Những điều ít biết về người tuổi Tỵ trong lịch sử dân tộc

Theo lẽ thường, trong thế gian, có người sinh năm này, người sinh năm khác. Âm lịch xếp đặt năm theo Thiên Can, Địa Chi. Vậy mới có người tuổi Tý, tuổi Thìn, tuổi Ngọ… Năm 2025, Ất Tỵ. Lần giở sử cũ của dân tộc, tìm xem những nhân vật, danh nhân tuổi Tỵ, thật thú vị...

Tranh Đông Hồ “Bà Triệu cưỡi voi”.

Tranh Đông Hồ “Bà Triệu cưỡi voi”.

Người muốn chém cá trường kình ở Biển Đông

Trong suốt 1 ngàn năm Bắc thuộc, dân ta bao lần vùng lên đặng giành lấy tự do. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi đầu tiên khiến thái thú Tô Định phải cởi áo, lột mũ, cắt tóc, cạo râu, trà trộn vào đám tàn binh, chạy về nước (Đông Hán) là của Hai Bà Trưng vào năm 40. Hai Bà xưng vương, đóng đô ở Mê Linh, cai trị đất nước được 2 năm rồi hy sinh anh dũng khi nhà Hán sai Mã Viện đem tới 2 vạn quân cùng hàng ngàn chiến thuyền sang đàn áp.

Xuân Ất Tỵ (2025), nhắc đến vài người tuổi Tỵ nổi danh trong lịch sử dân tộc. Bên chén trà thơm, chúng ta cùng bâng khuâng nhớ tới chuyện cũ...

Hơn 200 năm sau (năm 248), một người phụ nữ khác, bà Triệu Thị Trinh (Ất Tỵ, 225 - Mậu Thìn, 248) lại làm cho quân xâm lược, lần này là Đông Ngô, thất điên bát đảo. Khi Thứ sử Giao Châu là Lục Dận (cháu Lục Tốn), dùng binh hùng tướng mạnh và cả mưu hèn kế bẩn, mới tiêu diệt được cuộc khởi nghĩa này. Bà Triệu thế cùng đã tự vẫn ở núi Tùng (nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) khi mới 23 tuổi.

Cuộc khởi nghĩa của hai anh em Bà Triệu (bà kế tục sự nghiệp của anh trai Triệu Quốc Đạt, chẳng may mất sớm) dù bị đàn áp, nhưng đã khiến Giao Châu náo loạn, sử sách Trung Hoa cũng phải ghi chép về Bà. Tiếc thay, trong chính sử Việt còn rất sơ sài. Do thời gian giặc Tàu đô hộ quá lâu và sau khi xâm chiếm, chúng không chỉ vơ vét vàng bạc, châu báu đưa về nước mà còn cho hủy diệt sách vở của nước Nam?

Chân dung Cao Bá Quát.

Chân dung Cao Bá Quát.

May thay, dân gian luôn gìn giữ hình bóng những người anh hùng dân tộc bằng đền đài, miếu mạo cùng với các huyền thoại, huyền tích. Ví như câu ca dao: Ru con con ngủ cho lành/ Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi/ Muốn coi, lên núi mà coi/ Có bà Triệu tướng cưỡi voi, đánh cồng... Hoặc câu nói lừng danh của người phụ nữ lẫm liệt tuổi Ất Tỵ, khi mới 19 tuổi: Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!

Tuổi Tỵ chỉ có 2 người làm vua

Đọc sách sử, nhất là các cuốn: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, điều thật bất ngờ, tuổi Tỵ có rất ít người làm vua. Còn lưu lại chỉ hai người, nhưng sự nghiệp không vinh hiển:

Lý Long Trát (Lý Cao Tông), con trai vua Lý Anh Tông, sinh vào ngày 22 tháng 5 năm Quý Tỵ (6-7-1173). Đến tuổi trưởng thành, lại đam mê tửu sắc. Thời ấy, nhà Lý đã suy vi, xã hội thối nát, giặc cướp nổi lên khắp nơi, dân tình khốn khổ, triều đình lụn bại, nhà vua lại soạn khúc Chiêm Thành âm với giọng điệu oán thán khiến sĩ phu càng chê trách. Đến khi có loạn Quách Bốc, vua phải chạy sang sông Quy Hóa (Thao Giang, nay thuộc tỉnh Phú Thọ). Sau, nhờ có anh em nhà Trần Lễ tập hợp lương binh cứu giúp. Cũng từ đó, họ Trần càng mạnh, tiền đề cho sự sụy đổ của triều Lý. Mãi đến năm Đinh Mão (1207), ông vua này mới ban tờ chiếu hối lỗi. Ba năm sau, ngày 28 tháng 10 năm Canh Ngọ (17-11-1210), vua mất. Tuy hưởng dương 37 năm, nhưng Lý Anh Tông ở ngôi đến 34 năm và đổi niên hiệu tới 4 lần!

Chân dung Đào Tấn.

