Những điều có thể bị hiểu sai về bệnh dịch hạch

Theo The Daily Beast, tác động của đại dịch 'cái chết đen' trong thế kỷ 14 là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết được chính xác cách thức mà nó xảy ra.

 Bệnh dịch hạch từng gieo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp châu Âu thời Trung Cổ. Ảnh: BBC.

Bệnh dịch hạch từng gieo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp châu Âu thời Trung Cổ. Ảnh: BBC.

Trang The Daily Beast đưa tin một truyền thuyết nói về sự xuất hiện của "cái chết đen" ở châu Âu, được công chứng viên người Italy Gabriele De' Mussi kể lại là bệnh dịch hạch đến vào năm 1346, khi những người Tartar tấn công thành phố Caffa ở bán đảo Crimea, họ đã mắc phải một căn bệnh bí ẩn.

Trong lúc đang hấp hối, những người Mông Cổ thuộc cộng đồng này quyết định phóng xác chết của họ lên các bức tường thành phố để lây bệnh cho cư dân bên trong. Từ đó, câu chuyện cũng bắt đầu, bệnh dịch hạch lan rộng khắp châu Âu, giết chết từ 30-50% dân số.

Tuy nhiên, câu chuyện này không phản ánh đúng về cách thức cũng như thời điểm bệnh dịch hạch bùng phát. Một nghiên cứu mới kết hợp những phương pháp cổ sinh vật học, lịch sử, sinh thái, sinh học đang tạo ra thách thức cho sự hiểu biết của các nhà khoa học và sử gia về bệnh dịch hạch.

Chuột có phải là loài động vật gây ra bệnh dịch hạch?

Dựa trên nghiên cứu mới, các nhà khoa học và sử gia cho biết bệnh dịch hạch tàn phá châu Âu vào thế kỷ 14 lại bắt đầu sớm hơn nhiều so với suy nghĩ của mọi người. Bên cạnh đó, thủ phạm cũng không phải là vũ khí sinh học của người Mông Cổ (do không có bằng chứng nào để xác minh). Các nhà khoa học phát hiện ra có một thứ gì đó nhỏ hơn nhiều và "dễ thương" hơn.

Các học giả đã nghiên cứu về bệnh dịch hạch trong một thời gian dài và mối quan tâm đến những đại dịch lịch sử càng trở nên nóng hơn khi nhân loại đối mặt với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, chỉ vài người có khả năng điều hướng khéo léo cả tài liệu lịch sử lẫn khoa học. Đi đầu trong nỗ lực liên ngành này là bà Monica Green, tiến sĩ, nhà sử học thời Trung Cổ từng đoạt giải thưởng và có công trình thẩm vấn các câu chuyện về bệnh dịch hạch.

Cụ thể, sau khi thu thập tất cả dạng bằng chứng hiện có, bà khẳng định rằng bất kỳ câu chuyện nào được kể ra đều phải hợp lý về mặt nhân chủng học, sinh học và lịch sử.

Bà Monica Green chỉ ra một vấn đề với việc viết lịch sử các đại dịch là bản chất của những bằng chứng sẵn có. Lời kể từ các nhân chứng thường cung cấp chi tiết sống động về triệu chứng, cũng như tác động cục bộ của một bệnh truyền nhiễm, nhưng chúng chỉ có thể cho mọi người cảm nhận sơ bộ nhất về cách thức lây lan. Trong khi đó, giám định hài cốt mới là điều khó khăn.

Ví dụ, nếu một người chết cách đây 2.000 năm do bị tra tấn bạo lực, các nhà khảo cổ có thể biết điều đó bằng cách kiểm tra mắt hài cốt của họ. Ngược lại, các bệnh truyền nhiễm thì hiếm khi để lại bằng chứng trong xương của con người nên rất khó xác định nguyên nhân tử vong (trừ bệnh lao và bệnh phong).

Điển hình như thời gian bệnh dịch hạch giết chết một người trong 2-10 ngày mà không để lại dấu vết. Hầu hết nạn nhân của các bệnh truyền nhiễm thường được chôn cất trong những ngôi mộ tập thể, nhiều người trong số đó cũng chưa được xác định danh tính. Ngoại trừ một bia mộ từ Kara-Djigach ở Kyrgyzstan, nhóm của bà Monica Green gần như không thể xác định danh tính người quá cố từ những ngôi mộ tập thể còn lại.

Những gì mà nhóm bà Monica có (nhờ phương pháp cổ sinh vật học) là bằng chứng phân tử của Y. pestis, tác nhân gây ra bệnh dịch hạch, từ hài cốt của từng nạn nhân. Bệnh dịch hạch Justinian, "cái chết đen" và 500 năm bùng phát bệnh dịch hạch sau thảm họa "cái chết đen", đều do những biến thể của một loại vi khuẩn gây ra.

