Những món ăn làm nên phong vị miền Tây sông nước

Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang dọc theo sông Tiền mang dòng phù sa dồi dào cho cây lúa đơm bông, cây trái ngọt lành, cá tôm trù phú. Và nơi ấy, vẻ đẹp ẩm thực đong đầy mộc mạc, đậm nét chân phương mà không kém phần tài hoa của người dân châu thổ.

Ảnh Mặn Mòi

Ảnh Mặn Mòi

Bến Tre – thảo thơm vị ngon xứ dừavới 5 món: Bì cuốn Bến Tre, Bánh tét chữ, Tép bạc đất rang dừa, Hủ tiếu Mỹ Lồng và Bánh dừa Giồng Luông. Mỗi món ăn không chỉ đặc biệt trong hương vị mà còn trong cách dùng nguyên liệu bản địa độc đáo cùng sự khéo léo chế biến.

Ảnh: Mặn Mòi

Ảnh: Mặn Mòi

Bánh tét Bến Tre có đặc trưng là gạo nếp thường được trộn thêm nước cốt dừa, bên cạnh bánh tét mặn nhân đậu xanh, thịt heo còn có bánh tét ngọt nhân chuối, hay đậu đỏ, đậu đen. Thú vị của Bánh tét chữ khi được cắt thành từng khoanh sẽ có hình chữ Phước, Lộc, Thọ, Phúc … ở giữa như những lời chúc thể hiện tâm ý và sự khéo léo của người gói bánh.

Ảnh: Mặn Mòi

Ảnh: Mặn Mòi

Nếu bạn từng thưởng thức hủ tiếu Mỹ Tho hay Sa Đéc "danh trấn" của đất Nam Bộ thì nhất định phải thử thêm Hủ tiếu Mỹ Lồng để thấm được cái tinh hoa, cái hào sảng mà người dân xứ dừa đặt vào món này. Hủ tiếu Mỹ Lồng đặc trưng gồm jam-bông, kèm theo miếng pate mềm với gan và sườn non. Để tạo vị đặc biệt cho món ăn, thịt heo sẽ được xay và trộn với lòng, gân hoặc tai heo tạo thành một khuôn chả thơm ngon, có vị giòn giòn béo béo từ tai heo hoặc lòng. Món ăn còn được dùng kèm với tôm sú màu đỏ bắt mắt.

Ảnh: Mặn Mòi

Ảnh: Mặn Mòi

Nói đến xứ dừa, không thể không nhắc đến món Bánh dừa Giồng Luông. Địa danh Giồng Luông nổi tiếng với nghề làm bánh dừa truyền thống đã gần trăm năm. Nguyên liệu chính làm bánh là nếp sáp dẻo thơm được gói bằng đọt non của lá dừa nước, rồi đem nấu trong vòng 5 - 6 tiếng. Món quà mộc mạc này ngày nay đã thành đặc sản lan xa khắp vùng.

Đến Tiền Giang – dấu ấn món ngon 'tiến vua' và hơn thế nữa lại mang vẻ đẹp của một vùng đất trú phú, nơi có nhiều đặc sản nổi tiếng được chọn để dâng triều đình nhà Nguyễn từ thế kỉ 19, đến nay Tiền Giang vẫn bảo tồn được những món ngon 'tiến vua' góp phần làm giàu thêm văn hóa ẩm thực của miệt sông Tiền.

Với 4 hương vị gồm Nham Gò Công, Cuốn thịt luộc chấm mắm tôm chà Gò Công, Bánh giá Chợ Giồng và Cơm rượu Gò Công – Xôi vò góp mặt trong bữa tiệc "Phong vị Sông Tiền" hứa hẹn mang đến những trải nghiệm ẩm thực mới mẻ cho thực khách.

Từng là món tiến cung thời vua Tự Đức, Nham Gò Công là món cao cấp mà chỉ dân ngày xưa khá giả mới biết. Gỏi trộn với thịt cua được người Gò Công gọi là "nham". Bí quyết của món này nằm ở sự gắn kết, giao hòa hương vị giữa hải sản với thịt, rau và gia vị.

