Những điểm mấu chốt của thỏa thuận quân sự lịch sử giữa Mỹ, Úc và Anh

Ba nước Mỹ, Anh và Úc hôm thứ Tư (15/9) đã công bố một thỏa thuận lịch sử khi thành lập liên minh quân sự AUKUS. Việc ra mắt AUKUS trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc còn rất căng thẳng đã đặt ra nhiều điều đáng lo ngại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo những công bố ban đầu của thỏa thuận AUKUS, Mỹ và Vương quốc Anh sẽ chia sẻ công nghệ đẩy hạt nhân độc quyền với Úc. Họ cũng sẽ hợp tác về vũ khí tấn công tầm xa, trí tuệ nhân tạo và công nghệ điều khiển học.

Thỏa thuận AUKUS cho phép Úc thiết kế các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của riêng mình. Hiệp ước này cũng sẽ đưa Úc trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sau Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Không giống như những quốc gia khác, Úc không có vũ khí hạt nhân.

Việc tạo ra AUKUS rõ ràng giúp Úc tăng cường năng lực quân sự và qua đó giúp Mỹ kiểm soát tốt hơn một khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng nóng với sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc. Tạm chưa bàn đến mục đích của AUKUS, liên minh này cho thấy một số vấn đề như sau:

Ảnh minh họa. Nguồn: WE

Bài liên quan

Pháp và Trung Quốc giận dữ về hiệp ước quốc phòng mới của Mỹ với Úc và Anh

Trung Quốc chính thức xin gia nhập hiệp ước thương mại CPTPP

Trung Quốc và Mỹ đau đầu chống lại giá cả hàng hóa tăng vọt

Mỹ, Anh và Úc lập liên minh AUKUS để đối phó với Trung Quốc

Úc coi Trung Quốc là một mối đe dọa

Trong khi Úc sẽ chỉ đóng tàu ngầm tấn công hạt nhân (chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng được trang bị vũ khí thông thường) chứ không phải tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (trang bị vũ khí hạt nhân), thỏa thuận này phản ánh nhận thức về mối đe dọa quan trọng mới của Úc đối với Trung Quốc.

Trước việc Úc gia tăng ngăn chặn sự ảnh hưởng của Trung Quốc cũng như sự ủng hộ của Mỹ đối với các động thái của Úc, Bắc Kinh đã tiến hành một chiến dịch gây áp lực kinh tế tích cực đối với Canberra. Điều này khiến mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc trở nên căng thẳng.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Scott Morrison đã tăng cường chi tiêu quốc phòng và củng cố quan hệ quân sự với Mỹ. Điều này được các nhà chức trách Úc xem là một biện pháp bảo vệ đất nước.

Các tàu ngầm tấn công hạt nhân của Úc sẽ bổ sung cho hành động này theo những cách đáng kể, cho phép các hoạt động hải quân của Úc linh hoạt hơn, ở tầm xa hơn và trong thời gian dài hơn. Chúng cũng sẽ cung cấp khả năng bảo mật cao hơn trước các hệ thống vệ tinh và cảm biến trên không của Trung Quốc.

Không giống như các tàu ngầm Shortfin Barracuda chạy bằng động cơ diesel-điện mà Australia đã lên kế hoạch mua, các tàu ngầm hạt nhân không cần phải lặn để sạc lại pin, tránh nguy cơ bị phát hiện từ trên cao.

Pháp đã bị bỏ rơi

Có một kẻ thua cuộc chính ở đây: Pháp. Kết quả của thỏa thuận AUKUS là tập đoàn Hải quân thuộc sở hữu của chính phủ Pháp đã mất hợp đồng đóng thế hệ tàu ngầm tiếp theo của Úc. Bình luận về sự mất mát hàng tỷ đô la và hàng nghìn việc làm của người Pháp, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves le Drian mô tả AUKUS là "một nhát dao đâm sau lưng".

Công bằng mà nói, Pháp phải chịu một phần trách nhiệm về quyết định của Úc. Tuy nhiên, Pháp vẫn có một khiếu nại chính đáng. Úc có thể đã mua ít nhất một số tàu ngầm của Naval Group. Là mẫu tầu ngầm tập trung vào hệ thống động cơ đẩy không phụ thuộc vào không khí và máy bơm tiên tiến, Shortfin Barracudas hoạt động rất yên tĩnh và tiết kiệm chi phí.

Thỏa thuận có giới hạn

Đây không phải là sự khởi đầu của một NATO mới cho Ấn Độ-Thái Bình Dương. Với việc hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Anh gần đây không thể quá cảnh trong vòng 12 dặm quanh một hòn đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ vẫn đơn độc ở nơi mà họ xem là khu vực quan trọng nhất trong việc tiến hành các hoạt động ngăn cản Trung Quốc trong các vùng biển có chủ quyền và quân sự hóa các đảo trong vùng biển quốc tế.

Trừ khi hải quân Úc và Anh tham gia các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ trong phạm vi 12 dặm quanh các đảo của Trung Quốc, thỏa thuận này sẽ vẫn bị giới hạn về tác động chiến lược của nó.

New Zealand không còn là thành viên nghiêm túc của quan hệ đối tác Five Eyes

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói rằng quốc gia của bà không được mời tham gia hiệp định này.

Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Trong khi New Zealand áp dụng chính sách phi hạt nhân hóa nghiêm ngặt, họ không hào hứng với các đối tác liên minh an ninh Five Eyes (Australia, Anh, Mỹ và Canada) và từ chối tham gia các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm thách thức hành động ngày càng mạnh mẽ của Bắc Kinh.

Điều đó khiến các đồng minh cảm giác rằng chính phủ của bà Ardern dường như muốn ngoảnh mặt với các giá trị dân chủ được cho là thiêng liêng. Về điểm đó, New Zealand tự nhiên trở nên không còn đáng tin cậy với tư cách thành viên Five Eyes.

Bài toán với Trung Quốc

Trung Quốc đã giả định rằng họ có thể tận dụng sức mạnh kinh tế của mình để tránh các hành động phối hợp của quốc tế chống lại họ. Tuy nhiên, một số hành động cứng rắn trong cách xử lý các vấn đề địa chính trị của Bắc Kinh đang dẫn đến một sự dè chừng đối với họ.

Ngay cả Liên minh châu Âu, từng rất ôn hòa trước sự cứng rắn của Trung Quốc, cũng đang bắt đầu tái cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh. Đối mặt với những thách thức ngày càng tăng, Trung Quốc bây cũng phải xem xét liệu có những tính toán sai lầm với các chính sách ở nước ngoài hay không.

Hoàng Nam (Theo MSN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-diem-mau-chot-cua-thoa-thuan-quan-su-lich-su-giua-my-uc-va-anh-post156575.html