Những hành động gây hủy hoại thận ít ai ngờ

Nếu bạn có thói quen thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn mỗi khi bị nhức đầu, đau cơ, hãy dừng lại vì nó có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận.

 Thận bị tổn thương có thể do nhiều thói quen, lối sống kém lành mạnh. Ảnh minh họa: Fiziologix.

Thận bị tổn thương có thể do nhiều thói quen, lối sống kém lành mạnh. Ảnh minh họa: Fiziologix.

Thận là cơ quan quan trọng của cơ thể có tác dụng lọc chất thải và chất lỏng dư thừa từ máu, đồng thời cân bằng huyết áp và khoáng chất. Bệnh thận mạn tính (CKD) xảy ra khi cơ quan này không hoạt động như bình thường.

Ban đầu, bạn có thể không nhận thấy các dấu hiệu của bệnh thận mạn, nhưng một số người bị CKD phàn nàn về nước tiểu có bọt, mệt mỏi hoặc sụt cân.

Ở giai đoạn nặng hơn, những người mắc bệnh thận mạn có thể gặp khó khăn trong việc tập trung, sưng tấy ở tứ chi hoặc đau nhức cơ bắp.

Chia sẻ với Health Digest, chuyên gia Shahzia A. Lakhani, Giám đốc cấp cao về Giáo dục lâm sàng tại Quỹ Thận Mỹ, thông tin các yếu tố nguy cơ nổi tiếng của bệnh thận mạn là tiền sử gia đình, bệnh tiểu đường và huyết áp cao. Béo phì cũng liên quan đến nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính, vì nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và huyết áp cao.

"Điều mà mọi người có thể không biết là việc sử dụng mạn tính, lâu dài hoặc lạm dụng quá nhiều thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn Ibuprofen hoặc Naproxen, cũng làm tăng nguy cơ mắc hoặc làm trầm trọng thêm bệnh thận mạn do tác động của NSAID lên chức năng thận", chuyên gia này nhận định.

Lý do NSAID gây tổn thương thận

NSAID được ưa chuộng vì giúp loại bỏ cơn đau đầu hoặc giảm đau do chấn thương đầu gối dai dẳng. Một số người có thể dùng Ibuprofen mỗi ngày để kiểm soát cơn đau viêm khớp. Mặc dù được coi là an toàn, NSAID có thể có tác dụng phụ như rối loạn đường tiêu hóa hoặc loét dạ dày.

"NSAID có thể làm giảm lưu lượng máu đến thận, có khả năng dẫn đến tổn thương thận theo thời gian, đặc biệt ở những người mắc các bệnh từ trước như tăng huyết áp hoặc tiểu đường", bà Lakhani cho biết.

Chuyên gia này cũng đề nghị để bảo vệ chức năng thận khi sử dụng NSAID, người bệnh nên dùng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể, tránh kết hợp nhiều loại NSAID và giữ đủ nước.

Liều tiêu chuẩn của Ibuprofen là 1-2 viên 200 mg cứ sau 4-6 giờ với giới hạn hàng ngày là 1.200 mg mỗi ngày. Naproxen natri (như Aleve) có tác dụng giảm đau trong 12 giờ, vì vậy bạn không nên uống quá 2 viên 220 mg trong 8-12 giờ, tối đa 660 mg mỗi ngày trong 24 giờ.

Bà Lakhani khuyến cáo bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về cách kiểm soát cơn đau nếu mắc bệnh thận.

 Lạm dụng thuốc giảm đau không kê đơn là yếu tố rủi ro tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn. Ảnh: Freepik.

Lạm dụng thuốc giảm đau không kê đơn là yếu tố rủi ro tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn. Ảnh: Freepik.

Những thói quen khác gây hại thận

Theo báo cáo năm 2013 trên tạp chí Kidney International Supplements, hút hơn 20 điếu thuốc mỗi ngày cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận, ngay cả ở những người không mắc bệnh tiểu đường.

Ngay cả khi bạn không hút thuốc nhiều, cứ 5 điếu thuốc mỗi ngày sẽ làm tăng đáng kể mức creatinine huyết thanh trong cơ thể. Nồng độ creatinine huyết thanh cao cho thấy chức năng thận của bạn có vấn đề.

Bên cạnh đó, chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) cũng liên quan đến bệnh thận mạn vì OSA có thể làm tăng huyết áp, stress oxy hóa và tình trạng thiếu oxy ở thận.

Bài báo năm 2022 trên tạp chí Frontiers in Nutrition đã xem xét các yếu tố lối sống và nguy cơ mắc bệnh thận ở hơn 470.000 người ở Anh. Kết quả cho thấy những người ăn bánh mỳ trắng, uống hơn 4 tách trà mỗi ngày và ăn thịt chế biến sẵn có nhiều khả năng phát triển bệnh thận mạn hơn. Lối sống lành mạnh bao gồm ăn bánh mỳ nguyên hạt và đi bộ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh thận.

"Ngoài ra, lượng natri cao có thể gián tiếp gây hại cho thận bằng cách góp phần làm tăng huyết áp, làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh thận", chuyên gia Lakhani cho biết.

Mai Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-hanh-dong-gay-huy-hoai-than-it-ai-ngo-post1512562.html