Những khó khăn của doanh nghiệp và hướng giải quyết

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp Đắk Nông đang gặp 4 vấn đề khó khăn lớn, gồm: nguồn vốn; cơ chế chính sách; trình độ quản trị; nguồn lao động. Liên quan đến những vấn đề này, Phóng viên Báo Đắk Nông tổng hợp các ý kiến về hướng giải quyết của một số người trong cuộc.

DOANH NGHIỆP VÀ NGÂN HÀNG CẦN CÓ SỰ GẮN KẾT HƠN

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười yêu cầu, thời gian tới, giữa doanh nghiệp, chính quyền và ngân hàng cần có sự kết nối chặt chẽ với nhau. Thông qua kết nối, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động được nắm bắt, xử lý kịp thời.

 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười

Các ngân hàng cần thay đổi, linh hoạt trong cách nghĩ, cách làm theo hướng chủ động tìm kiếm khách hàng, nhất là các doanh nghiệp. Việc tiếp cận những doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua các dự án lớn đã, đang triển khai cũng cần được các tổ chức tín dụng chủ động hơn nữa. Để từ đó đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, để chia sẻ khó khó khăn với doanh nghiệp liên quan đến tài sản thế chấp, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh các thủ tục hành chính trong việc cấp, phê duyệt giấy phép các dự án.

Đối với các quyền sử dụng đất có biến động thông tin, UBND tỉnh cần có cơ chế, quy định riêng, tạo điều kiện cho cả ngân hàng, doanh nghiệp, người dân trong quá trình giao dịch.

 Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh

Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh

Về phía ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài những chính sách hỗ trợ doanh ngiệp nhỏ và vừa về lãi suất, các ngân hàng sẽ ưu tiên về hạn mức nguồn vốn, kỳ hạn vay đối với những đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn; xuất, nhập khẩu. Những doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tài chính minh bạch, các ngân hàng thương mại sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về nguồn vốn để phục vụ sản xuất.

Thời gian, thủ tục thẩm định hồ sơ sẽ được các tổ chức tín dụng rút ngắn, nhằm từng bước tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình vay. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả kịp thời, nhanh chóng các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19 như: cơ cấu nợ, giãn nợ, cho vay mới…

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương Tín (Sacombank) Chi nhánh Đắk Nông cho biết, về vấn đề tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, tài sản trên đất, hay kho hàng của doanh nghiệp hiện đang còn nhiều vướng mắc.

 Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sacombank Chi nhánh Đắk Nông

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sacombank Chi nhánh Đắk Nông

Theo quy định, tài sản khi thế chấp vào ngân hàng phải có giấy phép rõ ràng. Tuy nhiên, thủ tục, giấy tờ để doanh nghiệp hoàn thiện cấp giấy phép tài sản trên đất còn khó khăn, nên ngân hàng không thể cho vay.

Do đó, tỉnh và ngành chức năng cần có sự hỗ trợ doanh nghiệp khi họ thực hiện các thủ tục cấp chứng nhận về tài sản, đất đai. Nếu được hỗ trợ, ngân hàng sẵn sàng cho doanh nghiệp thế chấp các tài sản để vay vốn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Chính, Công ty TNHH Chính Nghĩa (Gia Nghĩa), doanh nghiệp rất cần vốn để kinh doanh. Việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại hiện nay còn rất khó khăn.

 Ông Nguyễn Ngọc Chính, Giám đốc Công ty TNHH Chính Nghĩa

Ông Nguyễn Ngọc Chính, Giám đốc Công ty TNHH Chính Nghĩa

Nhiều trường hợp dù vay được vốn, nhưng hạn mức không nhiều, kỳ hạn vay ngắn. Doanh nghiệp trong tỉnh vẫn phải đi tìm các tổ chức tín dụng ngoài tỉnh để vay vốn. Do đó, doanh nghiệp rất cần tỉnh, ngành chức năng, các đơn vị tín dũng hỗ trợ giải quyết khó khăn về "bàn toán nguồn vốn".

