Những điều đặc biệt của kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế 2020
Do dịch đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới, nên đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Ban Tổ chức đã ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển hình thức sang thi trực tuyến (Remote Access Exam) với tên gọi 'Thách thức Olympic Sinh học quốc tế 2020' (IBO Challenge 2020).
Olympic Sinh học quốc tế (International Biology Olympiad - IBO) là một kỳ thi Olympic khoa học dành cho học sinh THPT trên toàn thế giới, nhằm thúc đẩy sự nghiệp khoa học cho những học sinh tài năng và nhấn mạnh tầm quan trọng của sinh học trong xã hội hiện đại. IBO lần thứ nhất được tổ chức năm 1990 tại Tiệp Khắc (cũ) và đến năm nay, 2020 là cuộc thi lần thứ 31. Việt Nam tham gia IBO lần đầu tiên vào năm 1996 và đã đạt được nhiều thành công.
Ứng dụng công nghệ hiện đại để thi trực tuyến, sinh học kết hợp tin học
Trong lần đầu tiên thi trực tuyến, thí sinh quốc gia nào làm bài thi tập trung tại quốc gia đó, số lượng bài thi không thay đổi so với các năm trước, gồm 2 bài thi lý thuyết (mỗi bài làm trong 3 giờ) và 2 bài thi thực hành: bài thực hành thí nghiệm ảo về sinh lý học động vật (làm trong 3 giờ) và bài thực hành tin sinh học (làm trong 1,5 giờ).
Hơn thế nữa, điểm mới của cuộc thi năm nay là bài thi sinh học kết hợp với tin học. Nghĩa là, Ban tổ chức đưa dữ liệu sinh học buộc thí sinh phải giải quyết bằng công nghệ thông tin. Để đảm bảo cho kết quả cuộc thi là trung thực và khách quan, Ban Tổ chức cuộc thi đã hướng dẫn các nước thành viên thực hiện các quy định theo từng bước một cách chi tiết và chặt chẽ.
Đội tuyển IBO 2020 của Việt Nam gồm 4 thành viên, thi tại Trường Đại học khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Đơn vị tổ chức cuộc thi đã thực hiện rất nghiêm túc theo đúng yêu cầu của Olympic Sinh học quốc tế. Thí sinh thực hiện cách ly từ ngày 07/8/2020 và được đưa đến phòng thi làm bài trong 2 ngày 11 và 12/8/2020.
Trong quá trình cách ly và làm bài luôn có camera giám sát theo thời gian thực, truyền hình ảnh về Ban Tổ chức tại Nagasaki (Nhật). Bài thi lý thuyết của thí sinh được scan ngay lập tức, chuyển file thông tin về Nhật Bản để chấm và kiểm tra, bài thi thực hành thí nghiệm ảo về sinh lý động vật và bài thực hành tin sinh học cũng được giám sát hình ảnh sát sao. Kết quả của IBO Challenge 2020 được công bố vào lúc 17h00 giờ ngày 24/8/2020 giờ Nhật Bản (15h00 giờ Việt Nam). Sở dĩ như vậy để đảm bảo cho các thí sinh ở châu Mỹ cũng được nhận kết quả cùng vào ngày 24/8/2020 như thí sinh ở các châu lục khác trên thế giới.
Biểu trưng độc đáo của kỳ thi
Kỳ thi IBO 2020 do Đại học Quốc tế Nagasaki – Nhật Bản đăng cai tổ chức (IBO Nagasaki 2020) có biểu trưng (logo) được lấy cảm hứng từ mizuhiki - một nghề thủ công truyền thống của Nhật Bản, với những sợi dây màu được đan, thắt nút và bện thành những mẫu theo thiết kế phức tạp. Loại nút thắt trên mizuhiki khác nhau tùy thuộc vào thông điệp mà người ta muốn truyền tải.
Biểu trưng của cuộc thi IBO Nagasaki 2020 làm nổi bật 5 sợi dây, tượng trưng cho 5 vòng tròn của phong trào Olympic thể thao quốc tế và Thế vận hội mùa hè lần thứ 32 (Tokyo 2020) - sự kiện mà đáng ra đã được khởi tranh tại Nhật Bản từ 24/7/2020 nhưng phải tạm hoãn sang năm 2021 do đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới.
Những sợi dây được đan lại với nhau để tạo thành một bông hoa anh đào. Ngoài việc là một biểu tượng văn hóa quốc gia quan trọng của Nhật Bản, nó còn thể hiện ý niệm về những cuộc gặp gỡ, chia tay và tình cảm bền chặt, ấm áp. Tại IBO Nagasaki 2020, Ban Tổ chức cố gắng tạo ra một sự kiện nơi các nhà sinh học hàng đầu thế giới trong tương lai có thể tập hợp, nuôi dưỡng tình bạn sâu sắc và truyền cảm hứng cho nhau để thế giới tốt đẹp hơn, đó cũng là mục đích của phong trào Olympic thể thao thế giới.
Dấu ấn trường Quốc Học Huế
Hồ Việt Đức - học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Quốc học Huế, giành Huy chương Vàng IBO 2020.
Tin vui là cả 4/4 thí sinh dự thi IBO Challenge 2020 của đoàn Việt Nam đều đoạt giải. Trong đó, em Hồ Việt Đức - học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Quốc học Huế - giành Huy chương Vàng. Em Đồng Ngọc Hà và em Hà Vũ Huyền Linh - cùng là học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội - lần lượt đạt Huy chương Bạc và Huy chương Đồng. Em Nguyễn Thị Thu Nga - học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ - đạt giải Khuyến khích.
Với kết quả thi xuất sắc, em Hồ Việt Đức đã mang về Huy chương Vàng Sinh học Quốc tế thứ hai cho trường THPT chuyên Quốc học Huế và là Huy chương Vàng Olympic Quốc tế thứ tư của nhà trường. Được biết, các thành tích xuất sắc trước đây là Lê Bá Khánh Trình - môn Toán năm 1979 tại Vương quốc Anh, Đinh Anh Minh - môn Lý năm 2010 tại Croatia và Trương Đông Hưng – môn Sinh học năm 2017 tại Vương quốc Anh.
Chúc mừng và cảm ơn những học sinh tài năng của Việt Nam qua các thời kỳ. Các Huy chương Olympic Quốc tế luôn là niềm cảm hứng bất tận cho tất cả những người luôn đau đáu về nền giáo dục của nước nhà.