Những điều kiện trong Dự thảo Luật PPP thuận lợi hơn cho khu vực công

Đây là ý kiến vừa được đưa ra tại Tọa đàm 'Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?', sáng 13/5 tại Hà Nội.

Nhiều dự án hạ tầng giao thông đã đầu tư theo hình thức PPP. Nguồn: Internet.

Nhiều dự án hạ tầng giao thông đã đầu tư theo hình thức PPP. Nguồn: Internet.

Tọa đàm do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức theo hình thức tọa đàm trực tuyến.

Tham dự Tọa đàm có đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia PPP.

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Phạm Ngọc Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội cho rằng: Dự thảo Luật PPP đã qua rất nhiều vòng, với tinh thần cầu thị, toàn bộ các nội dung góp ý đã được các cơ quan tham mưu tổng hợp, thảo luận. Có những nội dung đã được tiếp thu chỉnh sửa và được cấp có thẩm quyền đồng ý, có nội dung chưa được chấp thuận. Một số nội dung không quy định trong luật mà sẽ quy định trong văn bản hướng dẫn hoặc chỉ quy định nguyên tắc và để dư địa cho các bên tham gia trong hợp đồng tự đàm phán.

Tổng hợp chung các vấn đề mà nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đặt ra đối với dự thảo Luật PPP, đại diện đơn vị soạn thảo, ông Phạm Ngọc Lâm cho hay, nhiều ý kiến quan tâm tới cơ chế chia sẻ rủi ro, chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu được quy định tại dự thảo Luật PPP còn quá chặt chẽ, mang tính thuận lợi hơn cho khu vực công.

Theo đó, khu vực tư nhân bị áp dụng nhiều điều kiện hơn và có một số điều kiện còn khó khăn, thậm chí có thể chứng minh được trên thực tế. Do đó, nhiều đại biểu đề nghị để đàm phán trong hợp đồng về mức bảo lãnh doanh thu tối thiểu, điều kiện cụ thể của bảo lãnh doanh thu tối thiểu tùy thuộc vào bản chất của từng dự án. Cần có cơ sở pháp lý đủ rõ để chi tiêu ngân sách đối với bảo lãnh doanh thu dự án PPP hay thực hiện cơ chế quỹ như kinh nghiệm một số nước.

Cần cụ thể hóa, bổ sung cơ chế chia sẻ rủi ro và ưu đãi trong đấu thầu

Kiến nghị hoàn thiện thêm cho Dự thảo Luật PPP, các đại biểu tham dự Tọa đàm đã nhấn mạnh về các nội dung liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro, ưu đãi đấu thầu, lập quỹ và kiểm toán.

Cụ thể, đại diện cho Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Đào Việt Dũng cho rằng Dự thảo Luật PPP đã có bước tiến trong nội dung liên quan tới cơ chế chia sẻ rủi ro. Nhưng, cần cụ thể hóa các nội dung cho phù hợp với từng ngành, lĩnh vực đầu tư để tăng khả năng tiếp cận các thông tin cần thiết đối với các nhà đầu tư.

Trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do nguyên nhân từ phía Nhà nước hoặc do sự kiện bất khả kháng, chi phí tối thiểu trước hết cần phải bồi thường cho các nhà đầu tư đối với các khoản đầu tư của họ, thanh toán cho các khoản nợ tồn đọng và hoàn trả chi phí chấm dứt hợp đồng, việc mua lại các doanh nghiệp dự án PPP sẽ được phân bổ từ nguồn vốn của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Đào Việt Dũng, điểm nổi bật là cần phải xây dựng các quỹ phát triển để tạo nền tảng cho việc triển khai các dự án PPP. Thiếu những quỹ như vậy sẽ khó bảo đảm thành công cho các dự án PPP quy mô lớn. Việc xây dựng quỹ phải được thực hiện theo một quá trình minh bạch và phải có công cụ giám sát, theo dõi. Quỹ này chính là nguồn tài chính và cũng chính là đảm bảo chủ trương đa dạng nguồn vốn cho các công trình, dự án PPP như Chính phủ từng cam kết với các nhà đầu tư.

