Những điểm mới trong tuyển sinh các trường sư phạm 2025

Một số trường sư phạm đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025 với nhiều điểm mới đáng chú ý.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Năm 2025, trường Đại học Sư phạm Hà Nội có lộ trình tăng dần tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực (SPT) do trường tổ chức qua các năm và giảm dần tỷ lệ sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Kỳ thi SPT của trường dự kiến diễn ra vào ngày 17 và 18/5/2025, với 8 môn là: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Đáng chú ý, thí sinh có thể sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm Hà Nội (SPT) để xét tuyển vào hơn 20 cơ sở giáo dục đại học (tăng 13 đơn vị so với năm ngoái).

Trong đó, 9 trường đã sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực SPT từ năm ngoái gồm các trường: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm TP.HCM, các trường Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Đại học Quy Nhơn, Vinh và Đại học Y Dược Thái Bình.

13 trường mới trong danh sách gồm các trường: Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Quản lý giáo dục, Đại học Thủ đô Hà Nội, Đại học Tây Bắc, Đại học Hải Phòng, Đại học Hạ Long, Đại học Hoa Lư, Đại học Hồng Đức, Đại học Tây Nguyên, Đại học Thủ Dầu Một, Học viện Quản lý giáo dục và Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Cũng theo trường Đại học Sư phạm Hà Nội, từ năm 2026, nhà trường dự kiến kỳ thi SPT sẽ bổ sung các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Về đề thi, nội dung các bài thi tương ứng với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT; phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 và định hướng dạy học, kiểm tra đánh giá của Bộ GD&ĐT.

Một số trường sư phạm đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025 với nhiều điểm mới đáng chú ý. (Ảnh minh họa)

Một số trường sư phạm đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025 với nhiều điểm mới đáng chú ý. (Ảnh minh họa)

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Năm 2025, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tuyển sinh theo 6 phương thức, tăng thêm 1 so với 2024. Cụ thể theo thông báo của nhà trường, năm 2025 sẽ là năm đầu tiên trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng và sử dụng kết quả kỳ thi riêng của nhà trường để xét tuyển đại học.

5 phương thức còn lại gồm: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học bạ; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM; xét tuyển sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP.HCM.

Các ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Thể chất, Quản lý Thể dục thể thao sử dụng các phương thức trên nhưng trong các tổ hợp tuyển sinh có sử dụng kết quả thi năng khiếu do trường tổ chức (không sử dụng kết quả thi năng khiếu của cơ sở giáo dục đại học khác).

Trường Đại học Sư phạm TP.HCM

Từ năm 2025, trường Đại học Sư phạm TP.HCM sẽ không sử dụng kết quả học tập THPT trong xét tuyển, chỉ giữ lại những điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đáp ứng các yêu cầu theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Trường dự kiến tuyển sinh theo 4 phương thức: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT (10% chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên (10-20% chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, dự kiến áp dụng cho khoảng hơn 30 ngành (40-50% chỉ tiêu mỗi ngành); xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Với phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trường dành 20-40% chỉ tiêu cho các ngành có sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc 70- 80% cho các ngành còn lại.

Năm 2025, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm TP.HCM dự kiến tổ chức 3-5 đợt thi tại TP.HCM, Long An, Đà Nẵng, Gia Lai, với khoảng 30.000 lượt thí sinh. Hồi giữa tháng 8, Đại học Sư phạm TP.HCM thông báo thay đổi cấu trúc của 5 trong 6 môn thi. Đề thi Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học gồm 40 câu, chia thành ba phần, thay vì 50 câu với hai phần như trước đây.

Với môn Ngữ văn, đề gồm 22 câu ở ba phần: đọc hiểu (trắc nghiệm); viết đoạn văn ngắn; bài luận. Trong đó, phần viết đoạn văn ngắn là yêu cầu mới. Nội dung đề bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018, kiến thức lớp 12 chiếm khoảng 70-80%.

Kim Nhung

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-diem-moi-trong-tuyen-sinh-cac-truong-su-pham-2025-ar915472.html