Những hình ảnh cổ xúy sinh con tại nhà thuận tự nhiên - Vô trách nhiệm với sinh mạng con người!
Trên mạng xã hội Facebook đang phổ biến tìm kiếm từ khóa 'mây đã khóc' sau khi một tài khoản đăng tải những hình ảnh một người phụ nữ sinh con tại nhà theo trào lưu sinh con thuận tự nhiên.
1. Câu chuyện sinh con tại nhà gây sốc
Nội dung
1. Câu chuyện sinh con tại nhà gây sốc
2. Từng có gia đình từ chối cấp cứu sản phụ nguy kịch để sinh con thuận tự nhiên
3. Những rủi ro nghiêm trọng khi sinh con tại nhà
4. Làm sao để giảm tai biến sản khoa?
Trong khi ngày càng nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số nhận thức được tầm quan trọng của việc thăm khám thai định kỳ và sinh con tại cơ sở y tế để bảo đảm an toàn cho mẹ và bé thì đâu đó ở thị thành lại xuất hiện trào lưu cổ xúy sinh con tại nhà.
Mạng xã hội Facebook đang xôn xao sau khi một tài khoản đăng tải những hình ảnh một người phụ nữ sinh con tại nhà. Nội dung của bài viết mang tính chất cổ xúy và tán thưởng hành động sinh con thuận tự nhiên tại nhà và không vx (vaccine?).
Nội dung có đoạn "… M đang ước từ nay tất cả các mẹ đều sinh con giống tổ tiên của chúng mình khi chưa xuất hiện bv để những đứa trẻ không phải ra đời trong vòng tay của người xa lạ. Chị chúc mừng vợ chồng em và chào mừng cậu bé an lành (cả mẹ và con không một giọt sữa công thức, không một mũi vx)…"
Kèm theo bài viết nói trên là nhiều hình ảnh một phụ nữ ngồi trong bồn gỗ có nước màu đỏ tay bế trẻ sơ sinh, bên cạnh có 2 người phụ nữ tay không đeo găng đang trợ giúp. Hình ảnh khác chụp thai phụ đang nằm cạnh em bé và sát đó là nhau thai được đặt trên một tấm lót y tế.
Bình luận về sự việc này tài khoản Hanh Tran bức xúc chia sẻ: "Ngành y tế đã nỗ lực rất nhiều trong hàng chục năm qua để giảm tỷ suất tử vong cho sản phụ và trẻ sơ sinh mà không hiểu tại sao ngay Hà Nội lại có người đi tuyên truyền đẻ tại nhà và hàng ngàn người nghe theo như thế này! Rất mong những thông tin tuyên truyền độc hại ảnh hưởng đến tính mạng người khác như thế này phải sớm bị xử lý nghiêm."
Một tài khoản có tên Thanh Hoàn tâm sự: "Bản thân mình sinh bé đầu không đau, không dấu hiệu gì nhưng đến ngày dự sinh nên vào viện theo dõi. May mà ở luôn trong viện, ngày đo tim thai 3 lượt mới phát hiện ra bị suy thai, mổ cấp cứu gấp. Khi mổ ra, con bé đã mặt tím tái rồi. Cửa sinh là cửa tử, tốt nhất là đừng mang sinh mạng của mình và con ra đùa."
Trước sự việc này, BS. Nguyễn Đình Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết: Các bà mẹ mang thai được chăm sóc, thăm khám, đỡ đẻ bởi bàn tay của các thầy thuốc được đào tạo bài bản nhưng hàng năm vẫn có nhiều ca tử vong do tai biến sản khoa. Việc tuyên truyền sinh con thuận tự nhiên rồi chia sẻ, lan tỏa trên mạng xã hội cần được lên án. BS Nguyễn Đình Anh cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xử lý nghiêm và mọi người cần cảnh tỉnh trước thực tế này.
2. Từng có gia đình từ chối cấp cứu sản phụ nguy kịch để sinh con thuận tự nhiên
Từ rất lâu, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) đã có công văn về việc đẩy mạnh truyền thông để đảm bảo an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh sau khi xảy ra một trường hợp sản phụ tại Đà Nẵng phải đến viện cấp cứu vì "sinh con thuận tự nhiên" nhưng lại khước từ mọi chăm sóc y tế.