Vị vua thứ hai cầm tinh con rắn là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, tức vua Kiến Phúc. Ông sinh năm Kỷ Tỵ (1869), con nuôi thứ ba của vua Tự Đức. Trước ông, là Dục Đức, con nuôi trưởng của vua Tự Đức, theo di chiếu được nối ngôi (ngày 17-7-1883), nhưng chỉ 3 ngày đã bị phế truất, giam vào ngục thất, bỏ đói cho đến chết. Năm đó, vua Dục Đức mới 16 tuổi. Hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Dật, em ruột vua Tự Đức, được lập làm vua (ngày 30-7-1883), lấy hiệu Hiệp Hòa, song cũng chỉ được 4 tháng bị một số đại thần ép thoái vị rồi đổ thuốc độc vào cổ cho chết. Ưng Đăng lên ngôi sau hai cái chết khủng khiếp ấy trong triều.

Nhà thơ Thâm Tâm

Nhà thơ Thâm Tâm

Tương truyền, sau khi vua Tự Đức mất, Ưng Đăng ở ngoại thành. Ngày quyền thần cho người lên mời về Huế, ông đã khóc ròng vì sợ sẽ thân phận giống như chú mình (Hiệp Hòa), quân lính liền xốc nách đưa lên võng khênh về. Kiến Phúc tại vị cũng không được lâu. 6 tháng sau, ông mất đột ngột vì bệnh, hưởng dương 15 tuổi! Đồn rằng, đại thần Nguyễn Văn Thuyết vì tư tình với Học Phi (vợ vua Tự Đức), bị Kiến Phúc nghe thấy nên đã ra tay để trừ hậu quả. Sau khi ông mất, người em ruột, Nguyễn Phúc Ưng Lịch, tức nhà vua kháng chiến Hàm Nghi được nối ngôi. Thương thay!

Khoa bảng muộn màng

So với các tuổi khác, tuổi Tỵ ngày xưa không nhiều các nhà khoa bảng. Khoảng chừng chưa đến mười ông Nghè (Tiến sĩ (TS), không kể người đỗ Phó bảng, tức hàng thứ hai, kể từ thời Nguyễn). Lược kể vài vị lừng danh.

Tuổi Đinh Tỵ, có Vũ Hữu (1437 - Canh Dần, 1530), đỗ Hoàng giáp (TS xuất thân) năm 1463, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lễ, nổi tiếng thanh liêm. Ngoài 70 tuổi, ông về hưu, nhưng đến gần 90 tuổi vẫn được triều đình cử đến Cổ Trai tấn phong tước vương cho Mạc Đăng Dung. Không chỉ có tài văn chương, chính trị, Vũ Hữu còn giỏi cả Toán, đã viết sách Lập thành toán pháp, chỉ dẫn cách chia ruộng đất, xây dựng nhà cửa, thành lũy… Hoặc ông Trương Quốc Dụng (1797 - Giáp Tý, 1864), đỗ TS năm 1825, làm quan dưới triều vua Minh Mạng, đến chức Thượng thư Bộ Hình, nổi tiếng liêm chính. Sau khi đỗ đại khoa, ban đầu được bổ làm Tri phủ Tân Bình (Gia Định) rồi mới về kinh (Có lẽ vì thế mà ngày nay tại Thành phố Hồ Chí Minh có đường mang tên ông!).

Nhà văn Nhất Linh - Nguyễn Trường Tam.

Nhà văn Nhất Linh - Nguyễn Trường Tam.

Tuổi Kỷ Tỵ có TS Vũ Công Đạo (1629 - Giáp Ngọ, 1714), làm quan triều Lê, học vấn uyên thâm, tính tình ngay thẳng. Khi đang làm Đô Ngự sử, ông đàn hặc tội loạn thần, vua không nghe, bèn đập đầu vào cột giữa triều. Vì việc ấy, bị bãi chức, nhưng sau lại được triệu vào kinh, thăng đến Thượng thư Bộ Lễ. Em ruột ông cũng đỗ TS, còn học trò, có người đỗ Thám hoa, Bãng nhãn.

Tuổi Kỷ Tỵ còn có Hồ Sỹ Tạo (1869-1935), đỗ TS năm Giáp Thìn (1904), được bổ làm Tri huyện Tân Định (nay thuộc Khánh Hòa). Tại đây, ông là người hưởng ứng nhiệt thành Phong trào Duy Tân, sau lại cầm đầu Phong trào Chống thuế ở Bình Định, bị giặc Pháp bắt giam, xử án trảm giam hậu, sau giảm xuống còn khổ sai chung thân.

Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, hình như tuổi Tỵ chỉ có một người đỗ Trạng nguyên là ông Phạm Duy Khuyết, tuổi Tân Tỵ (1521). Ông thông minh, nhưng thuở nhỏ thất học, ngoài 30 mới quyết chí lập thân. Mãi đến 42 tuổi, khoa thi Nhâm Tuất (1562), mới đi thi và đỗ Trạng nguyên. Điều thú vị là khoa thi năm ấy, thầy học của ông là Nguyễn Khắc Kính cũng đi thi và đỗ Hoàng giáp (TS).