Ảnh: Mặn Mòi

Ảnh: Mặn Mòi

Chọn cua làm nham nhất định phải chọn cua cái bởi chúng có phần gạch đỏ au như son. Rau trộn gỏi thì không thể thiếu lá diếp cá, thêm chút chua từ khế, chút chát của chuối hột. Tinh túy nhất của món ăn phải kể đến phần gạch cua được phi thơm cùng tỏi, thêm chút giấm son quấy đều trên bếp lửa liu riu. Khi dậy mùi là biết gạch đã chín, nhẹ tay rưới đều lên dĩa rau.

Ảnh: Mặn Mòi

Ảnh: Mặn Mòi

Hay món bánh thơm thảo mang đậm chất miền Tây – Bánh giá Chợ Giồng, được lưu truyền có từ thời khai hoang lập ấp của người Việt vào thế kỷ 17 ở vùng đất này. Hương vị của bánh là hòa quyện giữa vị dẻo thơm của bột gạo, vị ngọt của tôm, giá, vị bùi thơm của đậu phộng như một món quà hoàn hảo của ruộng đồng và sông nước cùng bàn tay khéo léo của con người.

Vĩnh Long – say lòng từ nét dân dã làm nên phong vị 4 món ngon dân dã gồm Tài hủ ki xốc muối ớt, Cá kèo nướng ống sậy, Cháo gà bồ ngót Vĩnh Long và Bánh pía Vĩnh Xương.

Có thể nói món Cá kèo nướng ống sậy chính là món ăn thể hiện đúng nhất cái chất mộc mạc của ẩm thực miền Tây Nam bộ, mang trong mình cả văn hóa và tinh thần của người dân địa phương. Cá kèo được làm sạch, tẩm ướp muối ớt, rồi cuộn vào ống sậy. Mùi thơm tự nhiên của ống sậy quyện cùng hương của cá nướng trên bếp than hồng, tạo sức hấp dẫn khó cưỡng, làm say lòng thực khách.

Cá kèo nướng ống sậy. Ảnh: Ẩm thực Vĩnh Long

Cá kèo nướng ống sậy. Ảnh: Ẩm thực Vĩnh Long

Quen mà lạ, đó chính là Cháo gà bồ ngót Vĩnh Long với vị rất riêng, không lẫn vào đâu được. Phần gà khi chọn là loại gà giò chắc thịt, đem luộc rồi xé phay, trộn với các gia vị như muối, tiêu, chanh, ớt, hành tím, rau răm và chuối cây bào mỏng. Phần cháo nấu loãng từ gạo nguyên hạt, thêm chút nếp để tạo độ sánh nhẹ, cho thêm huyết gà, đầu hành và tiêu. Món cháo này sẽ không dùng hành phi, ngò rí nhằm giữ lại được mùi thơm đặc trưng của bồ ngót, là linh hồn của món ăn.

Bánh pía Vĩnh Xương. Ảnh: T.L

Bánh pía Vĩnh Xương. Ảnh: T.L

Đến Vĩnh Long mà không thưởng vị Bánh pía Vĩnh Xương quả là một thiếu sót. Một thức quà nức tiếng, có nguồn gốc từ món "bánh lột da" ngồ ngộ của người Hoa, gặp xứ Mê Kông với cây trái nhiệt đới bản địa dồi dào càng trở nên mê hoặc hơn bao giờ hết. Nào nhân đậu xanh, khoai môn, sầu riêng rồi thập cẩm béo bùi thơm ngọt. Để rồi, cái bánh pía phương xa đã được Việt hóa, trở thành một phần hòa quyện tự nhiên trong đời sống của người Hoa, người Việt ở miền Tây sau mấy trăm năm cùng làm ăn sinh sống bên con nước Cửu Long.

Nhuận Phẩm

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nhung-mon-an-lam-nen-phong-vi-mien-song-nuoc-mien-tay-20241201071930635.htm