Những đứa con 50 tuổi quay về sống với cha mẹ già
Trong đại dịch, vì muốn chăm sóc, gần gũi gia đình hoặc gặp khó khăn về tài chính, nhiều người ở độ tuổi trung niên bắt đầu quay trở lại sống với bố mẹ.
Nhiều chuyên gia cho biết đại dịch Covid-19 đã dẫn đến việc ngày càng nhiều người thuộc thế hệ Baby Boomer (sinh năm 1946-1964) ở Anh chuyển về sống với cha mẹ già, được gọi là xu hướng "boomerang", The Guardian đưa tin.
Các lý do rất đa dạng, từ tích cực như những đứa con trưởng thành muốn đảm bảo việc chăm sóc và ở bên cha mẹ trong thời gian phong tỏa, đến tiêu cực như gặp khó khăn về tài chính hay các mối quan hệ.
“Đại dịch đã thay đổi đáng kể cách nhiều người trong chúng tôi đang sống. Một số người đã chuyển về ở với cha mẹ trong thời gian đại dịch bùng phát”, Stuart Lewis, người sáng lập Rest Less, cộng đồng kỹ thuật số dành cho những người từ 50 tuổi trở lên, nói.
Với nhiều người, trở lại nhà là một trải nghiệm tích cực, trong đó có Emma Egan (56 tuổi), giáo viên ở New Malden. Cô quay về với cha mẹ sau khi ly hôn.
“Gia đình tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời bên nhau trong lúc phong tỏa. Bây giờ tôi sống ở nhà hoàn toàn chỉ là vì tôi thích điều đó. Khi chuyển ra ngoài, tôi sẽ rất nhớ cha mẹ. Họ cũng như bạn của tôi, là những người tuyệt vời nhất tôi biết”.
Đối với Jim Jackson, quay lại nhà hóa ra cũng là một quyết định đúng đắn. Giám đốc sáng tạo 61 tuổi cùng vợ về nhà mẹ đẻ sống sau khi con cái chuyển ra riêng và ông mất việc.
“Biết là tìm một công việc mới ở tuổi 61 sẽ không dễ dàng, chúng tôi quyết định phương án tốt nhất là bán nhà để không phải lo khoản tiền thế chấp nữa và chuyển về tầng hầm ở nhà mẹ tôi. Hóa ra đó là một trải nghiệm tuyệt vời. Tôi rất thích sống tại đó”.
Không còn áp lực về khoản nợ, Jim có nhiều thời gian để lo tìm việc. Với công việc mới, anh có thể mua ngôi nhà của riêng mình ở nơi chỉ cách nhà mẹ 10 phút chạy xe.
Khó khăn trong đại dịch
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, những lo ngại về tiền bạc là lý do chính khiến nhiều người ở độ tuổi trung niên chuyển về nhà bố mẹ sống. Hơn 355.000 người từ 50 tuổi trở lên đang thất nghiệp, trong đó 31.000 người bị mất việc chỉ tính riêng từ tháng 5 đến tháng 7.
Với tình trạng lạm phát gia tăng và các hóa đơn cần chi trả, ý tưởng chia sẻ chi phí sinh hoạt cũng hấp dẫn với nhiều người trong số 360.000 trường hợp từ 55 tuổi trở lên bị cho nghỉ việc tạm thời vào cuối tháng 7 và có nguy cơ mất hẳn việc.
Lance Rumbolt, nhà tư vấn công nghệ thông tin 54 tuổi, chuyển đến nhà mẹ đẻ sau khi chuyện tình cảm tan vỡ trong đại dịch và anh lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
“Mẹ tôi thích điều đó vì có thể thường xuyên gặp các cháu. Nhờ sống ở đây, tôi có thời gian làm việc để xóa nợ và dự định chuyển ra ngoài vào năm sau”.
Polly Neate, giám đốc điều hành Shelter, tổ chức từ thiện dành cho người vô gia cư, cho biết thu nhập giảm, dù là tạm nghỉ việc, mất việc hay tan vỡ mối quan hệ, đã khiến một số người trung tuổi hầu như không thể ở lại nhà của họ trong thời kỳ đại dịch.
“Những người lớn tuổi rất khó thoát khỏi cảnh vô gia cư vì họ có thể phải đối mặt tình trạng thất nghiệp lâu dài. Chi phí sinh hoạt tăng cao và việc cắt giảm tiền trợ cấp của chính phủ càng khiến việc này trở nên khó khăn hơn”.
Đối với Ian O'Sullivan (56 tuổi), một thủ thư đã chuyển về sống với bố mẹ sau khi ly hôn, trải nghiệm này vừa buồn vừa vui.
“Tôi không thể thuê một căn hộ với mức lương của mình, vì vậy, tôi rất may mắn khi bố mẹ có một không gian cho tôi. Khi đại dịch bùng phát, tôi được cho vào nhóm tạm nghỉ việc không lương. Điều này hóa ra lại có lợi vì tôi có thể chăm sóc cha mẹ, đảm bảo họ thực hiện tốt việc giãn cách”, anh cho biết.
“Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi đáng kể khi việc phong tỏa diễn ra. Việc không thể vận động nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bố mẹ và vào đợt phong tỏa cuối cùng, họ rất cần sự trợ giúp nên tôi không thể rời đi ngay được. Ban đầu, mọi thứ vốn là kế hoạch tạm thời nay chuyển thành dài hạn. Điều an ủi duy nhất là ít ra tôi có thể giúp đỡ bố mẹ bằng cách sống với họ”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-dua-con-50-tuoi-quay-ve-song-voi-cha-me-gia-post1273194.html