Những lọn khói mắc mưa

Về quê mùa mưa gặp khói là tôi lại bần thần, ngẩn ngơ, đứng một mình thật im rồi khẽ khàng hít mùi khói trong mưa cho đẫy, căng tràn lồng ngực.

Ảnh internet

Ảnh internet

Tôi trở về quê nhà đúng vào ngày mưa đang lắc rắc. Buổi sáng khi đang tận hưởng giấc ngủ nướng tôi bị đánh thức bởi mùi khói. Dẫu chưa nhìn nhưng đầu tôi cũng đã mường tượng được khói đang tỏa ra từ gian bếp cũ kỹ, nơi mẹ đang cặm cụi nấu bữa ăn sáng cho cả nhà. Tôi bước ra bậc thềm nơi gian nhà chính rồi dõi mắt xuống gian bếp cũ, từng lọn khói trắng chờn vờn bay lên trong mưa. Những lọn khói mắc mưa, tôi chợt mỉm cười khi nhớ lại thuở ấu thơ tôi đã từng nói như vậy với cả nhà.

Ngoài trời mưa vẫn đang lắc rắc rơi, từng giọt khẽ khàng. Có lẽ đây là đợt mưa cuối cùng của mùa thu. Mưa mùa thu luôn khiến cho người ta có cảm giác tan mềm đi trong mọi khoảnh khắc, vạn vật cứ bình yên chậm rãi hòa quyện, lưu luyến không rời. Mưa không ào ạt, không xối xả nên cũng tạo “điều kiện” cho khói được ngẩng đầu bay lên trong mưa. Tôi nhớ từ hồi gian bếp nhà tôi còn lợp mái gianh, mái rạ, mưa xuống gianh rạ bết vào nhau ướt nhẹp. Gian bếp dẫu được bố lợp kín mít nhưng bằng một cách nào đó khói vẫn có thể len qua từng sợi gianh, rạ mà chui lên. Rồi cho đến khi gian bếp được lợp ngói âm dương, ngói công nghiệp màu đỏ gạch, khói cũng len từng chỗ hở rồi bay lên.

Màu khói trắng đục nếu đứng từ xa thì trông giống như những đụn mây. Cả một vùng quê thấp thoáng màu ngói, màu cây cối xanh non “mây khói” cứ thế bồng bềnh như hệt đang trong một cõi mộng. Hồi còn nhỏ tôi hỏi mẹ những ngọn khói mắc mưa rồi chúng sẽ bay về đâu, tới điểm nào là dừng chân? Mẹ nhẹ nhàng xoa đầu tôi mỉm cười, chúng sẽ bay tới khi nào mỏi chân thì dừng. Khói trong tâm tưởng của một đứa trẻ lên mười trong tôi lúc đó chúng giống như một sinh vật biết yêu, biết giận và có cả… chân như mẹ tôi nói nữa. Tôi thấy khói dễ thương vô cùng.

Những lọn khói mắc mưa bay lên từ gian bếp. Nơi mà tuổi thơ của tôi thường quẩn quanh khi thì ngồi bên mẹ, có lúc lại ngồi một mình để nấu cơm canh, nấu nước hay nấu cám cho lợn. Thời chưa có bếp gas, bếp điện thì bếp củi được dùng chủ yếu. Củi có thể là những gốc ổi, gốc nhãn, gốc mít khô hoặc thân cây ngô, rơm rạ. Cạnh chỗ kiềng để bắc nồi bố dùng những viên gạch xây thành hai ô vuông riêng biệt ngăn nắp. Một ô bố dành để củi, ô còn lại thì đựng vỏ trấu. Tùy vào lúc nấu gì mà dùng củi hay thêm vỏ trấu vào để bếp đượm lửa. Mỗi lần nấu cám lợn tôi thường cho củi gộc vào trước, đợi bén lửa thì vun vỏ trấu xung quanh. Nấu cám lợn thì không phải ngồi trông canh liên tục mà có thể thảnh thơi bước ra ngoài dạo chơi. Trấu bén lửa rất nhanh nhưng cũng tạo khá nhiều khói.

Mùi khói trấu là một trong nhiều loại mùi khói khiến tôi thích thú và suy ngẫm rất nhiều. Trong mùi khói trấu tôi nhận được một chút hương thơm lúa mới nếu là mẻ gạo mới xát. Mùi khen khét của hạt thóc lép và chắc chắn sẽ là mùi mồ hôi khó nhọc của bố mẹ tôi dày công làm nên hạt gạo dẻo thơm. Và chắc chắn rằng khi khói bếp bay lên sẽ mang theo những thứ mùi đó mà tỏa khắp. Mùi khói còn là mùi của những bữa cơm gia đình đạm bạc. Mùi canh cua đồng nấu rau tập tàng, mùi lạc rang thơm phưng phức, mùi bát cà pháo chua giòn đưa miệng.

Tôi lớn lên qua bao nhiêu mùa khói mắc mưa. Đôi lúc tôi tự hỏi bản thân mình rằng: những lọn khói mắc mưa hay là tôi đã giăng mắc mình vào hoài niệm? Vì có những lúc tôi thấy mình thật lạ, về quê mùa mưa gặp khói là tôi lại bần thần, ngẩn ngơ, đứng một mình thật im rồi khẽ khàng hít mùi khói trong mưa cho đẫy, căng tràn lồng ngực. Tôi mơ màng, thèm thuồng được tự do như khói bay trên bầu trời quê nhà bao la…

NGỌC LINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhung-lon-khoi-mac-mua-359517.html