Những phát triển mới trong sinh học phân tử đã giúp các nhà khoa học thu thập bằng chứng của nhiều dạng vi sinh vật và lắp ráp chúng lại với nhau (ngay cả những vi sinh vật đã chết cách đây hàng trăm năm).

Tiến sĩ Monica Green chia sẻ lý do chính mà nhóm nghiên cứu xác định niên đại của "cái chết đen" rơi vào thế kỷ 14 là các nguồn lịch sử họ khảo sát đều cho biết như vậy. Khi bắt tay vào nghiên cứu chủ đề này, bà Green đã tự hỏi làm thế nào khoa học có thể thay đổi bức tranh toàn cảnh. Bà đã ước tính sự di truyền và nhận ra rằng dữ liệu đưa mọi người đến một thế kỷ trước.

Hơn nữa, khi lần theo dấu vết di truyền, bà Green cũng phát hiện ra cả 4 chủng Y. pestis mới đều xuất phát từ "vụ nổ lớn" tập trung ở vùng núi Tian Shan (Trung Á). Vào thời điểm đó, bà ấy đã tự hỏi "có điều gì chúng ta đã bỏ lỡ không?" và khi trả lời, tiến sĩ Green đã nhận ra một sinh vật: sóc đất Marmot.

Điều này đối lập hoàn toàn với kiến thức mọi người đã được học ở trường, "cái chết đen" do những con chuột gây ra. Nhưng thực tế đã chỉ ra rằng thủ phạm truyền bệnh không phải chuột mà chính là bọ chét trên người chúng.

Mặt khác, bà Green biết rằng sóc đất Marmot mới là vật chủ của bệnh dịch hạch. Vì các nhà sinh thái học thực địa ở vùng núi Tian Shan đã thu thập bằng chứng về những chủng Y. pestis của sóc đất Marmot tại đây. Tuy nhiên, chi tiết về sự lây lan của bệnh dịch hạch vẫn chưa được khám phá rõ ràng.

 Nhiều người thường lầm tưởng chuột là loài động vật gây ra bệnh dịch hạch. Ảnh: The Daily Beast.

Nhiều người thường lầm tưởng chuột là loài động vật gây ra bệnh dịch hạch. Ảnh: The Daily Beast.

Bệnh dịch hạch lây lan như thế nào?

Điều khiến cả bà Green và bà Fancy không thể giải thích được là sự lây truyền của bệnh dịch hạch. Làm thế nào mà Y. pestis lây lan từ loài sóc đất ở vùng núi Trung Á đến con đường quân sự cách xa hàng trăm dặm mà không ai nhận ra? Vì vậy, nếu bệnh dịch hạch thực sự lây lan, mọi người lẽ ra đã tử vong sau khi nó tấn công cơ thể.

Sau khi đọc nhiều tài liệu Mông Cổ để nghiên cứu, câu trả lời đã đến với tiến sĩ Green. Bà phát hiện ra một văn bản của bác sĩ người Ba Tư, Al-Shirazi, trong đó có một chi tiết nhỏ ghi lại rằng Húc Liệt Ngột đang nhập khẩu kê trồng ở chân đồi của dãy núi Tian Shan.

Vào lúc đó, bà Green cảm thấy sự thật dần hiện ra và mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. Bà cho rằng có điều gì đó đã đánh bật bệnh dịch hạch ra khỏi vật chủ lâu dài của nó là những con sóc đất ở vùng núi Tian Shan. Tiếp theo, căn bệnh này di chuyển qua các quần thể động vật gặm nhấm ở nơi có độ cao thấp hơn. Cuối cùng, nó bắt đầu lây lan sang những loài gặm nhấm cộng sinh quanh các cánh đồng ngũ cốc của người Mông Cổ. Lúc bấy giờ, các cánh đồng ngũ cốc là để con người ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp.

"Chỉ cần một vài con chuột hoặc bất cứ thứ gì bò vào trong những bao tải ngũ cốc, mang theo những con bọ chét đầy vi khuẩn là đủ để tạo ra một 'quả bom dịch hạch'. Sau đó, nó sẽ được vận chuyển hàng trăm dặm trong các đoàn tàu tiếp tế của người Mông Cổ", bà Green nói.

Bên cạnh đó, trong một bài báo đăng trên tạp chí Lịch sử Mỹ, bà Green cũng chỉ ra "cái chết đen" bắt đầu sớm hơn 100 năm so với những gì mọi người biết. Đồng thời, những ý kiến cho rằng bệnh dịch hạch đột ngột xảy ra trong một đợt bùng phát, tàn phá con người rồi tan thành mây khói là câu chuyện hoang đường. Rõ ràng, nó đã được gieo mầm bởi các chiến dịch quân sự diễn ra gần một thế kỷ trước đó.

Minh Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-dieu-co-the-bi-hieu-sai-ve-benh-dich-hach-post1400727.html