Những điều F0 cần chuẩn bị khi điều trị Covid-19 tại nhà

Khi chữa Covid-19 tại nhà, bệnh nhân cần chuẩn bị nước sạch, thực phẩm, thuốc giảm đau và một số vitamin để tăng cường sức đề kháng.

Điều trị Covid-19 tại nhà là phương pháp phổ biến ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Trường hợp được chữa trị tại nhà là các F0 nhẹ đến trung bình hoặc không có triệu chứng. Điều này giảm áp lực cho hệ thống y tế và giúp bệnh nhân có tâm lý thoải mái hơn, tiếp cận điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn.

Để điều trị Covid-19 tại nhà, các chuyên gia trên thế giới đã đưa ra các hướng dẫn chi tiết để bệnh nhân chủ động theo dõi sức khỏe và xử trí kịp thời.

Lập kế hoạch

Để tránh nguy cơ lây nhiễm virus cho người thân, F0 nên ở trong phòng riêng, sử dụng vật dụng, đồ dùng riêng. Trong suốt quá trình tự điều trị Covid-19, người bệnh thường xuyên phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), thông thường, các triệu chứng của Covid-19 sẽ kéo dài 4-12 ngày, sau đó, người mắc sẽ dần khỏi bệnh.

Do đó, theo tiến sĩ Lisa Ide, Giám đốc nền tảng y tế ảo Zipnosis, trả lời phỏng vấn của Healthline, chuẩn bị điều trị Covid-19 tại nhà có nghĩa các F0 cần lập kế hoạch sống cho bản thân và gia đình trong 2-3 tuần.

“Bạn nên lên danh sách những người liên hệ trong trường hợp khẩn cấp, cách giao tiếp với thành viên của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hay thậm chí người giao đồ ăn mà không phải tiếp xúc”, vị chuyên gia nói.

 Các vị trí tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, mặt bàn, nhà vệ sinh... cần được vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên. Ảnh: Newsweek.

Các vị trí tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, mặt bàn, nhà vệ sinh... cần được vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên. Ảnh: Newsweek.

Những vật dụng cần chuẩn bị

Giai đoạn tự cách ly, điều trị rất quan trọng. Người bệnh cần có đủ thực phẩm, thuốc uống và một số điều kiện cơ sở vật chất khác.

Nước sạch

Theo Giáo sư, tiến sĩ Roy Benaroch, Đại học Emory, Mỹ, chuyên gia về nhi khoa, Covid-19 là bệnh nhiễm trùng do virus. Điều quan trọng nhất với bệnh nhân tự chữa Covid-19 tại nhà là phải uống đủ nước. Đặc biệt trong trường hợp sốt cao, bệnh nhân phải được bù nước ngay.

Các triệu chứng của Covid-19 như sốt, ho, tiêu chảy, nôn dễ khiến người bệnh mất nước, kiệt sức. Duy trì lượng nước trong cơ thể cũng giúp giữ nồng độ hydrat trong mũi, hình thành các lớp nhầy, giảm bớt kích ứng mũi khi ho, hắt hơi. Cơ thể đủ nước cũng giúp chữa lành các màng nhầy bị vỡ, ngăn virus, vi khuẩn khác xâm nhập vào cơ thể.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên dự trữ nước đủ cho ăn, uống, sinh hoạt ít nhất 15 ngày. Nếu không có đường nước sử dụng riêng với các thành viên khác trong nhà, F0 nên dùng nước đóng chai, đặt cạnh giường và uống ngay khi thấy khát.

Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ khuyến cáo mỗi ngày nam giới cần ít nhất 3,7 lít nước (tương đương 15,5 cốc) và nữ giới cần 2,7 lít (tương đương 11,5 cốc). 20% lượng chất lỏng hàng ngày đến từ thực phẩm.

Để ngăn ngừa mất bước, bù nước, bệnh nhân Covid-19 có thể uống bột điện giải Pedialyte, Gatorade hay Oresol.

Thực phẩm, trái cây tươi

Bà Lisa Ide khuyến cáo bệnh nhân chuẩn bị thực phẩm đủ cho 14-21 ngày tự cách ly, điều trị. Người bệnh nên mua các thực phẩm dễ bảo quản, bảo quản được lâu như gạo, mì ống, đồ đóng hộp, trái cây sấy, súp, rau củ quả đông lạnh.

Trái cây tươi và rau quả là thực phẩm quan trọng với các bệnh nhân Covid-19 bởi nó cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu, tăng cường sức đề kháng. Tuy nhiên, chúng đều khó giữ tươi lâu.

Theo bà Lisa, chúng ta nên bổ sung rau xanh bằng các món súp. Để bảo quản trái cây, rau củ lâu, bạn có thể xay nhuyễn thực phẩm, cho vào từng khay làm đá và bỏ vào tủ lạnh. Điều này giúp chúng ta dự trữ được nguồn rau xanh, trái cây tươi lâu, dễ chế biến.

