Những miền yêu thương đâu dễ lãng quên

Chị sếp của tôi nói: 'Học sinh miền Nam trên đất Bắc là cả một vùng trời nhớ thương, tự hào, biết ơn và kỷ niệm ấu thơ của chị. Không phải ai cũng một lần được sống với những tháng năm bi tráng, diễm lệ như vậy. Quên ký ức là quên chính bản thân mình'.

Anh bạn đồng nghiệp gởi cho tôi mấy tấm hình với lời nhắn: “Dễ thương quá. Kiếm chuyện gì viết về mấy bà chị này đi”. Tôi nhận ra ngay mấy chị, mấy cô trong tốp múa mở màn buổi ra mắt sách Ký ức không phai ở đường sách Nguyễn Văn Bình hôm 23.11. Hèn chi bữa trước thấy anh cứ lăng xăng chạy lòng vòng quanh đội múa để chụp hình.

Tôi không biết tên từng người trong bức ảnh nhưng tôi biết chắc họ là những học sinh miền Nam (HSMN) trên đất Bắc. Những bà nội, bà ngoại trong chiếc áo trắng học trò, tóc cột hai đuôi, đeo khăn quàng đỏ đã mang cả một trời ấu thơ trở lại cho những HSMN đã bước vào tuổi cổ lai hy.

Những đứa trẻ can đảm và những người lớn chính trực

Có thời gian rảnh rỗi, tôi lại lấy quyển Ký ức không phai ra đọc một vài bài. Cứ vậy mà nhớ từng tựa bài, tên tác giả, nội dung câu chuyện... Tôi thuộc thế hệ sinh sau đẻ muộn sau thời điểm ký kết Hiệp định Geneve 1954. Càng không phải là một thành tố trong cuộc tập kết chuyển quân hay HSMN trên đất Bắc. Nhưng tôi có một chị sếp là HSMN. Mặc nhiên tôi bị “tiêm nhiễm” những câu chuyện của chị về HSMN; bị “lây lan” tình yêu, nỗi nhớ và những lo toan, ân đền nghĩa trả của HSMN đối với đồng bào ruột thịt trên đất Bắc.

Có lần tôi hỏi chị: “Có gì trong mấy tiếng HSMN mà chị luôn canh cánh bên lòng vậy?”. Chị trả lời: “HSMN trên đất Bắc là cả một vùng trời nhớ thương, tự hào, biết ơn và kỷ niệm ấu thơ của chị. Không phải ai cũng một lần được sống với những tháng năm bi tráng, diễm lệ như vậy. Quên ký ức là quên chính bản thân mình”.
Đó không phải là suy nghĩ của riêng chị.

Ở ngoài đời hay trong những trang sách Ký ức không phai, gương mặt HSMN hiện lên đủ mọi góc độ, màu sắc, âm thanh, nỗi niềm; có lúc trong trẻo, có lúc góc cạnh xù xì; có niềm vui và có cả nỗi buồn. Nhưng trên hết đó là những đứa trẻ can đảm và những người lớn chính trực.

Các đại biểu tham dự lễ khai mạc Triển lãm HSMN trên đất Bắc tổ chức ngày 17.5.2024 tại Bảo tàng TP.HCM. Ảnh: CTV

Các đại biểu tham dự lễ khai mạc Triển lãm HSMN trên đất Bắc tổ chức ngày 17.5.2024 tại Bảo tàng TP.HCM. Ảnh: CTV

“Nghĩ đến HSMN chúng ta hay nghĩ đến những trò nghịch phá, trốn học, trèo cây bắt tổ chim, hái trộm hoa trái của bà con chòm xóm, thậm chí gây gổ đánh nhau. Nhưng bên cạnh đó cũng có cả một danh sách rất dài nhưng chưa đầy đủ HSMN tiêu biểu có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Hàng trăm HSMN trở thành nhà khoa học, nhà giáo, nghệ sĩ, doanh nhân có uy tín; trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ, các tướng lĩnh quân đội và công an; bí thư và chủ tịch, phó chủ tịch UBND các tỉnh thành, người đứng đầu tập đoàn kinh tế lớn...” - bà Nguyễn Thế Thanh, chủ biên Ký ức không phai đã chia sẻ như vậy trong buổi ra mắt sách.

