Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2025

Các chính sách mới về giá bán điện, vi phạm hành chính trong kinh doanh bảo hiểm, xử lý tiền giả và thanh tra việc học thêm, dạy thêm… sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2025.

Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường

Luật Điện lực (sửa đổi) thay thế cho Luật Điện lực năm 2004 và có hiệu lực từ ngày 1/2/2025, trong đó khoản 12 Điều 5 nêu rõ về chính sách giá điện và giá dịch vụ về điện.

Cụ thể, chính sách giá điện và giá dịch vụ về điện phải bảo đảm phản ánh chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ của đơn vị điện lực; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, sử dụng các dạng năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong hoạt động điện lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh; giá điện bảo đảm khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm.

Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khi chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không lựa chọn tham gia mua bán điện trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng, miền phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh.

Vi phạm hành chính trong kinh doanh bảo hiểm

Nghị định 174/2024 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực từ 15/2, quy định mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm tối đa là 100 triệu đồng, với tổ chức tối đa là 200 triệu đồng.

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm cũng như quyền, nghĩa vụ của người mua khi ký hợp đồng có thể bị phạt tiền từ 60-100 triệu đồng.

Người bán bảo hiểm không tư vấn rõ ràng nội dung hợp đồng bảo hiểm có thể bị phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng.

Hành vi quảng cáo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không theo quy định pháp luật bị phạt 80-100 triệu đồng.

Đối tượng đăng ký thuế

Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư 86/2024/TT-BTC quy định về đăng ký thuế có hiệu lực từ ngày 6/2. Theo quy định, người đăng ký thuế bao gồm người nộp thuế thuộc nhóm thực hiện đăng ký thuế thông qua cơ chế một cửa liên thông và trực tiếp với cơ quan thuế theo quy định.

Các nhóm cần đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế bao gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế của lực lượng vũ trang, tổ chức kinh tế của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội, xã hội - nghề nghiệp.

Hướng dẫn về xử lý tiền giả, tiền nghi giả

Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành thông tư hướng dẫn về xử lý tiền giả, tiền nghi giả, có hiệu lực từ ngày 14/2. Khi phát hiện tiền nghi giả trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, các cơ quan, tổ chức liên quan phải thực hiện tạm thu giữ và lập biên bản theo mẫu quy định.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tạm thu giữ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải chuyển hồ sơ giám định đến ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn hoặc sở giao dịch để thực hiện giám định.

Đặc biệt, cá nhân có yêu cầu giám định tiền giả, tiền nghi giả phải lập một bộ hồ sơ đề nghị giám định và nộp trực tiếp đến ngân hàng Nhà nước chi nhánh, sở giao dịch, Cục Phát hành và kho quỹ tại Hà Nội hoặc TP HCM. Hồ sơ bao gồm giấy đề nghị giám định tiền giả, tiền nghi giả (theo mẫu quy định). Sau tối đa 2 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành giám định, cơ quan giám định sẽ thông báo kết quả bằng văn bản cho người đề nghị giám định. Việc giám định tiền giả, tiền nghi giả là miễn phí.

Dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh

Quy định đó được nêu tại Thông tư số 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/2.

Cụ thể, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm

Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.

Việc thanh tra học thêm, dạy thêm sẽ bắt đầu từ ngày 10/2 khi Thông tư 28/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục, có hiệu lực.

Việc thanh tra còn tập trung vào các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; chấp hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn lực tài chính khác.

KIỀU CHINH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhung-chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-22025-37910.html