 Người bệnh nên giữ tinh thần lạc quan, tích cực kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học. Ảnh: Newsbreak.

Người bệnh nên giữ tinh thần lạc quan, tích cực kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học. Ảnh: Newsbreak.

Thuốc giảm đau

Bệnh nhân Covid-19 thường gặp tình trạng đau nhức cơ thể, sốt, mệt mỏi. Thuốc giảm đau sẽ giúp điều trị các triệu chứng này.

Khi bị sốt, F0 nên sử dụng paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày cho trẻ em và không quá 2 g/ngày với người lớn. Giảm ho bằng các thuốc ho thông thường nếu cần thiết.

Ngoài ra, một số loại thuốc giảm đau tiến sĩ, bác sĩ cấp cứu Larry Burchett, ở California khuyên dùng là acetaminophen (Tylenol), ibuprofen (Advil hoặc Motrin). Trong đó, người lớn chỉ nên sử dụng 650 mg Tylenol trong một lần, mỗi lần cách nhau 4-6 giờ.

Những thuốc này đều phải sử dụng đúng liều theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc ghi trên vỉ thuốc. Lạm dụng, dùng quá liều bất kỳ thuốc gì đều có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Nếu bị sốt cao, người bệnh có thể đắp khăn làm mát, chườm đá, mặc quần áo rộng, thoải mái và uống nhiều nước để giải nhiệt.

Kẽm, vitamin C, gừng, nghệ

Theo Giáo sư, tiến sĩ Morton Tavel, Trường Y Đại học Indiana, Mỹ, kẽm là khoáng chất người bệnh cần bổ sung khi điều trị, giảm triệu chứng của Covid-19.

Kẽm có đặc tính kháng virus. Một thí nghiệm cũng từng chứng minh kẽm ức chế khả năng nhân lên của SARS-CoV-2 trong tế bào.

Theo GS Tavel, người bệnh nên ngậm Cold-Eeze – loại thuốc không kê đơn chứa kẽm gluconate – vài lần một ngày để giảm bớt các triệu chứng viêm đường hô hấp trên.

Bên cạnh đó, vitamin C cũng có tác dụng rất tốt trong việc tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tế bào miễn dịch.

Nhà khoa học Asli Elif Tanugur Samanci, Giám đốc thương hiệu Bee & You, khuyên bệnh nhân Covid-19 nên bổ sung 1-3 gram vitamin C mỗi ngày, kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, trái cây.

Ngoài ra, các thảo dược, vị thuốc thiên nhiên như nghệ, gừng đều có khả năng chống viêm tốt và chứa nhiều chất ngăn ngừa oxy hóa. Trong củ gừng có nhiều chất chống lại cảm giác lạnh, giảm triệu chứng về dạ dày. Nghệ chứa hàng trăm hoạt chất và là vị thuốc giảm đau tự nhiên. Bạn có thể sử dụng chúng trong các món ăn hàng ngày hoặc ép nước, uống cùng trái cây khác.

 Bạn nên bổ sung vitamin C, khoáng chất, kẽm... trong các bữa ăn để tăng cường đề kháng, miễn dịch. Ảnh: Freepik.

Bạn nên bổ sung vitamin C, khoáng chất, kẽm... trong các bữa ăn để tăng cường đề kháng, miễn dịch. Ảnh: Freepik.

Các vật dụng cá nhân khác

Trong nhà, phòng của người bệnh cũng cần khăn lau khử trùng, xà phòng, giấy vệ sinh, khăn mặt… Các giọt bắn chứa virus khi ho, hắt hơi, khạc nhổ là nguyên nhân chính khiến SARS-CoV-2 lây từ người này sang người khác. Do đó, mỗi khi ho, hắt hơi, bạn nên dùng khăn giấy để che miệng, mũi và bỏ vào thùng rác, đậy nắp kín.

Bệnh nhân nên trang bị nhiệt kế, máy đo nồng độ oxy bão hòa SpO2, bộ sơ cứu cá nhân. Người bệnh cần liên hệ y tế ngay khi có các triệu chứng như sốt cao trên 39 độ C; khó thở; đau/tức ngực dai dẳng; lú lẫn; môi hoặc mặt hơi tái xanh; da, môi hoặc móng tay màu nhợt nhạt, xám hoặc xanh lam; nồng độ oxy bão hòa trong máu <92%...

Khi tự cách ly, chúng ta sẽ không thể giao tiếp trực tiếp với người khác. Bạn nên chuẩn bị sách, phim, trò chơi để giải trí, giảm áp lực trong thời gian điều trị.

Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều quốc gia đều khuyến cáo hơn 80% bệnh nhân Covid-19 nhẹ, không triệu chứng và có thể tự chữa khỏi tại nhà. Do đó, điều quan trọng nhất với các bệnh nhân Covid-19 đó là tinh thần lạc quan, bình tĩnh.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-dieu-f0-can-chuan-bi-khi-dieu-tri-covid-19-tai-nha-post1242139.html