Những đứa trẻ lớn lên thành công thường 'sở hữu' kiểu cha mẹ như thế này
Không có công thức cụ thể cho việc nuôi dạy những đứa trẻ thành công, tuy nhiên các nhà tâm lý học đã chỉ ra một số yếu tố dự đoán điều đó, trong đó có cha mẹ.
Nhiều người nghĩ rằng, con đường nuôi dạy nên những đứa trẻ thành công nghe có vẻ mơ hồ bởi có vô số lời khuyên, một số dựa trên cơ sở khoa học và một số thì phụ thuộc vào kinh nghiệm của người đi trước.
Sự thực thì luôn có những đặc điểm chung giữa các bậc cha mẹ nuôi dạy nên những đứa trẻ kiên cường, tự tin và thích nghi tốt.
Cha mẹ là 'đối tác học tập'
Nếu cha mẹ làm tốt vai trò này, đứa trẻ sẽ thích học từ nhỏ, trước cả khi chúng bắt đầu đến trường.
Ronald Ferguson, giáo sư đại học Harvard, tác giả của cuốn "The Formula: Unlocking the Secrets to Raising Highly Successful Children" (Tạm dịch: Những bí mật để nuôi dạy con thành công cao) cho rằng, để giúp con thành công thì đầu tiên, cha mẹ cần đóng tốt vai trò này. Những đứa trẻ thành công nhất có thể đọc những từ cơ bản khi ở trường mẫu giáo, và có thể giữ vị trí đứng đầu ở lớp học, luôn có phản ứng tích cực với những bài giảng của giáo viên.
Cha mẹ để con cái làm việc nhà
Julie Lythcott-Haims - nhà giáo dục, diễn giả người Mỹ, tác giả của các tác phẩm nổi tiếng như cuốn "Your Turn: How to Be an Adult" (Làm sao để con trưởng thành); "How to Raise an Adult, on parenting" (Cách nuôi dạy trẻ nên người),... đã chia sẻ trên chương trình TED Talks về nghiên cứu "The Grant Study": cha mẹ để con cái làm việc nhà ngay từ nhỏ sẽ giúp con lớn lên thành công.
Bà Julie Lythcott-Haims tin rằng, những đứa trẻ được cha mẹ giao cho phụ giúp việc nhà sẽ có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, biết sống đồng cảm hơn khi lớn lên bởi chúng hiểu được cảm giác san sẻ công việc với cha mẹ lúc nhỏ, đồng thời chúng có thể đảm nhận các nhiệm vụ, công việc một cách độc lập.
Cha mẹ dạy con những kỹ năng xã hội
Nghiên cứu của Đại học bang Pennsylvania và Đại học Duke trên hơn 700 trẻ em Mỹ từ mầm non đến 25 tuổi đã phát hiện mối liên hệ giữa kỹ năng xã hội được học từ mầm non và sự thành công khi trưởng thành 20 năm sau.
Nghiên cứu kéo dài 20 năm cho thấy những đứa trẻ có năng lực xã hội, có thể hợp tác với bạn bè mà không cần nhắc nhở, giúp đỡ người khác, hiểu cảm xúc và tự mình giải quyết vấn đề, có nhiều khả năng kiếm được bằng đại học và có công việc ổn định ở tuổi 25 hơn những người có kỹ năng xã hội hạn chế.
Những người có kỹ năng xã hội hạn chế cũng có nguy cơ cao vướng phải các tệ nạn xã hội.
Kristin Schubert, giám đốc chương trình tại Quỹ Robert Wood Johnson, nhà tài trợ cho nghiên cứu, cho biết: "Nghiên cứu này cho thấy rằng giúp trẻ em phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc là một trong những điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm để chuẩn bị cho một tương lai tương sáng."
Ngay từ khi còn nhỏ, những kỹ năng này có thể xác định liệu một đứa trẻ đi học đại học hay ở tù, và liệu chúng có công việc ổn định hay vi phạm pháp luật không.
Cha mẹ dạy con đồng cảm
Michele Borba là một nhà tâm lý học về lĩnh vực giáo dục, chuyên gia nuôi dạy con cái, tác giả của cuốn sách Tại sao một số trẻ em gặp khó khăn còn những người khác tỏa sáng.
Michele Borba chia sẻ rằng, một trong những đặc điểm dễ thấy ở những đứa trẻ thành công đó là cha mẹ chúng thường xuyên thể hiện sự đồng cảm với con cái. Bố mẹ nên tỏ ra quan tâm tới con bằng những câu nói như: "Nhìn con vui quá" hoặc "con có vẻ buồn lòng".