CẦN THÊM CÁC CHÍNH SÁCH “TRỢ LỰC” CHO DOANH NGHIỆP

Theo bà Phan Thị Thùy Dung, Phó Giám đốc Công ty Honda Tiến Phát (Đắk R’lấp), chưa bao giờ doanh nghiệp gặp khó như lúc này. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ngưng trệ.

Vốn ít, kinh nghiệm quản lý, khả năng thích ứng với những thay đổi từ thị trường chưa nhiều… Vì vậy, để vượt qua đại dịch, song song với việc ổn định nền kinh tế, tôi thấy rằng, các chính sách hỗ trợ cần hướng đến nhiều hơn những doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh, nhất là ở khu vực nông thôn.

 Bà Phan Thị Thùy Dung, Phó Giám đốc Công ty Honda Tiến Phát (Đắk R’lấp)

Bà Phan Thị Thùy Dung, Phó Giám đốc Công ty Honda Tiến Phát (Đắk R’lấp)

Đặc biệt là những chính sách liên quan tới vốn, thủ tục hành chính, miễn giảm thuế… cần được tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Việc thực hiện hỗ trợ kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng vận hành trở lại, tiếp tục đóng góp cho ngân sách, duy trì đời sống người lao động.

Theo ông Nguyễn Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ, việc triển khai thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ sẽ là "bước đệm" cần thiết để doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.

Theo đó, tỉnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19. Trước tiên, UBND tỉnh cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính. Qua đó bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước.

 Ông Nguyễn Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ

Ông Nguyễn Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ

Tỉnh cần sớm thành lập Tổ chuyên theo dõi, hỗ trợ thủ tục pháp lý, quản lý về các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Điều này sẽ giúp các đơn vị ngoài tỉnh thuận lợi khi về đầu tư tại địa phương.

Song song với đó, tỉnh nên tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp tại địa phương được tham gia, nhận thầu các dự án đầu tư vốn ngân sách Nhà nước và vốn ngoài ngân sách.

Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, thời gian qua, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân cơ chế, chính sách chưa tốt, nên hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn chưa đạt nhiều kết quả như mong đợi.

 Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh

Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh

UBND tỉnh đã nhận thấy được những vấn đề này và đã đề nghị các sở, ngành chức năng tập trung xử lý, tháo gỡ các cơ chế chính, sách. Trong đó, việc tháo gỡ cần tập trung vào các khâu như: vướng mắc về đất đai, môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính...

"Cái gì làm được chúng ta cùng xắn tay vào làm để giúp doanh nghiệp có môi trường phát triển một cách hiệu quả, thuận lợi nhất", ông Chiến nhấn mạnh.

GIẢI PHÁP NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ QUẢN TRỊ CHO DOANH NGHIỆP

Theo ông Ngô Tùng Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông, so với mặt bằng chung của cả nước, trình độ quản trị doanh nghiệp của Đắk Nông vẫn còn nhiều hạn chế.

Nhiều doanh nghiệp vẫn bị "mắc kẹt" trong quy trình làm việc lỗi thời, kém hiệu quả. Họ chưa tiếp cận được giải pháp phù hợp để tăng năng suất, giải phóng nguồn lực cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo ra doanh thu.

 Ông Ngô Tùng Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Ông Ngô Tùng Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Khi vướng phải một vấn đề liên quan tới pháp lý, nhiều doanh nghiệp thường lúng túng. Ngay cả kế toán, nhiều doanh nghiệp cũng đang phải thuê từ bên ngoài...

Cũng chính từ sự thiếu hụt kiến thức, kỹ năng quản lý, dẫn tới công tác quản trị thương hiệu, đầu tư, nhân sự, marketing... của doanh nghiệp chưa thực sự bài bản. Những hạn chế đó đang cản trở sự phát triển của chính các doanh nghiệp và tỉnh cần có giải pháp hỗ trợ.

