Những đổi thay trên quê hương cách mạng

Mùa thu Cách mạng lịch sử 76 năm về trước, khí thế hừng hực đứng lên giành chính quyền về tay Nhân dân bùng lên mạnh mẽ ở khắp nơi trong tỉnh. Những người nông dân áo vải, chân đất kéo thành từng đoàn đồng lòng nhất trí đứng lên.

Cơ sở vật chất, hạ tầng xã Hiền Lương (Đà Bắc) được đầu tư ngày càng khang trang.

Cơ sở vật chất, hạ tầng xã Hiền Lương (Đà Bắc) được đầu tư ngày càng khang trang.

Chính quyền địch gần như tê liệt. Bọn Đại Việt thân Nhật bị Nhân dân tẩy chay. Quân Nhật chỉ đóng chốt trong các cứ điểm. Các đoàn thể Việt Minh hoạt động công khai. Lực lượng vũ trang được củng cố. Mường Khói tiếng hô vang dậy đất trời, các lực lượng cứu quốc và quần chúng Nhân dân rầm rập biểu tình giành chính quyền tại Vụ Bản. Ngày 21 - 22/8, khí thế cách mạng càng thêm sôi sục ở các địa phương. Ngày 22/8, ta giành chính quyền ở châu Kỳ Sơn. Các lực lượng cách mạng đã vượt sông Đà sang chiếm dinh tỉnh trưởng, sở bưu điện, trại lính bảo an, sở cẩm. Cùng với cả nước, việc giành chính quyền ở cấp tỉnh thành công đã tạo điều kiện thuận lợi rất lớn để tiến hành khởi nghĩa ở chính quyền cấp cơ sở. Quần chúng cách mạng mang theo khí thế ngất trời lần lượt chiếm các châu lỵ, thành lập chính quyền cách mạng ở nhiều nơi trong tỉnh như châu Lương Sơn, châu Mai Đà… góp sức cùng cả nước làm nên bản hùng ca Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, mở đường cho Nhân dân Hòa Bình cùng Nhân dân cả nước bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cán bộ và Nhân dân một lòng theo Đảng, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến kiến quốc, vừa sản xuất vừa chiến đấu phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước. Truyền thống cách mạng đáng tự hào tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, Nhân dân các vùng chiến khu phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Hiền Lương (Đà Bắc) là một trong những xã nằm trong vùng chiến khu cách mạng đang có sự đổi thay rõ rệt, từ cơ sở hạ tầng đến sinh kế của người dân. Đường giao thông tiếp tục được đầu tư qua địa bàn lên các xã Vầy Nưa, Tiền Phong, rút ngắn khoảng cách từ trung tâm huyện chỉ còn hơn chục phút xe chạy thay vì cả tiếng đồng hồ gập ghềnh, trắc trở như trước. Đồng chí Nguyễn Đăng Giáp, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương cho biết: Với sự đầu tư của tỉnh, huyện và cố gắng của cán bộ, Nhân dân, năm 2019, xã đạt nông thôn mới. Đến nay đã tìm được hướng phát triển liên kết nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch cộng đồng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề phụ. Xóm Ké trở thành điểm du lịch cộng đồng có ấn tượng tốt với du khách thăm quan, trải nghiệm. Nhiều xóm mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản có thu nhập ổn định. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 36,5 triệu đồng, hộ nghèo còn 11,6%.

Từ chỗ rất nhiều khó khăn, vùng chiến khu cách mạng Thạch Yên (Cao Phong) cũng đang có bước tiến dài trong đời sống, sản xuất. Sau sáp nhập, Đảng bộ, chính quyền xã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu phát triển KT-XH, cơ sở vật chất trường lớp học, đường giao thông, thủy lợi, diện mạo nông thôn mới ngày càng khang trang, đời sống Nhân dân có những cải thiện đáng mừng, chuẩn bị điều kiện cần thiết để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025. Cùng với sản xuất nông, lâm nghiệp là chủ đạo, xã được quy hoạch nằm trong không gian phát triển du lịch lịch sử, cách mạng.

Vùng chiến khu Mường Khói (Lạc Sơn) cũng có sự thay đổi vượt bậc, mang bóng dáng của thị tứ, nông thôn. Châu Lương Sơn xưa nay hướng tới vùng kinh tế năng động của tỉnh. Người dân TP Hòa Bình tự hào với truyền thống quê hương anh hùng và kiên cường cách mạng, bước vào những mùa thu mới đồng lòng thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố hiện đại, văn minh, bản sắc, là đô thị loại II, trái tim của tỉnh và cửa ngõ vùng Tây Bắc…

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/155616/nhung-doi-thay-tren-que-huong-cach-mang.htm