Trung Quốc sắp san bằng khoảng cách quân sự, Mỹ vẫn 'đáng gờm'

Quân đội Trung Quốc đang bắt kịp Mỹ nhờ vũ khí công nghệ cao, nhưng kinh nghiệm chiến đấu và các liên minh ngày càng mở rộng có thể giúp Mỹ duy trì lợi thế.

Khoảng cách giữa hai quân đội đang thu hẹp khi Trung Quốc tăng cường đầu tư vào hiện đại hóa quân đội, mua sắm các nền tảng và vũ khí mới.

Chuyên gia Timothy Heath của Rand Corporation, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ, cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc “mạnh mẽ” vì phần lớn các công ty đều là doanh nghiệp nhà nước, có mối quan hệ chặt chẽ với lãnh đạo trung ương và được tài trợ “hào phóng”.

Trong khi đó, Mỹ đang gặp khó khăn hơn trong việc đưa ra các ưu đãi kinh tế cần thiết để thúc đẩy khu vực tư nhân đạt được “quy mô và tầm cỡ” như các công ty Trung Quốc.

Theo Lầu Năm Góc, hải quân Trung Quốc đã vượt qua hải quân Mỹ về số lượng tàu chiến trong thập kỷ qua, nhờ vào vị thế là quốc gia đóng tàu lớn nhất thế giới tính theo trọng tải. Dự đoán đến năm 2030, quân đội Trung Quốc sẽ có 440 tàu chiến trong khi Mỹ sẽ chỉ có 290 chiếc.

Các quan chức cấp cao của không quân Mỹ cũng lưu ý khả năng không quân Trung Quốc trở thành lực lượng không quân lớn nhất thế giới. Hiện tại, quân đội Trung Quốc có hơn 3.150 máy bay so với khoảng 4.000 chiếc của quân đội Mỹ.

Các chiến đấu cơ F-35A trong một cuộc diễn tập tại căn cứ Hill, bang Utah, Mỹ. (Ảnh: Không quân Mỹ)

Các chiến đấu cơ F-35A trong một cuộc diễn tập tại căn cứ Hill, bang Utah, Mỹ. (Ảnh: Không quân Mỹ)

Kinh nghiệm chiến đấu của Mỹ

"Với việc Trung Quốc nỗ lực phát triển năng lực trên không và trên biển, Bắc Kinh và Washington về cơ bản đã đạt được sự cân bằng quyền lực về sự hiện diện quân sự ở Tây Thái Bình Dương", Hu Bo, giám đốc tổ chức nghiên cứu Sáng kiến thăm dò tình hình chiến lược Biển Đông có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định.

Ông Hu cho rằng, nếu xét trên năng lực tác chiến thông thường kết quả của một cuộc xung đột nếu xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương "sẽ tương đối khó lường".

Tuy nhiên, nhà bình luận quân sự Song Zhongping cho biết, ít nhất là cho đến lễ kỷ niệm 100 năm thành lập quân đội Trung Quốc vào năm 2027, vẫn sẽ có khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, Mỹ là cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới, dẫn đầu về vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân", ông Song nói, đồng thời lấy 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân và máy bay chiến đấu tiên tiến của quân đội Mỹ làm ví dụ.

Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm trên biển tàu sân bay thứ ba của mình, tàu Phúc Kiến, nhưng nước này vẫn chưa chế tạo được tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang phải khắc phục tình trạng tham nhũng trong quá trình cải tổ quân đội và thiếu kinh nghiệm chiến đấu kể từ năm 1979.

Ngược lại, quân đội Mỹ vẫn giữ được "lợi thế đáng gờm" về chất lượng nhân sự, những người "được đào tạo cực kỳ bài bản và giàu kinh nghiệm", chuyên gia Timothy Heath cho hay.

“Ngay cả khi quân đội Trung Quốc đã phát triển một lực lượng được đào tạo chuyên sâu có khả năng vận hành hiệu quả phần cứng mới của mình, điều này cũng không mang lại cho Trung Quốc bất kỳ lợi thế nào trước quân đội Mỹ giàu kinh nghiệm”, ông Heath nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia Hu Bo chỉ ra rằng kinh nghiệm chiến đấu gần đây của quân đội Mỹ luôn là "chống lại đối thủ yếu hơn".

Ông cho biết: “Việc đối phó với các lực lượng khủng bố và các đối thủ như Iraq hay Afghanistan, so với Trung Quốc rõ ràng là khác biệt. Liệu những kinh nghiệm đó có thể hiệu quả nếu xung đột với Trung Quốc hay không vẫn chưa chắc chắn".

Lợi thế đến từ liên minh

Một số nhà quan sát cho rằng những nỗ lực của Washington nhằm củng cố các liên minh trong khu vực khiến quá trình rượt đuổi của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản vào tháng 8 năm ngoái tại Camp David, nơi họ cam kết tăng cường hợp tác an ninh ba bên, bao gồm các cuộc tập trận quân sự chung thường xuyên.