Theo ông Lê Văn Thị, Giám đốc Sở Công thương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ, thiếu chiến lược kinh doanh, sản xuất dài hạn. Kinh nghiệm và kỹ năng trong giao dịch đối ngoại của các doanh nghiệp chưa nhiều, nên dễ bị "tổn thương" trên thị trường...

Thời gian tới, ngành Công thương sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp để nâng cao trình độ quản trị. Đơn vị sẽ tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn để giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trang bị thêm nhiều kiến thức về quản lý.

 Ông Lê Văn Thị, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Nông

Ông Lê Văn Thị, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Nông

Sở Công thương tiếp tục tổ chức các hoạt động như: hội chợ, triển lãm, hội thảo… để giúp doanh nghiệp tiếp cận với tư duy quản trị mới, cách làm sáng tạo.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ có khả năng hoạch định chiến lược kinh doanh, năng động, nhạy bén, thích nghi tốt hơn với sự thay đổi của thị trường.

Ông Phạm Đình Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Có 3 vấn đề quản trị mà các doanh nghiệp ở Đắk Nông còn yếu và cần thay đổi trong thời gian tới, đó là: quản trị chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh; quản trị tài chính và quản trị nguồn nhân lực.

 Ông Phạm Đình Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Ông Phạm Đình Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị. Chúng tôi cũng tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ quy hoạch, lập kế hoạch và đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đào tạo năng lực quản trị cho các doanh nghiệp một cách phù hợp...

ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG CẦN THEO NHU CẦU THỊ TRƯỜNG

Theo ông Nguyễn Chí Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ, phần lớn lao động trên địa bàn tỉnh là lao động phổ thông. Họ có trình độ kỹ thuật, tay nghề thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều doanh nghiệp.

Mặt khác, lao động trên địa bàn tỉnh thường có nhiều biến động. Các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, đãi ngộ người lao động. Tuy nhiên, nhiều thời điểm, tình trạng nguồn lao động không ổn định, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

 Ông Nguyễn Chí Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ

Ông Nguyễn Chí Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ

Thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ về đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động. Qua đó nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Ninh Công Dũng, Phó Trưởng Phòng Lao động - Việc làm – Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH) cho biết: Tỉnh Đắk Nông có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ bản đáp ứng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường. Thế nhưng, các đơn vị đào tạo nghề cũng cần phải chú trọng đầu tư trang thiết bị để đào tạo những gì thị trường cần.

Việc đào tạo nghề cần liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Khi công tác đào tạo nghề có chất lượng sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho lao động.

 Ông Ninh Công Dũng, Phó Trưởng Phòng Lao động - Việc làm – Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH)

Ông Ninh Công Dũng, Phó Trưởng Phòng Lao động - Việc làm – Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH)

Sở LĐTBXH đang trình HĐND tỉnh các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động có trình độ từ trung cấp trở lên. Trong đó, chúng tôi chú trọng ưu tiên các đối tượng chính sách, hoàn cảnh khó khăn. Đơn vị cũng đang tham mưu UBND tỉnh có chính sách đặc thù trong công tác đào tạo lao động...

Ông Nguyễn Hữu Lành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông cho rằng: Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông đang tập trung đào tạo các loại hình nghề để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, phục vụ thị trường lao động có tay nghề cao.

 Ông Nguyễn Hữu Lành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông

Ông Nguyễn Hữu Lành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông

Hiện nay, chúng tôi đang tập trung đào tạo nghề cho nhu cầu phục vụ khai tác alumin, luyện nhôm, khai thác năng lượng tái tạo... trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và thời gian sau đó.

Hướng phát triển chung của trường là hòa nhập vào xu thế quốc tế. Nhà trường chú trọng đào tạo kỹ năng cho người lao động để nâng cao ý thức kỷ luật trong lao động. Hiện nay, nhà trường đang liên kết với các công ty, doanh nghiệp để đào tạo lao động theo địa chỉ...

Nhóm phóng viên

2,247

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/nhung-kho-khan-cua-doanh-nghiep-va-huong-giai-quyet-89520.html