Liên quan tới nội dung quyền chuyển nhượng một phần cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư khác sau khi hoàn thành xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành đối với dự án không có cấu phần xây dựng, ông Nguyễn Thanh Hải, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tạiViệt Nam (AmCham) cho rằng, dự thảo Luật PPP không nên hạn chế quyền của nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sau khi hoàn thành xây dựng.

Cùng với đó, Dự thảo không nên có quy định cấm quá cứng nhắc về vấn đề này, mà nên để khu vực tư nhân có quyền hạn nhất định trong việc quản lý vốn chủ sở hữu, tính khả thi và hiệu quả của dự án. Trong nhiều trường hợp, sự tham gia bổ sung thêm thành viên trong tổ hợp các nhà đầu tư sẽ đóng góp thêm giá trị và giúp ích thêm cho dự án.

Các ý kiến tại Tọa đàm cũng cho rằng, để khuyến khích các dự án do nhà đầu tư đề xuất, cần bổ sung quy định nguyên tắc ưu đãi trong đấu thầu cho tất cả nhà đầu tư đề xuất dự án. Ưu đãi chi tiết nên được quy định cụ thể tại nghị định hướng dẫn thi hành của Luật PPP. Dự thảo Luật không nên bắt buộc sử dụng nhà thầu và thầu phụ trong nước mà cho phép sử dụng nhà cung cấp trong nước và nước ngoài theo sự lựa chọn của nhà đầu tư.

Dự thảo Luật PPP lần này được yêu cầu bổ sung làm rõ quyền của bên cho vay với tư cách là bên nắm giữ tài sản bảo đảm, bên cho vay sẽ có quyền đề xuất nhà đầu tư khác thay thế nhà đầu tư cũ để tiếp tục thực hiện hợp đồng. Dự thảo Luật chỉ nên quy định các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và bên cho vay được phép thỏa thuận quyền tiếp nhận dự án của bên cho vay và sự thỏa thuận đó (nếu có) có hiệu lực đối với các bên tham gia ký kết hợp đồng dự án.

Hay như quy định hạn chế quyền của nhà đầu tư chuyển nhượng một phần cổ phần trong dự án PPP cho một nhà đầu tư khác cho đến khi hoàn thành xây dựng công trình cũng chưa phù hợp với thực tiễn. Cần cho phép bổ sung thêm thành viên (thành viên mới hoặc thành viên liên kết) trong tổ hợp các nhà đầu tư ngay trong giai đoạn xây dựng.

Đối với phạm vi ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp dự án, có ý kiến cho rằng Dự thảo Luật nên cho phép sử dụng doanh nghiệp đang tồn tại làm doanh nghiệp dự án. Phạm vi này bao gồm cả những ngành liên quan trong khi ngành chính là thực hiện dự án PPP. Quy định về giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng bằng 1%-3% tổng mức đầu tư của dự án tại thời điểm ký hợp đồng là rất khó thực hiện đối với các nhà đầu tư, bởi việc thu xếp tài chính chưa hoàn thành. Bởi vậy, nên quy định một mức bảo đảm tối đa nhỏ hơn hoặc yêu cầu bảo đảm muộn hơn.

Kiểm toán cũng là nội dung quan trọng thu được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng. Theo đó, các đại biểu cho rằng, chỉ nên tuân thủ việc áp dụng đối với cơ quan Chính phủ hay khu vực công, chứ không phải cho các nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án.

Dự thảo Luật PPP cần nêu rõ khi nào, thời điểm nào sẽ tiến hành việc Kiểm toán Nhà nước; việc định giá tài sản khi chuyển giao cho Nhà nước nên được thực hiện bởi một kiểm toán viên độc lập hoặc công ty định giá. Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm tra sau đó các kết quả định giá là một phần của kiểm toán tuân thủ.

Minh Nhật

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanviet.news/y-kien/nhung-dieu-kien-trong-du-thao-luat-ppp-thuan-loi-hon-cho-khu-vuc-cong-7888.html