Những hình ảnh đặc sắc tại 'Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc'
'Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc' được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) từ ngày 12-13/2. Với sự tham gia của hơn 200 đồng bào của 24 cộng đồng dân tộc, đến từ 15 tỉnh/thành phố đại diện cho các dân tộc, vùng miền trên cả nước.
Ngày 12/2, tại làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” và Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2022. Đây là hoạt động văn hóa hấp dẫn và ý nghĩa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Theo ghi nhận, rất nhiều du khách đã đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động văn hóa tại "Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc". Cùng nhìn lại những hình ảnh ấn tượng nhất của sự kiện qua những hình ảnh của phóng viên báo Nhà báo và Công luận:
Để vào được bên trong Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, du khách phải di chuyển bằng xe điện để dễ dàng tìm hiểu, khám phá những nét đặc sắc trong văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội, ẩm thực và sản vật của đồng bào 54 dân tộc thiểu số được quy tụ tại nơi đây. Ảnh: Đình Trung
Du khách đến tham quan, trải nghiệm nét văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam tại Làng Văn hóa và Du lịch ngày 12/2. Ảnh: Đình Trung
Du khách từ mọi miền sẽ được trải nghiệm mọi nét văn hóa của 54 dân tộc, những mẫu nhà cổ, đầu tiên là mẫu nhà rông của dân tộc Bana (Tây Nguyên) với dân số xấp xỉ gần 300 nghìn người. Ảnh: Đình Trung
Một nhóm du khách chụp ảnh lưu niệm bên mẫu nhà truyền thống của người dân tộc Bana (Tây Nguyên)
Mẫu nhà truyền thống của người dân tộc Thái tại Làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Đình Trung
Nhà truyền thống của dân tộc TÀ ÔI. Ảnh: Đình Trung
Một số mẫu nhà truyền thống của dân tộc khác...
Ngoài tham quan những mẫu nhà truyền thống các dân tộc thiểu số tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, du khách còn được trải nghiệm một số hoạt động vui chơi giải trí thú vị mang đậm bản sắc dân tộc như đánh đu, đánh quay, đánh khăng, ném còn. Đồng thời, du khách còn được khám phá không gian thờ cúng và trang phục truyền thống của một số dân tộc như Bana, Thái, Mường, TÀ ÔI...
Ngoài ra, đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, du khách còn được trải nghiệm những nét kiến trúc cổ của người Chăm, quần thể tháp Chăm (gồm 3 tháp: tháp trung tâm - tháp chính, tháp cổng và tháp hỏa, đây được coi là một trong những điểm nhấn trong tổng thể khu các làng dân tộc III, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Đình Trung
Cận cảnh kiến trúc cổ người Chăm chân thật, độc đáo với lối kiến trúc hoàn hảo
Một vài du khách tham quan chụp ảnh lưu niệm tại quần thể tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Đình Trung
Ngoài ra, du khách còn được chứng kiến một số hiện vật như gạch cổ để dùng xây dựng tháp Chăm. Ảnh: Đình Trung
Một số hiện vật khác được bảo vệ an toàn trong lồng kính...
Trước đó, vào sáng 12/2, tại lễ khai mạc, đại diện Đoàn nghệ nhân dân tộc Châu Ro tỉnh cũng đã tặng quà lưu niệm cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Ban Quản lý Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.
Trong hai ngày 12-13/2, Đoàn nghệ thuật dân tộc Châu Ro tỉnh tham gia biểu diễn 3 chương trình với 9 tiết mục ca múa, nội dung ca ngợi về Đảng, về Bác và về mùa xuân. Các tiết mục văn nghệ đặc sắc này do các nghệ nhân dân tộc Châu Ro thể hiện được Chủ tịch nước và Ban tổ chức đánh giá cao, mang đến sự thích thú cho khán giả và cộng đồng các dân tộc anh em khác. Ảnh: Đình Trung
Một tiết mục biểu diễn của Đoàn nghệ nhân dân tộc Châu Ro tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Đình Trung
Tiết mục biểu diễn của nghệ nhân Lý Thị Nhiễn (xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) thể hiện điệu hát Chị Ru Em của người dân tộc Châu Ro đặc sắc, ấn tượng nhất buổi biểu diễn. Ảnh: Đình Trung
Tham gia ngày hội, người dân và du khách còn được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian khác, thưởng thức văn hóa ẩm thực ngày Tết của đồng bào dân tộc thiểu số; Đồng thời hòa vào cảnh sắc thiên nhiên qua các không gian sắp đặt với hoa cải, hoa đào, hoa mận… Cùng với chuỗi các hoạt động phục hồi, tái hiện các nghi lễ, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó giúp du khách hiểu thêm về những giá trị, nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc đã có từ ngàn đời nay. Ảnh: Đình Trung