Những điểm đến không thể bỏ qua ở Iran

Mảnh đất bao quanh Kermanshah cũng giàu truyền thống lịch sử như thành phố này. Không biết bao nhiêu đế chế cổ đại đã được dựng lên rồi sụp đổ tại đây. Kermanshah chỉ là điểm bắt đầu trong chuyến khám phá lịch sử Iran của du khách.

Safavid

Safavid

Darius I, vị hoàng đế vĩ đại nhất của đế quốc Achaemenes cổ đại, đã cho chạm khắc vào sườn núi Bisotoun hình ảnh bản thân và một bản trường ca về công trạng của mình. Ngọn núi trở thành tấm vải vẽ mô tả cảnh vị hoàng đế ngự trên những kẻ thù của ông đã bị bắt làm tù binh. Núi Bisotoun nằm trong số những khu di tích quan trọng nhất còn lại về đế quốc Achaemenes. Khách du lịch không nên bỏ qua cơ hội đến thăm danh thắng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới này.

Khu di tích đền thờ thần Anahita là một điểm đến khác mà du khách không nên bỏ qua. Khu di tích nằm ở thành phố Kangavar, bên cạnh tuyến đường từ Kermanshah đến Hamadan. Kangavar từng là nơi các thương nhân đi trên Con đường tơ lụa dừng lại để nghỉ ngơi và buôn bán. Nhưng ngôi đền Anahita còn có lịch sử lâu hơn thế. Theo lối kiến trúc của đền thì nó được xây dựng dưới thời đế quốc Ba Tư cực thịnh. Đền nằm trên một ngọn đồi nhân tạo cao 32m ở ngay giữa thành phố Kangavar. Chẳng có vị khách nào đến đây mà không chụp ảnh bên những bậc thang, hàng cột bằng đá đã tồn tại hơn 2.000 năm.

Tại thời điểm Con đường tơ lụa phát triển nhất, chính quyền các vương quốc cổ đại ở Trung Á, Bắc Phi và Nam Âu xây dựng không ít trạm nghỉ cho thương nhân, gọi chung là caravansarai (hoặc caravanserai). Thành phố Qasr-e Shirin còn bảo tồn được một khu caravansarai như thế với tên gọi “Safavid”. Caravansarai Safavid chẳng khác gì một khu khách sạn xa hoa. Du khách cảm thấy thích thú khi được tận mắt chiêm ngưỡng lối kiến trúc Sassanid pha trộn đường nét Ba Tư của công trình. Du khách thậm chí còn có thể trả tiền để được qua đêm tại Caravansarai Safavid.

Ở Qasr-e Shirin còn có một di tích khác nổi tiếng không kém là đền Char Qapi - công trình lớn nhất trong số 5 ngôi đền thờ Hỏa giáo nổi tiếng dưới thời đế quốc Sasan. Phần lớn ngôi đền đã sụp đổ và chỉ còn lại những bức tường đá bao quanh gian chính của đền, phần duy nhất của công trình vẫn còn giữ được mái tròn. Trong một số năm gần đây, tín đồ Hỏa giáo đã bắt đầu tổ chức lại các nghi lễ của họ tại ngôi đền và cho phép du khách theo dõi.

Diệu Linh (theo hanoimoi.com.vn)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/79140/nhung-diem-den-khong-the-bo-qua-o-iran.html