Những 'điểm sáng' nơi cực Tây Bắc của Tổ quốc
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua', nhiều hội viên nông dân các cấp hội ở Điện Biên đã hăng hái tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ phong trào này, nhiều cán bộ, hội viên đã vươn lên thoát nghèo và trở thành những tấm gương sáng trong sản xuất và kinh doanh, được nhiều người noi theo.
Đa dạng hóa các hình thức thi đua
Bà Cao Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên cho biết, 5 năm qua, tại tỉnh Điện Biên, phong trào thi đua yêu nước được các cấp Hội nông dân triển khai rộng khắp và đi vào chiều sâu với nhiều hoạt động thiết thực. Nội dung thi đua thể hiện rõ nét ở các phong trào lớn, có thể kể đến như: “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng an ninh”.
Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, Hội nông dân các cấp ở Điện Biên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên hiến đất, đóng góp công sức, tiền của, ngày công lao động cùng nhà nước xây dựng hệ thống đường giao thông thôn, bản, đưa điện về nông thôn và từng bước bê tông hóa kênh mương. Từ thực tiễn các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu vươn lên giúp nhau thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
“Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội nông dân tích cực tuyên truyền, triển khai sâu rộng từ tỉnh xuống cơ sở. Nhiều cơ sở, chi, tổ hội đã xây dựng các “điểm sáng”, vận động nông dân sản xuất, khoanh nuôi bảo vệ rừng, tham gia đẩy lùi các tệ nạn xã hội”, bà Cao Thị Tuyết Lan chia sẻ.
Cũng theo bà Lan, tỉnh Điện Biên hiện có trên 3.000 hộ nông dân đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp (theo tiêu chí mới). Qua quá trình triển khai, thực hiện các phong trào thi đua, Hội nông dân tỉnh Điện Biên đã vận động, hỗ trợ nông dân thành lập các “chi hội trang trại”, “chi hội nghề nghiệp”.
Đến nay, mô hình kinh tế trang trại đã có bước phát triển mạnh với nhiều mô hình đa dạng, phong phú mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh có trên 300 trang trại cho thu nhập hàng năm từ 150 - 200 triệu đồng. Cá biệt có một số trang trại cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Ðây là những “hạt nhân” nông dân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.
Thêm nhiều “điểm sáng” mới
Gia đình hội viên nông dân Mùa A Phía, bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) là một điển hình trong phong trào nông dân tham gia khoanh nuôi bảo vệ rừng gắn với bảo vệ an ninh biên giới.
Trước kia khu rừng rộng bạt ngạt của gia đình ông chỉ là rừng nghèo với nhiều cây tạp, cây bụi, giá trị kinh tế mang lại không cao. Sau thời gian dài tìm hướng đi mới, ông Phía đã mạnh dạn trồng dổi vì nhận thấy các sản phẩm từ dổi mang lại giá trị kinh tế cao, hy vọng sẽ mang lại thu nhập ổn định để cải thiện cuộc sống. Khảo sát thị trường thật kỹ, ông Phía đã trồng xen canh cây sa nhân tím dưới tán rừng dổi.
Sau thời gian chăm sóc, vun trồng, mô hình trồng rừng của gia đình ông Phía cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình trên đã mang lại “lợi ích kép”, đó là vừa phát triển rừng vừa tạo thu nhập từ rừng. Hiện nay, gia đình ông đã trồng được 2ha dổi hạt và sa nhân tím, mỗi chu kỳ thu hoạch cả 2 loại: Sa nhân và hạt dổi. Trung bình cứ 3m2 rừng gia đình thu hoạch được 1kg quả sa nhân tươi, thời điểm cao nhất sa nhân có giá 180 nghìn đồng/kg tươi; còn hạt dổi thì 2 nghìn đồng/hạt, sản phẩm thu hoạch đến đâu bán hết đến đó.
Trường hợp gia đình ông Quàng Văn Lả, hội viên Chi Hội nông dân bản Bon, xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) thuộc diện nghèo, thiếu vốn, lại chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sản phẩm sản xuất ra chỉ đủ phục vụ nhu cầu gia đình.
Sau khi tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế trang trại, năm 2012 ông Lả đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Ảng và 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện để mua giống gia súc, gia cầm, xây dựng mô hình trang trại.
Từ số vốn trên, ông Lả vay mượn thêm của bạn bè, người thân, dành toàn bộ số tiền có được mua 4 con bò giống, 2 con trâu, 6 con dê, 8 con lợn sinh sản và 100 con gia cầm. Cùng với đó, gia đình ông đã tiến hành cải tạo diện tích ruộng bậc thang để trồng hoa màu và lúa.
Với quan điểm “lấy ngắn nuôi dài”, vốn liếng, lời lãi bao nhiêu, ông Lả quay ra đầu tư, mở rộng quy mô trang trại đến đó. Chỉ sau 6 năm từ thời điểm vay vốn và bắt tay “khởi nghiệp”, đến năm 2018, gia đình ông Lả không chỉ thoát nghèo mà còn trả hết tiền vốn vay.
Hiện nay ông Lả đã xây dựng được trang trại với quy mô hơn 50 con gia súc, trên 200 con gia cầm, 400m2 ao thả cá, 2.000m2 ruộng, 4.000m2 trồng sắn, ngô làm thức ăn chăn nuôi và 1,5ha trồng các loại cây màu khác. Theo ước tính của ông Lả, mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng.
Thấy ý trí quyết tâm và sự cần cù, chăm chỉ của ông Lả đã mang lại hiệu quả thiết thực, bà con dân bản đã rủ nhau đến học tập mô hình kinh tế của ông Lả. Hai năm gần đây, nhiều nông dân trong bản Bon đã mạnh dạn làm theo, thoát nghèo, có hộ đã vươn lên làm giàu chính đáng.