Những kết quả bước đầu trong thực hiện chuyển đổi số (kỳ 3)

Những kết quả đáng ghi nhận trong chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh hiện mới ở mức độ bước đầu; các nhà quản lý và cơ quan chuyên môn đều xác định chặng đường CĐS của tỉnh còn rất dài. Vì vậy, tỉnh tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gia tăng đồng bộ các chương trình, biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tập trung thực hiện hiệu quả các phần việc liên quan. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

(Tiếp theo và hết)

Kỳ 3: Những vấn đề cần quan tâm

Những kết quả đáng ghi nhận trong chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh hiện mới ở mức độ bước đầu; các nhà quản lý và cơ quan chuyên môn đều xác định chặng đường CĐS của tỉnh còn rất dài. Vì vậy, tỉnh tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gia tăng đồng bộ các chương trình, biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tập trung thực hiện hiệu quả các phần việc liên quan.

Chuyển đổi số giúp Công ty Cổ phần Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy thuận lợi phát triển chuỗi giá trị.

Chuyển đổi số giúp Công ty Cổ phần Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy thuận lợi phát triển chuỗi giá trị.

Xếp hạng chỉ số đánh giá CĐS (DTI) năm 2021 của tỉnh vẫn giữ vị trí 11 như năm 2020 trên bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, phân tích cụ thể thì một số chỉ số thành phần của tỉnh chưa cao. Cụ thể các chỉ số: nhận thức số xếp thứ 45/63, an toàn thông tin mạng xếp thứ 31/63, hạ tầng số xếp thứ 20/63. Tính trên điểm tổng thể, cả 3 trụ cột chính của tỉnh đều hạ bậc so với năm 2020, cụ thể là: chính quyền số xếp thứ 17/63, hạ 3 bậc; xã hội số (XHS) xếp thứ 21/63, hạ 16 bậc; kinh tế số (KTS) xếp thứ 26/63, hạ 2 bậc. Soi chiếu những điểm yếu cần khắc phục trên kết quả xếp hạng DTI cho thấy: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến cấp độ 4 còn thấp. Hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh đã từng bước được nâng cấp đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành an toàn, thông suốt. Tuy nhiên, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của tỉnh còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển các công nghệ hiện đại như internet vạn vật (IoT), thành phố thông minh, phương tiện tự động, sản xuất thông minh; việc tiếp cận dịch vụ cáp quang băng rộng ở nông thôn còn hạn chế. Hệ thống hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung, quy mô toàn tỉnh, kết nối toàn quốc tạo nền tảng cho KTS còn phân tán, thiếu, chưa được chuẩn hóa và đồng bộ. Hạ tầng thanh toán số cũng chưa đồng bộ, chưa tận dụng được các hạ tầng chung, độ phủ chưa lớn. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu vẫn là điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ. Bên cạnh đó, mặc dù người đứng đầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt đến các sở, ngành, đơn vị, tuy nhiên vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự hiểu về CĐS, lúng túng trong xây dựng kế hoạch hành động; một số sở, ngành, địa phương chưa vào cuộc tích cực trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về CĐS tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Để tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy CĐS nhằm khai mở giá trị mới, mang lại lợi ích cho xã hội, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền phải tiếp tục bám sát quan điểm chỉ đạo của BCH Đảng bộ tỉnh trong Nghị quyết số 09-NQ/TU; đồng thời theo sát các chương trình, kế hoạch liên quan đến CĐS tỉnh ban hành mới theo diễn biến, nhu cầu đòi hỏi từ thực tiễn; mọi nhiệm vụ CĐS đều hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp. Từ nay đến năm 2025, tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật trong từng ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu của phát triển KTS, XHS của tỉnh; chú trọng xây dựng các chính sách để nâng tỷ lệ hoạt động trực tuyến chiếm tối thiểu 50% các hoạt động trong mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, ngành, lĩnh vực. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu rõ sự cần thiết, tính cấp thiết của CĐS; CĐS không phải là việc riêng của chính quyền mà tất cả đều phải chung tay tham gia vào quá trình CĐS để mang lại hiệu quả cao. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về CĐS; có giải pháp thu hút nguồn nhân lực kỹ thuật số chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu CĐS; khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo nhân lực, xây dựng một số trung tâm giáo dục, đào tạo về công nghệ.

Tiếp tục huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, hiện đại; tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp có đủ năng lực xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ CĐS. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối số cho người dân; đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng thông rộng đến tất cả các thôn, tổ dân phố, khu vực dân sinh; tăng nhanh tỷ lệ người dùng internet, đặc biệt ở khu vực nông thôn; tăng dung lượng kết nối và nâng cao chất lượng dịch vụ mạng, phủ sóng chất lượng ở các vùng “trắng”, vùng lõm về kết nối mạng băng thông rộng; triển khai nền tảng địa chỉ số, bản đồ số tạo hạ tầng mềm cho phát triển KTS và XHS. Triển khai chiến lược, lộ trình số hóa và thông minh hóa các lĩnh vực hạ tầng thiết yếu khác phục vụ KTS và XHS gồm: bưu chính, giao thông, cung cấp điện, thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, đô thị, khu công nghiệp, thương mại, công nghiệp và năng lượng, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch.

Để phát triển chính quyền số, các cơ quan, đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ số trong công tác chỉ đạo, điều hành; tập trung triển khai số hóa hồ sơ, dữ liệu; chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; đẩy mạnh họp trực tuyến, họp không văn bản giấy. Phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan Nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên thiết bị di động thông minh để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí. Đặc biệt, phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cập nhật dữ liệu, số hóa cơ sở dữ liệu dùng chung theo lĩnh vực cần ưu tiên CĐS để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như cơ sở dữ liệu quốc gia thuộc các lĩnh vực liên quan (kinh doanh, tài chính, bảo hiểm, xây dựng, đất đai, môi trường, tư pháp...). Tập trung xây dựng đô thị thông minh theo hướng triển khai xây dựng, phát triển một số dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh như: hệ thống giám sát an ninh thông minh, giao thông thông minh, số hóa các lĩnh vực tài nguyên, môi trường, giáo dục, y tế, du lịch... phấn đấu đến năm 2030 thành phố Nam Định là thành phố văn minh, hiện đại. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 để tăng tỷ lệ hồ sơ phát sinh trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cần đẩy mạnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 5-8-2022 về triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển KTS và XHS giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực gồm: nông nghiệp và nông thôn, y tế, giáo dục và đào tạo, lao động, việc làm và an sinh xã hội, thương mại, công nghiệp và năng lượng, văn hóa, thể thao và du lịch, tài nguyên và môi trường. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng, đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phục vụ công tác CĐS, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).

Bằng việc tăng cường các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chắc chắn tỉnh sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 09-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về CĐS tỉnh, phấn đấu đến năm 2030 Nam Định cơ bản hoàn thành CĐS gắn với các dịch vụ đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với Trung ương và hệ thống các đô thị thông minh trên toàn quốc./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202209/tac-pham-tham-du-giai-bao-chi-bua-liem-vang-lan-thu-vii-2022-nhung-ket-qua-buoc-dau-trong-thuc-hien-chuyen-doi-so-ky-3-2552898/