Ngay cả khi đã hoàn thành trách nhiệm với công việc được giao, nhiều HSMN vẫn không quên trách nhiệm với xã hội. Hàng chục cây cầu đã được xây dựng cho các xã nghèo ở Cà Mau, Đồng Tháp bằng tiền đóng góp của HSMN Vĩnh Phú trong những năm qua. Chỉ riêng trong năm 2023 và 2024, hơn 900 triệu đồng của HSMN Vĩnh Phú đã được gửi đến Lào Cai giúp đồng bào bị ảnh hưởng bão Yagi, giúp trẻ em mồ côi do Covid-19 ở Bình Chánh, xây cầu và tặng xe đạp, bảo hiểm y tế học đường ở Đồng Tháp, học bổng ở Cà Mau…

Quá khứ trôi đi, tình yêu ở lại cùng ký ức không thể phai mờ

HSMN là những đứa trẻ đặc biệt dù ra Bắc bằng con đường tập kết cùng cha mẹ hay vượt Trường Sơn cùng những đứa trẻ có thân phận như mình. Bước chân vào trường HSMN nghĩa là không còn cảnh mè nheo buổi sáng mẹ gọi mãi không chịu rời khỏi giường. Cũng không có cha bên cạnh đưa đón đến trường mỗi ngày. Anh chị em cũng chẳng có ai. Nói không quá, HSMN là những đứa trẻ phải sống giữa những người xa lạ và tự mình chuyển hóa mối quan hệ từ lạ thành quen, thành thân, thành gắn bó thương yêu.

Thật đáng nể phục.

Nhưng HSMN cũng là những đứa trẻ như bao đứa trẻ.

Tôi không khỏi bật cười rồi lại xót xa thương cảm cho những cô cậu học trò trong câu chuyện của bà Huỳnh Xuân Thảo (con gái KTS. Huỳnh Tấn Phát): “Năm 1972 Mỹ ném bom miền Bắc rất khốc liệt. Có những đêm từ Vĩnh Yên nhìn về Hà Nội, chúng tôi cứ thấy bừng sáng cả một góc trời và tiếng máy bay F14 của Mỹ bay hộ tống B52 gầm rú khi bay ngang qua khu vực bọn tôi sơ tán... Tôi còn nhớ năm đó đang vào mùa thi tốt nghiệp, một buổi chiều khi xuống nhà ăn chúng tôi thấy trống lốc: không có các khẩu phần cơm chia như mọi ngày, mà chú Đức anh nuôi cũng chẳng biết đã đi đâu.

Khi tìm được chú hỏi sự tình thì chú nói: “Hôm nay chỉ có cơm với muối ớt nên tao không chia cơm, đứa nào muốn ăn thì tự lấy trong chảo gang ấy”. Cái đói cơm đói chất đạm đã khiến cả lũ học trò vốn dĩ nghịch ngợm nghĩ ra trò bắt đại con gà trống của bác chủ nhà để ra đồng nấu cháo. Ai dè, con gà trống đó là gà trống giống đã 6,7 năm tuổi, nấu hết cả củi vẫn cứng ngắc không thể nào nhai. Đã không ăn được gà, sáng hôm sau lại còn nghe bác chủ nhà chửi đổng: “Tiên sư bố đứa nào ăn cắp con gà của tao”!

Tốp múa của những “bà nội, bà ngoại” học sinh miền Nam. Ảnh: Hồng Phạm

Tốp múa của những “bà nội, bà ngoại” học sinh miền Nam. Ảnh: Hồng Phạm

Còn đây là kỷ niệm thân thương trong hồi ức của bà Châu Nhật Sinh: “Đó là hình ảnh em Tý 4 tuổi, mặt mũi lem luốc, không mặc quần chạy đến trước cửa lớp 9E của tôi gọi: “Chị Sinh ơi, nhà có thức ăn ngon lắm, về ăn cơm, bố mẹ đang đợi!”. Thầy giáo và các bạn trong lớp nhìn ra cửa, không ai nhịn được cười trước hình ảnh và tiếng kêu ngộ nghĩnh của Tý. Tụi HSMN chúng tôi: Thắng, Nguyệt, Tô Hà và tôi… đều lén lau nước mắt xúc động.