Hỏi con bạn về cảm xúc của chúng. Điều này có thể giúp con nhận ra cảm giác của mình và thể hiện bản thân mà không xấu hổ. Bố mẹ có thể hỏi con những câu hỏi như: "Điều đó khiến con cảm thấy thế nào?" hoặc "con có vẻ sợ hãi đúng không?".
Bố mẹ cũng nên chia sẻ về cảm xúc của mình để con cảm thấy an toàn khi chia sẻ cảm xúc của chúng với cha mẹ.
Đừng quên yêu cầu con bạn chú ý đến cảm xúc của những người xung quanh chúng. Nếu bạn đang ở công viên, có thể chỉ cho con cách quan sát thái độ của mọi người và hỏi con: "Con nghĩ người đó đang cảm thấy thế nào?".
Cha mẹ có xu hướng kỳ vọng cao
Theo dữ liệu từ cuộc khảo sát quốc gia với 6.600 đối tượng thanh niên sinh năm 2001, giáo sư Neal Halfon, đại học California tại Los Angeles (UCLA) và các đồng nghiệp của ông nhận thấy: kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái có tác động mạnh mẽ đến thành tích của con sau này.
Ông Neal Halfon phát biểu: "Các bậc cha mẹ kỳ vọng vào con cũng giống như việc họ đang thúc đẩy con cái hướng tới mục tiêu đó".
Điều này trùng hợp với một nghiên cứu tâm lý khác: hiệu ứng Pygmalion. Hiệu ứng tâm lý này cho rằng: "một người mong đợi ở người khác những gì thì điều đó có thể trở thành một lời tiên tri tự khắc thành sự thật."
Cha mẹ thể hiện sự quan tâm đến sở thích của con
Margot Machol Bisnow là tác giả của cuốn sách Nuôi dạy một doanh nhân: Cách giúp con bạn đạt được ước mơ. Cô đã phỏng vấn 70 bậc cha mẹ của những người con thành đạt để tìm hiểu xem có bất kỳ phương pháp nuôi dạy con cái phổ biến nào không.
Một điều cô ấy nhận thấy là cha mẹ của những đứa trẻ thành công thể hiện sự quan tâm thực sự đến sở thích của con cái họ.
Margot cho biết: "Thể thao, trò chơi điện tử, tranh luận, âm nhạc... Mọi đứa trẻ của các bậc cha mẹ mà tôi nói chuyện đều có niềm đam mê bên ngoài lớp học. Các bậc cha mẹ đó không bao giờ yêu cầu con cái từ bỏ sở thích vì họ biết điều đó tốt cho trí óc của con mình".
Cha mẹ hạn chế cãi nhau trước mặt con cái
Theo một nghiên cứu của Đại học Illinois, những đứa trẻ lớn lên trong môi trường gia đình có nhiều xung đột, dù cha mẹ chúng có ly hôn hay không, thường kém thành công hơn những đứa trẻ có cha mẹ hòa thuận với nhau.
Giáo sư Robert Hughes Jr, Giáo sư giảng dạy tại Khoa Phát triển Con người và Cộng đồng tại Đại học Illinois, cũng đề cập: nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những đứa trẻ được nuôi dạy trong gia đình có đầy đủ cả cha lẫn mẹ sẽ thành công hơn rất nhiều so với những đứa trẻ phải lớn lên trong tình cảnh cha mẹ chúng hay cãi vã, bất hòa với nhau.
Một nghiên cứu khác đối với các đối tượng là người trẻ ở độ tuổi 20 cho thấy, những đối tượng từng phải chứng kiến cuộc ly hôn của cha mẹ lúc nhỏ sẽ có xu hướng đau khổ, buồn bã và ám ảnh về ký ức buồn bã đó trong 10 năm tiếp theo của cuộc đời. Những người trẻ này cho biết, cha mẹ bất hòa khiến họ luôn sống trong cảm giác mất mát và hối tiếc.
Cha mẹ có trình độ học vấn cao
Nghiên cứu năm 2014 của Đại học Michigan cho thấy những bà mẹ học hết trung học phổ thông hoặc đại học sẽ có nhiều khả năng nuôi con đạt được trình độ tương tự hoặc hơn.
Theo nghiên cứu 14.000 trẻ vào mẫu giáo vào năm 1998 đến 2007 cho thấy những đứa trẻ sinh ra từ bà mẹ tuổi teen (18 tuổi hoặc nhỏ hơn), khả năng học xong trung học hoặc vào đại học ít hơn so với những đứa trẻ khác.
Cha mẹ có trình độ học vấn cao sẽ ảnh hưởng đến nguyện vọng của con trẻ, chúng sẽ lấy cha mẹ làm gương để cố gắng.