Những giải pháp đột phá để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, diễn ra ngày 5/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thông tin, vừa qua Hội nghị Trung ương đã có quyết nghị rất quan trọng, trong đó có nội dung liên quan tới điều chỉnh tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Tăng trưởng GDP đạt từ 8% trở lên sẽ tạo nền tảng bước vào giai đoạn mới

Theo ông Phương, trước đây, triển khai Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành, giao chỉ tiêu tăng trưởng từ 6,5-7% phấn đấu từ 7-7,5% trong năm 2025. Tuy nhiên, Trung ương đã có quyết nghị và có chỉ đạo sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và tăng trưởng phải đạt từ 8% trở lên, trên tinh thần để đáp ứng yêu cầu về đích và bù đắp lại tăng trưởng thấp của những năm trước, của 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025), chúng ta cố gắng phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế tạo ra trong cả giai đoạn 2021 - 2025.

Hơn nữa tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên sẽ tạo nền tảng để đất nước bước vào một giai đoạn mới, một kỷ nguyên chúng ta phải đạt được tăng trưởng liên tục trong nhiều năm ở mức cao, 2 con số (trên 10%), đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và thách thức, nhưng cũng phù hợp với mục tiêu chúng ta hướng tới giai đoạn trong tương lai, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 100 năm thành lập nước, cũng như chúng ta phấn đấu trở thành quốc gia có mức thu nhập cao vào năm 2045.

Để triển khai Nghị quyết của Trung ương với mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 từ 8% trở lên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng đã chuẩn bị những nội dung, hồ sơ cần thiết trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường sắp tới, để điều chỉnh một số chỉ tiêu và Nghị quyết 153 của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, nhằm điều chỉnh tương ứng với mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, đặc biệt là một số cân đối liên quan tới đầu tư, ngân sách, lạm phát và một số cân đối của nền kinh tế…

“Hồ sơ phía Bộ đã trình Chính phủ, dự kiến trong kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội sẽ xem xét, thông qua”, ông Phương cho hay.

Bên cạnh đó, theo ông Phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị một nghị quyết riêng của Chính phủ để triển khai nhiệm vụ này. Theo đó, tại kỳ họp Chính phủ sáng 5/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xin ý kiến các thành viên Chính phủ về Nghị quyết này để triển khai.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời tại buổi họp báo Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời tại buổi họp báo Chính phủ.

Thông tin thêm, theo ông Phương, nội dung chính của Nghị quyết này sẽ cụ thể hóa nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế 8% mà Trung ương đã quyết nghị, đó là Chính phủ sẽ có nghị quyết giao chỉ tiêu tăng trưởng này cụ thể đến từng địa phương trong cả nước, cũng như một số nội dung chính cho các bộ, ngành.

“Qua rà soát, triển khai các văn kiện, nghị quyết, quyết nghị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đề xuất đặt mục tiêu với các địa phương, phấn đấu tăng trưởng ở địa phương mình là phải từ 8% trở lên đúng theo kết luận của Trung ương, cũng như nghị quyết của Chính phủ tại Nghị quyết 01”, ông Phương nói.

Động lực đầu tư tác động ngay tức thì với tăng trưởng kinh tế

Về giải pháp để cố gắng hiện thực hóa mục tiêu mà Chính phủ đã yêu cầu, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đến một số nội dung trọng tâm để triển khai, thực hiện trong năm 2025, đầu tiên như Bộ trưởng Trần Văn Sơn đã nêu, đó là phải có một quyết tâm rất cao, nỗ lực hết sức lớn và hành động hết sức quyết liệt thì chúng ta mới làm được.

Các giải pháp tổng thể, toàn diện các ngành, các lĩnh vực đã được thể hiện tại Nghị quyết 01, cũng với tinh thần đó ở mức cao hơn và đối với mục tiêu tăng trưởng hơn 8% rõ ràng liều lượng, giải pháp trong Nghị quyết 01 thì tất cả các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện ở mức cao hơn, thậm chí gấp đôi, hiểu một cách đơn giản là mỗi người phải làm việc gấp 2 mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Nhấn mạnh giải pháp về hoàn thiện thể chế, pháp luật được Bộ đề xuất, ông Phương cho biết, bám sát vào quan điểm chỉ đạo của Trung ương và chỉ đạo của Thủ tướng đó là thể chế cũng là nguồn lực cho phát triển, coi đó là đột phá, vì vậy cần việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật là yêu cầu cấp thiết, ở đây việc hoàn thiện thể chế pháp luật phải gắn với nhiệm vụ hết sức to lớn trong năm 2025, đó là tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế đối với các dự án đầu tư đang vướng mắc, để làm sao sớm khai thông các nguồn lực bấy lâu nay chúng ta vẫn bị tắc nghẽn, chưa đưa được vào nền kinh tế.

Ông Phương cũng cho rằng, phải tăng cường đầu tư, ở đây động lực về đầu tư rất quan trọng, tác động ngay tức thì đối với tăng trưởng của nền kinh tế. Thứ nhất là đầu tư công, tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công.