Năm 2019, theo báo cáo của Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, có một sản phụ sinh con tại nhà, không có cán bộ y tế hỗ trợ, bị rách tầng sinh môn, sót rau được bệnh viện tiếp nhận từ cấp cứu 115. Tại bệnh viện, các cán bộ y tế đã khám và tư vấn cho sản phụ các can thiệp y tế cần thiết (kiểm soát buồng tử cung, khâu tầng sinh môn, thuốc, vaccine cho mẹ và con) nhưng đều bị gia đình từ chối để sinh con thuận tự nhiên, gia đình cũng ký cam kết đề nghị bệnh viện không can thiệp kỹ thuật y tế trên mẹ và bé.
Chia sẻ về điều này, BS. Diêm Thanh Thủy - BV Phụ sản Hà Nội nhận định, việc sinh thuận theo tự nhiên như trên mạng internet đang lan truyền là một hình thức đưa con người về thời kỳ mông muội. Những tai biến sản khoa luôn rình rập và có thể cướp đi sinh mạng của mẹ và con bất cứ lúc nào nếu chúng ta sơ xuất chứ chưa nói đến việc không được kiểm soát.
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, việc sinh con tại nhà là phản khoa học, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh như băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm khuẩn… thậm chí gây tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh nếu không có sự theo dõi, hỗ trợ của cán bộ y tế.
3. Những rủi ro nghiêm trọng khi sinh con tại nhà
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Tỷ lệ tử vong bà mẹ cao đến mức không thể chấp nhận được. Khoảng 287.000 phụ nữ tử vong trong và sau khi mang thai và sinh con vào năm 2020. Gần 95% tổng số ca tử vong mẹ xảy ra ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và thấp vào năm 2020 và hầu hết đều có thể ngăn ngừa được.
WHO cũng cho biết, phụ nữ tử vong do các biến chứng trong và sau khi mang thai, khi sinh nở. Hầu hết các biến chứng này phát triển trong thời kỳ mang thai và đa số có thể phòng ngừa hoặc điều trị được. Các biến chứng khác có thể tồn tại trước khi mang thai nhưng trở nên trầm trọng hơn trong thời kỳ mang thai, đặc biệt nếu không được quản lý như một phần trong quá trình chăm sóc của người phụ nữ. Các biến chứng chính chiếm gần 75% tổng số ca tử vong mẹ là :
Chảy máu nặng (chủ yếu là chảy máu sau khi sinh);
Nhiễm trùng (thường là sau khi sinh con);
Huyết áp cao khi mang thai (tiền sản giật và sản giật);
Biến chứng do sinh nở;
Phá thai không an toàn.
4. Làm sao để giảm tai biến sản khoa?
WHO cho biết, hầu hết các trường hợp tử vong mẹ đều có thể phòng ngừa được vì các giải pháp chăm sóc sức khỏe nhằm ngăn ngừa hoặc kiểm soát các biến chứng đều đã được biết rõ.
Tất cả phụ nữ đều cần được tiếp cận dịch vụ chăm sóc chất lượng cao trong thai kỳ, trong và sau khi sinh con. Sức khỏe bà mẹ và sức khỏe trẻ sơ sinh có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Điều đặc biệt quan trọng là tất cả các ca sinh đều phải có sự tham gia của các chuyên gia y tế có tay nghề cao, vì việc quản lý và điều trị kịp thời có thể tạo ra sự khác biệt giữa sự sống và cái chết cho người phụ nữ cũng như trẻ sơ sinh.
Chảy máu nghiêm trọng sau khi sinh có thể giết chết một phụ nữ khỏe mạnh trong vòng vài giờ nếu không được chăm sóc. Tiêm oxytocics ngay sau khi sinh giúp giảm nguy cơ chảy máu một cách hiệu quả.
Nhiễm trùng sau khi sinh có thể được loại bỏ nếu thực hành vệ sinh tốt và nếu các dấu hiệu nhiễm trùng sớm được nhận biết và điều trị kịp thời.
Tiền sản giật cần được phát hiện và xử lý thích hợp trước khi xuất hiện cơn co giật (sản giật) và các biến chứng đe dọa tính mạng khác.