Lãnh đạo ba nước Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh tại Camp David, tháng 8/2023. (Ảnh: Reuters)

Lãnh đạo ba nước Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh tại Camp David, tháng 8/2023. (Ảnh: Reuters)

Vào tháng 4, ông Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tham gia một hội nghị thượng đỉnh ba bên khác với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., nơi ba nước bày tỏ lo ngại về các động thái "nguy hiểm" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Ramon Pacheco Pardo, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học King's College London, cho biết chiến lược củng cố các liên minh và quan hệ đối tác trên khắp Đông Á và Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ mang lại cho họ "lợi thế đáng kể" so với Trung Quốc, vốn không có đồng minh "đáng tin cậy" nào trong khu vực.

Ông Pacheco Pardo nói: "Điều này giúp giải thích tại sao Trung Quốc lại chỉ trích gay gắt mối quan hệ đang nảy nở giữa Mỹ với các quốc gia như Hàn Quốc hoặc Philippines, trong khi Australia và Nhật Bản sẽ nghe theo chính sách của Mỹ bất kể như thế nào.

Việc các nước này quyết định hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ là một vấn đề đối với Trung Quốc. Mỹ có thể tăng cường quan hệ quân sự với các đối tác đáng tin cậy, giúp họ có thêm hỏa lực trong trường hợp xảy ra xung đột”.

Washington cũng đang tìm cách tăng cường quan hệ với các đồng minh bằng cách chia sẻ công nghệ quốc phòng.

Vào tháng 4, các tham mưu trưởng quân đội từ Mỹ, Anh và Australia cho biết ba nước đang cân nhắc mở rộng Trụ cột 2 của liên minh an ninh AUKUS để thêm các đối tác cùng quan điểm. Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và New Zealand được cho là nằm trong số các ứng cử viên được nhắm đến để đưa vào hiệp ước chia sẻ công nghệ.

AUKUS hình thành vào năm 2021 và bao hàm hai thành phần được gọi là hai trụ cột. Trụ cột 1 hỗ trợ Australia mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị vũ khí thông thường, trong khi Trụ cột 2 tập trung vào các công nghệ tiên tiến, bao gồm điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và vũ khí siêu thanh.

Theo giáo sư Pacheco Pardo, Mỹ hiểu rằng trụ cột 2 của AUKUS cần hợp tác với các nước công nghệ cao như Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời việc đưa các quốc gia khác như Canada hay New Zealand vào từ quan điểm chính trị là “hợp lý”.

“Bằng cách này, Mỹ có thể tạo ra một 'liên minh nhỏ' rất mạnh. Có thể nói, đây sẽ là liên minh nhỏ mạnh nhất ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trong lĩnh vực công nghệ quân sự mới”, ông Pacheco Pardo nói. "Mỹ sẽ được hưởng lợi từ sự hợp tác với các đồng minh và đối tác, cả ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và trong NATO. Đây là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc, vốn thiếu các đối tác công nghệ cao đáng tin cậy".

Thế mạnh của Trung Quốc

Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra kế hoạch biến quân đội Trung Quốc thành một lực lượng đẳng cấp thế giới, sánh ngang với quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương vào năm 2027 và trở thành quân đội “hạng đầu” vào năm 2049, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản nước này.

Tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc. (Ảnh: Quân đội Trung Quốc)

Tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc. (Ảnh: Quân đội Trung Quốc)

Trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội, ông Tập cam kết “đẩy nhanh việc phát triển các năng lực chiến đấu không người lái, thông minh”.

Ông Kostas Tigkos, trưởng bộ phận Hệ thống Nhiệm vụ và Tình báo tại công ty tình báo quân sự toàn cầu Janes, cho biết: "Mỹ đang cố gắng theo kịp Trung Quốc trong lĩnh vực UAV cỡ nhỏ, chi phí thấp, có khả năng tác chiến bầy đàn và hỗ trợ AI".

Ông Tigkos nói thêm: "Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào UAV cỡ nhỏ, chi phí thấp, có khả năng tác chiến bầy đàn và hỗ trợ AI. Điều này mang lại lợi thế trên chiến trường, đặc biệt là đối phó với các khí tài truyền thống đắt tiền và phức tạp".

Mặt khác, Bắc Kinh có lợi thế hơn Washington trong các hệ thống tên lửa siêu thanh. Chỉ có hai quốc gia là Trung Quốc và Nga sở hữu vũ khí như vậy đang hoạt động. Tên lửa DF-17 của Trung Quốc, một hệ thống tên lửa tầm trung mang đầu đạn lượn siêu thanh, đã được đưa vào sử dụng từ năm 2019.

Theo báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc được công bố vào tháng 10/2023, Bắc Kinh có "kho tên lửa siêu thanh hàng đầu thế giới" và đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này trong hai thập kỷ qua.

Ông Heath nói: "Tên lửa siêu thanh của Trung Quốc là một trong những loại tiên tiến nhất thế giới. Điều này phản ánh những thế mạnh lâu đời trong chương trình tên lửa đạn đạo của Trung Quốc.

Mỹ tụt hậu so với Trung Quốc vì họ không ưu tiên tên lửa. Mỹ đã dựa vào máy bay và các lực lượng quân sự triển khai tiền phương để thực hiện các chức năng tương tự như tấn công tầm xa và ném bom".

Hoa Vũ (Nguồn: SCMP)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/trung-quoc-sap-san-bang-khoang-cach-quan-su-my-van-dang-gom-ar882478.html