyên vợ chồng”.
Bản thân ông Tuấn cũng là cựu chiến binh và xuất ngũ năm 1990. Giờ đây, vợ chồng ông Tuấn gần bước sang tuổi 70. Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, ông luôn răn dạy con cháu phải trân trọng giá trị lịch sử, ra sức lao động, học tập, tiếp tục bảo vệ, gìn giữ thành quả cách mạng mà cha ông và các vị tiền bối đã dày công vun đắp, gây dựng.
70 năm trôi qua, Điện Biên hôm nay đang phát triển mạnh mẽ. Thành quả ấy có công rất lớn của những cựu chiến binh năm xưa như: cụ Nguyễn Văn Chứa, cụ Phạm Văn Ngân, cụ Ngô Bá Nhẽ, cụ Bùi Quang Thung... Họ đã chiến đấu bảo vệ mảnh đất Điện Biên, rồi sẵn sàng rời quê hương đến vùng đất mới, vùng đất vừa bước ra từ chiến tranh, bị bom đạn cày xới để biến nơi đây thành quê hương thứ 2 của mình. Qua năm tháng, đến nay, phần lớn các chiến sỹ Điện Biên cũng đã về với thế giới người hiền. Người còn sống thì sức khỏe chẳng mấy minh mẫn. Dẫu vậy, những ngôi làng, những địa danh mang tên đại đội sẽ còn mãi theo năm tháng như một phần lịch sử trên hành trình phát triển của tỉnh nhà.
Quang Long
Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/xa-hoi/nhung-dia-danh-co-mot-khong-hai