“Phiên họp sáng nay, Thủ tướng đã chỉ đạo tiết kiệm chi thường xuyên, giảm các khoản chi không cần thiết, và phấn đấu tỷ trọng chi thường xuyên dưới 60% ngân sách cho đầu tư”, ông Phương nói.

Bên cạnh đó, việc đầu tư công cũng phải gia tăng thêm để có thể triển khai sớm một số dự án quan trọng, điển hình là dự án tuyến đường sắt tiêu chuẩn, kết nối quốc tế phía Bắc, đó là tuyến đường Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, sau đó là các tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn cũng như Hải Phòng - Móng Cái…

Nhóm thứ 2 trong đầu tư đó là đầu tư trong doanh nghiệp Nhà nước, ở đây gắn với quá trình triển khai Nghị quyết 18, các doanh nghiệp Nhà nước sắp tới cũng cần có sự sắp xếp, tạo không gian cũng như cơ hội phát triển của doanh nghiệp, để từ đó thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu đàn, dẫn dắt, có các dự án lớn, lan tỏa trong năm 2025, đóng góp thêm vào tăng trưởng đầu tư.

Nói thêm về đầu tư nước ngoài, ông Phương cho biết, năm 2024, vốn FDI tương đối tốt và cần tiếp tục phát huy trong năm 2025, trong đó có 2 điểm nhấn để thu hút FDI, đó là tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, pháp luật để thu hút dòng vốn này và triển khai ngay các chính sách mà Quốc hội đã cho phép, đặc biệt là triển khai chính sách luồng xanh nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn về công nghệ cao tại các khu công nghệ, khu công nghiệp.

Tiếp đến là thu hút đầu tư tư nhân trong nước, bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gia tăng thêm việc thành lập các doanh nghiệp mới, bên cạnh đó, kết hợp các giải pháp vĩ mô, tháo gỡ, khơi thông thị trường trong nước như: Bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán…

Về xuất khẩu, ông Phương thông tin thêm, trong phiên họp sáng nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng về động lực xuất khẩu, mặc dù dự báo năm 2025 xuất khẩu có thể gặp một số trở ngại liên quan tới chính sách bảo hộ như: Chính sách thuế của Mỹ, nguy cơ rủi ro đối với thị trường thương mại thế giới khi có thể có các cuộc trả đũa lẫn nhau do tăng thuế, vì vậy, cần phải nắm chắc tình hình, phân tích kỹ lưỡng, để làm sao chúng ta không bị ảnh hưởng bởi những khó khăn của thị trường thế giới. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, khơi thông các hiệp định thương mại mới như CEPA…, khai mở thêm các thị trường mới, cùng đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đảm bảo tính kết nối giữa đầu vào - đầu ra, để đảm bảo được đầu ra cho sản xuất và thúc đẩy thị trường trong nước.

Với tiêu dùng, Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tăng sức mua. Báo cáo của Bộ cho thấy, trong tháng 1, tổng mức bán lẻ tiêu dùng đã tăng 9,5%. Mặc dù tháng Tết tiêu dùng tăng cao, nhưng chúng ta sẽ tận dụng nền tảng này để tiếp tục phát huy và phát triển trong các tháng tới và cả năm 2025, đây cũng là động lực hết sức quan trọng đóng góp cho tăng trưởng.

Về phía cung, ông cho rằng, động lực về sản xuất - kinh doanh sẽ phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Nhấn mạnh ở 2 nhóm, đó là nhóm sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, ngoài việc thu hút đầu tư các dự án mới, thì bản thân các dự án hiện hành cũng phải khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh, gia tăng mức độ tăng trưởng.

Đối với khu vực dịch vụ, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc thu hút du lịch, bởi trong năm 2024 đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ ở lĩnh vực du lịch sau đại dịch Covid-19. Đây là đà tốt để Việt Nam có tăng trưởng cao trong năm 2025, bên cạnh việc đẩy mạnh cải tiến các sản phẩm du lịch, Thủ tướng có chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung thêm giải pháp, trong đó có việc thu hút du lịch quốc tế thông qua chính sách thuận lợi hơn về visa có thời hạn cho khách du lịch.

“Ngoài các động lực truyền thống, Thủ tướng cũng chỉ đạo và Bộ đã tiếp thu các giải pháp, đó là thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Hiện nay, Việt Nam đã có vị thế tốt trong bản đồ công nghệ thế giới, như: Công nghệ AI, công nghệ cao khác… đây là lợi thế và cơ hội để chúng ta có thể bứt phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đặc biệt vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 03 để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… là động lực hết sức quan trọng mang tính bền vững dài hạn, và bắt đầu ngay từ năm 2025, tiến tới bước vào giai đoạn 5 năm tiếp theo, hướng tới phát triển 2 con số”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh…

Ngân Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-giai-phap-dot-pha-de-dat-duoc-muc-tieu-tang-truong-8-184239.html