Những lưu học sinh Campuchia trên đất Vĩnh Phúc
Từ năm 1973, Trường sĩ quan Tăng Thiết Giáp bắt đầu tiếp nhận đào tạo đội ngũ sĩ quan giúp Quân đội Hoàng gia Campuchia. Từ môi trường đào tạo này, nhiều người đã trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp, giữ những vị trí quan trọng trong Quân đội Hoàng gia Campuchia. Những năm tháng học tập tại trường và tỉnh Vĩnh Phúc đã để lại trong lòng các bạn lưu học sinh (LHS) Campuchia nhiều kỷ niệm đáng nhớ, sự biết ơn, qua đó, góp phần xây dựng, vun đắp tình hữu nghị giữa Nhà nước, nhân dân và Quân đội 2 nước Việt Nam - Campuchia.
Đến nay, Trường sĩ quan Tăng Thiết Giáp đã đào tạo giúp nước bạn Campuchia gần 1.000 sĩ quan và hiện tại có gần 50 sĩ quan Campuchia đang học tập, rèn luyện tại trường. Khi học tập tại đây, các sĩ quan Campuchia và Lào được tập hợp trong 1 tiểu đoàn có tên gọi là Tiểu đoàn 61 hay Tiểu đoàn Quốc tế.
Học viên Chea Seyha đang theo học sĩ quan năm thứ 4 cho biết: “Em sinh năm 1993 ở tỉnh Kom Phong Spear, Campuchia. Khi mới sang Việt Nam học, em còn nhiều bỡ ngỡ, nhớ gia đình, nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình, động viên kịp thời của các thủ trưởng, các giảng viên và các học viên Việt Nam, em có cảm giác thân thuộc, gần gũi như đang ở chính đất nước mình, vì vậy, em đã nhanh chóng hòa nhập được với cuộc sống ở đây.
Tuy học tiếng Việt có gặp chút khó khăn về phát âm cùng với các từ chuyên ngành khó hiểu, khó nhớ, nhưng các giảng viên đã chỉ bảo rất nhiệt tình, nhắc đi nhắc lại nhiều lần để em nhớ, hoặc có thể đánh dấu những từ khó hiểu để ngoài giờ hỏi thêm thầy, cô giáo. Vì vậy, mặc dù mới chỉ được học tiếng Việt 1 năm trước khi vào trường, nhưng đến nay em đã giao tiếp bằng tiếng Việt khá tốt”.
Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ tại trường, Chea Seyha vui vẻ chia sẻ: “Khi còn học tập trong nước, chúng em chưa được học bắn súng, lái xe tăng, nhưng sang đây, sau 4 năm học tập, em đã được học bắn súng, lái xe tăng. Lần đầu tiên được lái xe tăng, em rất hồi hộp và có một chút lo sợ, nhưng em đã cố gắng nắm chắc kiến thức lý thuyết, cùng với được các thầy, cô chỉ dạy kiến thức thực tế cặn kẽ nên em đã vượt qua nỗi sợ, dần dần thuần thục trong môn lái xe tăng”.
Không chỉ được giúp đỡ về học tập, rèn luyện kiến thức, LHS Campuchia còn được quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần. Nhà ở của các LHS Campuchia và Lào được bố trí một khu riêng, tách biệt với khu của học viên người Việt Nam; phòng ở rộng rãi, thoáng mát, có đầy đủ các tiện nghi. Các món ăn hằng ngày được nấu theo khẩu vị của người Campuchia để cung cấp dinh dưỡng và đảm bảo tốt sức khỏe cho các LHS.
Học viên Yeh Bunthouen đang học sĩ quan năm thứ 3 cho biết: “Khi mới sang đây, em rất bất ngờ với thời tiết ở miền Bắc Việt Nam, bởi mùa Đông quá lạnh, khác hẳn với thời tiết Campuchia thường chủ yếu là nóng ấm. Để đảm bảo sức khỏe của học viên, nhà trường luôn bổ sung chăn ấm, phòng học và phòng ở kín gió; thường xuyên nhắc nhở chúng em mặc ấm, ăn uống ấm để đảm bảo sức khỏe. Chúng em còn được tìm hiểu phong tục tập quán, ẩm thực, văn hóa Việt Nam”.
Hằng năm, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục, tuyên truyền giúp học sinh của cả 2 nước hiểu biết thêm về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Campuchia như Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, Tết Nguyên đán Việt Nam; tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Quốc khánh Campuchia; các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa Việt Nam - Campuchia, giao lưu thể thao, văn nghệ...
Bên cạnh đó, tổ chức cho các LHS Campuchia đi tham quan học tập, trải nghiệm tại các di tích lịch sử cách mạng, lễ hội văn hóa, danh lam, thắng cảnh như Đền Hùng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng dân tộc học…
Khi dịch Covid-19 bùng phát, các LHS Campuchia không thể về nước trong dịp Tết và dịp hè, vì vậy, vào dịp Tết cổ truyền của Campuchia, nhà trường đã quan tâm, động viên kịp thời tới các LHS Campuchia; tặng quà, nấu các món ăn truyền thống của nước bạn để giúp các em vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân.
Đặc biệt, có một số bạn có cha, mẹ qua đời nhưng không thể về chịu tang do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà trường đã chỉ đạo Tiểu đoàn lập bàn thờ để các bạn học viên vái vọng cha mẹ, hỗ trợ LHS thực hiện những nghi lễ theo đúng phong tục cổ truyền của Campuchia và luôn động viên tinh thần học viên giúp các em vượt qua nỗi đau, mất mát.
Đồng chí Nghiêm Xuân Tuấn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 61, Trường sĩ quan Tăng Thiết Giáp cho biết: “Hầu hết các học viên Campuchia đều có ý thức học tập tốt, thái độ học tập tích cực kể cả trên giảng đường và khi tự học. Với tinh thần ham học hỏi, các em không chỉ lắng nghe các thầy, cô giáo giảng bài mà còn chịu khó học ở các bạn Việt Nam, chịu khó tìm hiểu về văn hóa Việt Nam; luôn hòa đồng, sống có trách nhiệm. Ngoài giờ học, các em còn chịu khó chơi các môn thể thao như bóng chuyền, cầu mây nên có thể lực rất tốt”.
Hầu hết những LHS học tập ở Việt Nam trở về đều phát triển tốt trong Quân đội Hoàng gia Campuchia. Đồng thời trở thành cầu nối, kênh cung cấp thông tin để nhân dân Campuchia và nhân dân Việt Nam hiểu rõ nhau hơn, từ đó tiếp tục gắn kết, thúc đẩy tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 nước Campuchia - Việt Nam ngày càng vững bền.