Những dòng kênh 'kêu cứu'

Thời gian qua, một số tuyến kênh, sông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã và đang bị ô nhiễm do rác thải, nước thải trong sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi… đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống hằng ngày của người dân. Đặc biệt khi mùa mưa đến, nhiều tuyến kênh rạch đang trong tình trạng ô nhiễm, tái ô nhiễm. Cư dân ở những khu vực này không những phải chịu cảnh sống 'nghẹt thở' mà còn đối mặt với nguy cơ dịch bệnh nếu thực trạng nêu trên không được giải quyết dứt điểm.

Kỳ 3: Làm gì để khắc phục ô nhiễm môi trường?

Việc giải quyết vấn đề ô nhiễm kênh, rạch, nhất là ô nhiễm nguồn nước và tình trạng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các ngành, các cấp và tất cả các tổ chức, cá nhân. Trong thời gian qua, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề nêu trên.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn khảo sát tình hình ô nhiễm môi trường các kênh trên địa bàn thành phố Sóc Trăng. Ảnh: QUANG BÌNH

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn khảo sát tình hình ô nhiễm môi trường các kênh trên địa bàn thành phố Sóc Trăng. Ảnh: QUANG BÌNH

Về tình trạng ô nhiễm sông, kênh trên địa bàn thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị được cử tri kiến nghị đến đại biểu HĐND các cấp tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp giữa năm vào đầu tháng 6/2024. Về vấn đề này đã được các cấp, các ngành trả lời cử tri. Riêng về phía UBND thị trấn Phú Lộc cũng đã có các giải pháp cải thiện tình hình ô nhiễm các dòng sông, kênh.

Đồng chí Quách Ngọc Tứ Hải - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Lộc cho biết: “UBND thị trấn đã giao Ban Quản lý chợ giám sát tình hình, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, vứt rác đúng nơi quy định. Tuy nhiên vẫn còn một số hộ ý thức chưa cao, vẫn còn vứt rác xuống sông. Với thực trạng nêu trên, UBND thị trấn chỉ đạo Ban Quản lý chợ thường xuyên theo dõi, tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng nơi quy định. Thị trấn cũng đã lắp đặt hệ thống camera để giám sát, phát hiện trường hợp vi phạm sẽ tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; sẽ xử phạt theo quy định pháp luật các trường hợp cố tình vi phạm”.

Còn trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, trao đổi với chúng tôi về giải pháp thực hiện khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng chí Trần Văn Nhanh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Sóc Trăng cho biết: “UBND thành phố luôn coi trọng công tác cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường. Theo đó, hằng năm đều có chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các ngành chức năng và UBND 10 phường tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường của thành phố, nhất là các khu vực ô nhiễm kéo dài gây bức xúc trong nhân dân, từ đó xây dựng kế hoạch, tổng hợp ý kiến các ngành tham mưu đề xuất giải pháp xử lý trình UBND thành phố xem xét, quyết định”.

Các ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức trồng cây xanh, góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Các ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức trồng cây xanh, góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Theo thống kê mới nhất của Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Sóc Trăng, hiện nay trên địa bàn thành phố Sóc Trăng có tổng số 240 tuyến kênh thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong việc thoát nước. Trong đó, số kênh không còn phục vụ nông nghiệp, nguồn nước có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là 57 tuyến kênh. Với sự nỗ lực của thành phố trong việc nạo vét, xây dựng hệ thống cống và bờ kè kiên cố, một số kênh từng bị ô nhiễm nghiêm trọng đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một số tuyến kênh thường xuyên bị ô nhiễm như: kênh 8m, kênh Nhân Lực, kênh 3/2, kênh Hồ Nước Ngọt, kênh Cầu Xéo, kênh Vành Đai 2, kênh Trà Men, kênh Cô Bắc, kênh Ba Đông…

“UBND thành phố chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị ký kết hợp đồng công ích với Công ty Cổ phần Công trình đô thị Sóc Trăng thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; đồng thời, thực hiện công tác nạo vét, cải tạo hệ thống thoát nước, trồng cây xanh cũng được thực hiện thường xuyên. Hiện thành phố đã được đầu tư Nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đặt tại Phường 8, với công suất 24.000m3/ngày đêm (xử lý giai đoạn 2 sinh học), phạm vi phục vụ 650ha, khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng ngập cục bộ trên một số tuyến đường nội ô thành phố Sóc Trăng. Trong năm 2024, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố đã tham mưu UBND thành phố Sóc Trăng lập 3 hồ sơ dự án cải tạo khắc phục ô nhiễm đối với 11 tuyến kênh với tổng kinh phí khoảng 2,8 tỷ đồng…”, đồng chí Trần Văn Nhanh cho biết thêm.

Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường, hạn chế ảnh hưởng của chất thải đến chất lượng cuộc sống của người dân, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị các sở, ban ngành, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tham mưu, xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kế hoạch, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường theo lĩnh vực, ngành phụ trách, địa bàn quản lý. Tuyên truyền, phổ biến, thông tin, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, phù hợp nhằm từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng, xây dựng nếp sống văn minh. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đề xuất, nghiên cứu, triển khai các sáng kiến về xử lý chất thải, áp dụng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa hiệu quả, bền vững. Tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trong những tháng đầu năm 2024, đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đã có buổi khảo sát tình hình ô nhiễm môi trường các kênh trên địa bàn thành phố Sóc Trăng. Qua khảo sát thực tế, đồng chí Lâm Văn Mẫn đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh và thành phố Sóc Trăng phối hợp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các kênh; đồng thời cần sớm tìm ra nguyên nhân gây ô nhiễm để có hướng giải quyết dứt điểm tình trạng này, tránh tình trạng ô nhiễm kéo dài, đặc biệt là ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và tưới tiêu trong những tháng mùa khô của người dân, tránh gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Các ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức hoạt động dọn dẹp vệ sinh, góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Các ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức hoạt động dọn dẹp vệ sinh, góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Bảo vệ, cải tạo và phát triển cảnh quan các tuyến kênh, rạch đang là vấn đề được các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh quan tâm nhằm giảm ô nhiễm môi trường, góp phần chỉnh trang đô thị, mang lại môi trường sống trong lành cho người dân. Vì vậy, để làm sạch những dòng sông, con kênh ô nhiễm vì rác thải rất cần những hành động cụ thể và thiết thực, trong đó, trước hết là việc tự nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người; đồng thời, các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường.

NHÓM PV KINH TẾ - XÃ HỘI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/xa-hoi/nhung-dong-kenh-keu-cuu-74359.html