Tiếng gọi “Chị Sinh ơi về ăn cơm” đối với những đứa trẻ vị thành niên xa cha, xa mẹ như chúng tôi là vô cùng trìu mến, ấm áp. Đã lâu lắm không ai gọi chúng tôi về ăn cơm tha thiết như thế. Có những đứa trong chúng tôi mãi mãi không bao giờ được nghe gọi như vậy vì chiến tranh đã cướp đi mẹ cha, anh chị… Mãi đến bây giờ, khi tóc trên đầu đã bạc, bước chân đã run, đã làm bà nội bà ngoại mà tiếng gọi “Chị Sinh ơi về ăn cơm, bố mẹ đợi” và hình ảnh em Tý 4 tuổi cởi truồng, mặt lem luốc đứng trước cửa lớp vẫn còn in đậm trong ký ức của tôi”.

Cũng chính vì là người trong cuộc, hiểu thấu sự trưởng thành của HSMN đã đi qua những thiệt thòi, mất mát, nỗ lực và cả những dại khờ, nông nổi ra sao nên rất nhiều HSMN Vĩnh Phú đã đồng tình với đề án “Gìn giữ và phát huy giá trị của HSMN trên miền Bắc”. Đề án có nhiệm vụ triển khai sưu tầm hiện vật, hình ảnh, ghi lại bằng âm thanh và hình ảnh động các câu chuyện đáng nhớ; lưu giữ bằng các hình thức trưng bày trong các bảo tàng, sản xuất video chiếu trên các kênh truyền thông, xuất bản các hình thức sách với mong muốn duy nhất: ký ức không thể để phai mờ, những gì là giá trị thì cần được lưu giữ và phát huy cùng với thời gian.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (thứ 2 từ trái) kể câu chuyện "đi tập kết ra Bắc" tại sự kiện giao lưu và ra mắt cuốn sách Ký ức không phai - tư liệu lịch sử và câu chuyện của cán bộ, học sinh miền Nam trên đất Bắc - với 58 tác phẩm của 29 tác giả sáng 23.11.2024 tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Trung Dũng

Điều chưa nói hết

Nhân kỷ niệm 70 năm tập kết chuyển quân và HSMN trên đất Bắc, nhà báo, nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân đã viết trên facebook của mình: “Không ai và không điều gì có thể bị lãng quên”. Và trong buổi ra mắt Ký ức không phai, ông đã đọc bài thơ Bảy mươi thấm đẫm ân tình:

Ngày xưa mẹ xuống tàu tập kết
Mang con trong bụng mẹ có mệt lắm không?
Khi mẹ đặt chân lên bờ cát Sầm Sơn
Cáng võng nào giúp mẹ tìm nơi sinh nở
Con đến Sầm Sơn 70 năm sau mẹ
Nghe còi tàu xưa khàn tiếng chào bờ
Thấy khăn rằn bay trên hàng dừa cảng Hới
Sóng biển bây giờ có khác sóng hồi xưa
Cà Mau say sóng, Thanh Hóa say bờ
Con thay ba mẹ về nơi tập kết
Bảy mươi rồi mà cũng rơi nước mắt
Khi đi tìm một cuống rốn nơi đây
Ngâm ký ức hạt cát lọt kẽ tay
Sóng biển thời gian không bào mòn kỷ niệm
Biết kể thế nào với núi sông trời biển
Về những cuộc đời ngày Bắc, đêm Nam
Với những chiều con tập kết đời con...

Khi ông đọc thơ tôi thấy có một chàng trai trạc mười tám, đôi mươi đang chép vội bài thơ vô sổ tay. Thấy tôi chăm chú nhìn với vẻ tò mò, cậu bé nói: “Bà của con là HSMN, hôm nay bà cũng có mặt ở đây”.

Khi nghe cậu bé nói tên, tôi biết bà của cậu bé là người đã “móc tiền túi”, cùng một HSMN khác tạm ứng kinh phí để in quyển sách. Và câu chuyện của bà trong Ký ức không phai đã khiến tôi nhiều lần rơi nước mắt...

Hồng Vân

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nhung-mien-yeu-thuong-dau-de-lang-quen-46825.html