Nhưng điều thú vị hơn cả là một người chỉ đỗ Hương Cống (ngang với bậc Tú tài sau này) mà người dân nước Việt từ xưa đến nay ai cùng tôn xưng là Trạng. Đó là ông Nguyễn Quỳnh tuổi Đinh Tỵ (1677), người làng Bột Thượng, huyện Hoằng Hóa, trấn Thanh Hoa (nay là Thanh Hóa). Chức quan cao nhất trong triều chỉ là Viên ngoại Bộ Lễ. Sự nổi tiếng của ông chính là ở tài ứng đối nhanh, óc khôi hài đặc biệt, lại sáng tạo nhiều truyện trào phúng. Dân chúng tôn ông là Trạng Quỳnh, và có lẽ không nên kể lể, giải thích gì thêm!

Võ nghiệp rạng ngời

Tài năng quân sự đáng kể nhất ở tuổi Tỵ trong lịch sử là Hoàng Ngũ Phúc (Quý Tỵ, 1713 - Bính Thân, 1776). Khi mới còn là Nội sai ở Hình phiên, một chức quan nhỏ, ông đã dâng lên chúa Trịnh 12 điều binh pháp, được cho phép thi hành. Sau nhờ lập công to, được phong tước Việp Quận Công, gia phong Đại Tư đồ. Khi đã 62 tuổi, là Quốc lão, ông còn cầm quân, vượt lũy Trấn Ninh, lấy Phú Xuân, bắt cả loạn thần Trương Phúc Loan. Đầu năm sau, trên đường về kinh, thuyền mới đến vùng Nghệ An thì ông mất, được triều Lê phong Thượng đẳng Phúc thần.

Người thứ hai không thể không nhắc đến là Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại (Tân Tỵ, 1761 - Kỷ Sửu, 1829). Ông vốn người Quảng Nam nhưng vào vùng Vũng Liêm, Vĩnh Long sinh sống rồi theo phò chúa Nguyễn Phúc Ánh, từng là Chưởng cơ Bắc Thành, Trấn thủ Lạng Sơn, Định Tường… Sự nghiệp lưu danh muôn thuở của ông là tổ chức đào kinh Đông Xuyên (Thoại Hà) ở Long Xuyên năm 1818 và tiếp đến là kinh Vĩnh Tế (1919-1824) dài gần 100km. Con kinh Vĩnh Tế là công trình lưỡng dụng cả kinh tế lẫn quốc phòng. Vì thế, năm 1836, vua Minh Mạng cho đúc Cửu đĩnh làm quốc bảo, hình kinh Vĩnh Tế được chạm khắc vào cao đĩnh.

Thời hiện đại, tuổi Đinh Tỵ, có đại tướng Văn Tiến Dũng (1917-2002), được Bác Hồ phong tướng đầu tiên trong quân đội nhân dân Việt Nam (thiếu tướng) năm 1948. Từ năm 1953, ông đã là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; tháng 4-1975, là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1980 đến năm 1986.

Văn chương hiển hách

Người tuổi Tý phát lộ tài năng rực rỡ nhất ở lĩnh vực văn học, nghệ thuật: Nguyễn Đề (Tân Tỵ, 1761); Đào Tấn, Nguyễn Thiện Kế (Ất Tỵ, 1845); Nguyễn Chánh Sắt (Kỷ Tỵ, 1869); Giản Chi (Ất Tỵ, 1905); Nguyễn Bá Khoản, Trần Mai Ninh, Thâm Tâm, Như Phong (Đinh Tỵ, 1917);...

Có thể kể vài tên tuổi vẻ vang nhất:

Lý Văn Phức (Ất Tỵ, 1785), tuy chỉ đỗ Cử nhân, nhưng 2 lần làm làm Chủ khảo trường thi Gia Định và Nghệ An, 7 lần tham gia các phái bộ sang các nước Đông Nam Á, nhiều lần đi sứ sang Trung Quốc… Ông là nhà thơ nổi tiếng, sáng tác nhiều tác phẩm chữ Hán lẫn chữ Nôm, nhất là Truyện Tây Sương (thơ).

Cao Bá Quát (Kỷ Tỵ, 1809), nhà thơ khởi nghĩa, người đã chết giữa trận tiền trong cuộc chiến đấu vì tự do (1855). Tuy Cao Chu Thần chỉ đỗ kỳ thi Hương (á nguyên), nhưng kẻ sĩ trong nước và nhà vua đương triều (Thiệu Trị) đều đánh giá cao tài văn chương của ông.

Nhất Linh Nguyễn Trường Tam (1905, Ất Tỵ), ngưTrời lập nên Tự Lực Văn Đoàn, đưa văn học Việt Nam hiện đại bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ. Đó là chưa kể sự nghiệp chính trị, ngoại giao của ông.

Trần Huy Anh

Chân dung Đào Tấn.

Nhà thơ Thâm Tâm.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202501/nhung-dieu-it-biet-ve-nguoi-tuoi-ty-trong-lich-su-dan-toc-4f52b6b/