Vì sao Đồng Nai vẫn chưa công bố dịch sởi?
Thời gian gần đây, số ca bệnh sởi tại Đồng Nai diễn biến phức tạp, mỗi tuần ghi nhận đến hàng trăm trường hợp.
Liên quan vấn đề này, Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ chuyên khoa II Lưu Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai xung quanh tình hình dịch sởi trên địa bàn.
+ Phóng viên: Xin ông cho biết tình hình bệnh sởi đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh?
Ông Lưu Văn Dũng: Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 3.000 ca bệnh sởi ở cả 11 huyện, thành phố trong tỉnh; trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, số ca bệnh sởi trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục gia tăng. Thời điểm này năm ngoái, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 3 ca bệnh sởi, không có ca tử vong. Trong khi đó năm nay, tỉnh ghi nhận gần 3.000 ca bệnh sởi.
TP Biên Hòa, huyện Trảng Bom là địa phương có số ca mắc sởi nhiều nhất; tiếp đó là huyện Vĩnh Cửu. Những tuần gần đây, số ca mắc sởi trên toàn tỉnh lên tới vài trăm ca/tuần. Có tuần cao nhất 409 ca. Ngày ghi nhận nhiều ca mắc sởi nhất là ngày 3-11 với 95 ca.
+ Đặc điểm của các ca bệnh sởi (độ tuổi và việc tiêm vắc-xin) ra sao, thưa ông?
- Theo thống kê tới ngày 18-11, số bệnh nhân mắc bệnh sởi từ 1-10 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất với 67,7%, có 8,4% trẻ từ 9 tháng tuổi đến 1 tuổi. Đáng lưu ý, đã ghi nhận 329 ca bệnh dưới 9 tháng tuổi mắc sởi (9 tháng tuổi là tuổi bắt đầu tiêm vắc-xin sởi mũi 1 theo quy định của Bộ Y tế), chiếm tỉ lệ 14,6%. Ngoài ra, ghi nhận hơn 200 trường hợp từ 11 tuổi trở lên mắc sởi, trong đó có 120 bệnh nhân từ 15 tuổi trở lên.
Trong số 2.245 ca mắc sởi tính tới ngày 18-11 trên địa bàn tỉnh thì có 108 ca đã tiêm vắc-xin có thành phần sởi (tỉ lệ 4,8%), có 2.046 ca chưa tiêm vắc-xin sởi (chiếm tỉ lệ 91,5%) và 91 ca không rõ tiền sử tiêm chủng (3,7%).
+ Theo ông, vì sao tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành chiến dịch tiêm sởi nhưng số ca mắc vẫn cao?
- Sau Chiến dịch tiêm vắc - xin sởi có khoảng 80.000 người đã được tiêm, đạt hơn 97% tổng số đối tượng theo đăng ký của các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên số ca mắc vẫn cao.
Qua thống kê, có đến 91,5% số ca mắc bệnh chưa được tiêm vắc-xin, cho thấy vẫn còn sót nhiều đối tượng trong cộng đồng chưa được thống kê danh sách và tiêm vắc-xin sởi trong chiến dịch. Công tác tiêm chủng nói chung và Chiến dịch tiêm sởi nói riêng muốn đạt được hiệu quả cao phải quản lý tốt được đối tượng. Từ đó, có cơ sở để lên kế hoạch bố trí lịch tiêm, số lượng, nhu cầu vắc-xin. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát đối tượng để tiêm vào những đợt tiếp theo.
+ Sở Y tế có khuyến cáo gì tới người dân và giải pháp giảm bệnh sởi trong thời gian tới?
- Người dân cần quan tâm theo dõi sát tình hình sức khỏe của người thân trong gia đình, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. Nếu nhận thấy trẻ có những dấu hiệu của bệnh sởi như sốt, nổi ban… cần cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi gây suy hô hấp, nhiễm trùng đường ruột, viêm tai giữa…
Bệnh sởi nếu nặng sẽ tốn nhiều chi phí điều trị và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Những trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên nếu chưa tiêm đủ 2 liều vắc-xin sởi cần được đưa đi tiêm đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chúng tôi mong người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, nhất là thời điểm giao mùa như hiện nay để bảo vệ sức khỏe chính mình và cộng đồng.
