Sau khi thắp hương bao lâu thì hạ lễ?
Việc hạ lễ quá sớm được coi là không thể hiện đủ sự thành kính đối với gia tiên và thần linh, vậy sau khi thắp hương bao lâu thì hạ lễ mới chuẩn?
Phong tục thắp hương đã có cách đây 5.000 - 6.000 năm, xuất phát từ Ấn Độ, sau đó truyền qua Trung Quốc vào thời nhà Tần rồi lan rộng ra nhiều quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam.
Với người dân Việt Nam, thắp hương là cách kết nối với người cõi trên cũng như tổ tiên, thân nhân đã khuất, thể hiện sự tưởng nhớ, tri ân cũng như lòng thành kính với họ. Nén hương thơm mang theo tình cảm và ước nguyện, mong cầu gửi đến những bậc được thờ cúng.
Việc thắp hương và các nghi thức liên quan luôn được thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ, trang trọng; sau khi thắp hương bao lâu thì hạ lễ là câu hỏi nhiều người đặt ra với mong muốn không gây sai sót trong công việc thờ cúng.
Sau khi thắp hương bao lâu thì hạ lễ?
Việc thắp hương cúng thần linh, gia tiên vào các dịp lễ, Tết, ngày rằm, mùng 1, giỗ chạp hay các dịp quan trọng của gia đình luôn đi kèm với việc dâng lễ vật, bao gồm hoa tươi, trái cây hay bánh kẹo, cỗ mặn... Số nén hương được thắp luôn là số lẻ - 1 hoặc 3 nén hương trên mỗi bát hương - bởi số lẻ tượng trưng cho phần âm.
Cùng với khói hương bay lên, gia chủ thành tâm chắp tay khấn nguyện, kính mời các vị thần và vong linh tổ tiên về thụ hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành, và bày tỏ những mong muốn của mình để được phù hộ.
Sau lễ cúng, gia chủ sẽ đưa lễ vật xuống để cả nhà cùng thụ lộc. Vậy sau khi thắp hương bao lâu thì hạ lễ mới chuẩn? Theo nghi lễ truyền thống, thường thì gia chủ phải đợi hết 3 tuần hương mới được hạ lễ, một tuần hương là thời gian để cháy hết 1 nén hương. Thời gian cháy của hương có thể khác nhau tùy mỗi loại.
Gia chủ không nhất thiết phải chờ đến khi đợt hương thứ nhất cháy hết mới thắp tiếp đợt sau mà có thể "gối đầu", chỉ cần đợt trước cháy quá nửa là có thể thắp đợt tiếp theo.
Ngày nay, do điều kiện thời gian hạn hẹn, việc thờ cũng cũng giản tiện hơn, nhiều gia đình chỉ thắp hai tuần hương, thậm chí có nhà chỉ thắp một tuần hương, chờ hương cháy hết thì khấn xin hạ lễ.
Theo dân gian, nên thắp hương khấn vái tổ tiên ông bà vào khoảng từ 6h đến 10h là đẹp nhất bởi đây là khung giờ tốt, bắt đầu một ngày mới. Trước khi các hoạt động của cả gia đình bắt đầu, nên thắp cho gia tiên nén hương thơm để mong cầu một ngày mới tốt lành.
Khi thực hiện các nghi lễ cúng bái, gia chủ cần ăn mặc kín đáo, gọn gàng, tránh mặc đồ luộm thuộm, rườm rà hay hoa hòe hoa sói.
Một số lưu ý khi thắp hương - hạ lễ
Thắp hương - hạ lễ là những bước quan trọng trong việc thờ cúng; bạn nên lưu ý một số điều sau để nghi thức này được thực hiện một cách chu đáo, tốt đẹp theo quan niệm truyền thống:
- Không vội vàng hạ lễ khi hương chưa cháy hết: Hương chưa cháy hết nghĩa là những lời khấn nguyện chưa được gửi gắm trọn vẹn tới tổ tiên, do đó bạn cần cân đối thời gian cúng bái, chờ đến khi hương cháy hết mới hạ lễ.
- Khi thắp hương và hạ lễ, cần giữ thái độ nghiêm túc, tôn kính; tuyệt đối không nói chuyện lớn, cười đùa hay thực hiện những hành động thiếu trang nghiêm ở nơi linh thiêng.
- Làm sạch bàn thờ sau khi hạ lễ: Sau khi hoàn thành nghi thức cúng bái và hạ lễ, gia chủ hãy dọn dẹp bàn thờ sạch sẽ, sắp xếp lại đồ cúng ngay ngắn và thắp hương mới nếu cần.
- Lộc cúng như trái cây, bánh kẹo sau khi hạ lễ nên được phân phát mọi người trong gia đình hoặc hàng xóm để sẻ chia may mắn, tài lộc.
- Không thụ lộc trước mặt bàn thờ, không để trẻ em nghịch đồ cúng.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/sau-khi-thap-huong-bao-lau-thi-ha-le-ar909356.html