Ngành y tế sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, dự phòng, chuẩn bị đầy đủ hậu cần như vắc-xin, chuẩn bị tổ chức tiêm vắc-xin cho những đối tượng chưa có miễn dịch. Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa chất lượng khám, điều trị bệnh để hạn chế tối đa số ca bệnh nặng và tử vong do sởi.
Ngành y tế mong nhận được sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và từ chính người dân để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả tốt nhất.
+ Dù địa phương đã xuất hiện 2 ca tử vong và số ca mắc liên tục tăng cao nhưng tỉnh Đồng Nai vẫn chưa công bố dịch sởi, lý do vì sao thưa ông?
- Sởi là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Theo quy định của Luật Phòng, Chống bệnh truyền nhiễm, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C.
Theo quy định, một xã được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ trong 3 năm gần nhất. Một huyện được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên. Một tỉnh được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên. Đối chiếu với tình hình dịch bệnh hiện nay trên địa bàn tỉnh, số ca mắc sởi rải đều ở 11 huyện, thành phố và 154 xã, phường, thị trấn. Từ thực tiễn trên, Sở Y tế đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công bố dịch sởi trên quy mô toàn tỉnh Đồng Nai.
Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế tập trung các biện pháp trong phòng bệnh và chữa bệnh sởi cho người dân. Hiện Sở Y tế đang chờ lãnh đạo UBND tỉnh xem xét và quyết định.
Hai trường hợp tử vong do sởi
Đối với trường hợp tử vong đầu tiên là bé trai H.T.H. (8 tuổi, ngụ TP Biên Hòa), ngày 15-11, gia đình đưa bé đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, được chẩn đoán bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi, cần nhập viện điều trị.
Sau nhập viện 3 giờ (bé đã được chích 1 cữ cefotaxim), người nhà xin cho bé xuất viện. Bé về nhà còn sốt, ho, khó thở tăng dần, người nhà cho uống nước gừng, không đi khám.
Sáng 18-11, người nhà phát hiện bé H. tím tái, gọi không trả lời nên đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng ngưng hô hấp tuần hoàn, hôn mê sâu, môi tím, nồng độ oxy trong máu không đo được, mạch và huyết áp bằng 0, hồng ban rải rác toàn thân, chấm xuất huyết rải rác vùng mặt, đồng tử 2 bên giãn, cứng cơ hàm.
Sau cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn 50 phút, bé H. được xác định tử vong ngoại viện do bệnh sởi biến chứng viêm phổi nặng.
Trường hợp thứ 2 là bé trai 3 tuổi tên T.M.T.N. (ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) tử vong nghi do sởi biến chứng.
Theo gia đình, ngày 23-11, bé bị sốt, không đau ngực, đau bụng, ho ít, đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai được chẩn đoán sởi, bác sĩ cho thuốc về theo dõi. Bệnh nhi tái khám vào các ngày 25 và 28-11.
Đến sáng 29-11, bé ho nhiều, khò khè, khó thở, lừ đừ, được người nhà đưa đi viện. Trên đường đi bé khó thở, hụt hơi, sau đó hôn mê. Lúc 9 giờ 41 phút, tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, bệnh nhi không tự thở, mất mạch cảnh, đồng tử 2 bên giãn, phát ban toàn thân… Các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành hồi sinh tim phổi nâng cao cho bệnh nhân, tích cực cứu chữa nhưng bệnh nhân ngưng thở, đồng tử 2 bên giãn, không có phản xạ ánh sáng, mạch và huyết áp bằng 0.
Đến 10 giờ 40 phút, các bác sĩ xác định bệnh nhân tử vong, ngưng y lệnh hồi sức tim phổi. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi tử vong ngoại viện chưa rõ nguyên nhân, nghi do sởi biến chứng dẫn đến viêm cơ tim, viêm não.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vi-sao-dong-nai-van-chua-cong-bo-dich-soi-196241130102138275.htm