Những món quà ý nghĩa từ sản phẩm OCOP xứ Thanh
Khu trung tâm mua sắm tổng hợp đặc sản, quà lưu niệm miền Trung tại đường Hồ Xuân Hương, TP Sầm Sơn, luôn có khách ra vào tấp nập. Nơi đây có rất nhiều 'Quà xứ Thanh' với những sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao.
Chị Nguyễn Thị Hà, du khách đến từ Hải Dương, cho biết: Mỗi lần về Sầm Sơn tắm biển tôi thường nghỉ ở khách sạn Ngân Hà. Kết thúc chuyến du lịch, tham quan Thành Nhà Hồ, suối cá Cẩm Lương, Di tích Lam Kinh, về Sầm Sơn là chặng cuối cùng. Mọi người không chỉ được tìm hiểu, khám phá vùng đất và con người xứ Thanh, thưởng thức những món ăn đặc sản quý hiếm mà còn được mua nhiều sản phẩm về làm quà cho người thân: Nước mắm, mực khô Sầm Sơn, nem xứ Thanh... đều là những sản phẩm được công nhận OCOP nên rất yên tâm về an toàn thực phẩm. Còn chị Lê Thị Thủy, du khách từ nước Đức về đang tìm mua sản phẩm OCOP mắm tôm Tĩnh Gia và Bạch Câu (Nga Sơn) để khi trở về làm quà cho bạn bè. Mỗi lần về Việt Nam chị rất hứng thú với món quà độc đáo của quê hương.
Được biết, sau hơn 4 năm xây dựng và phát triển, Thanh Hóa đã có 317 sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao, chủ yếu ở các ngành nghề: Nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm, nội thất, trang trí... Đi đầu là huyện Nga Sơn 27 sản phẩm, Thọ Xuân 21 sản phẩm, Hoằng Hóa 20 sản phẩm, Triệu Sơn 20 sản phẩm, thị xã Nghi Sơn 19 sản phẩm, TP Thanh Hóa 18 sản phẩm... Mỗi sản phẩm OCOP đều phản ánh tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần cùng chủ thể tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Sự vào cuộc tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp, nhất là cơ quan tham mưu Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hình thức thông tin, chú trọng đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng qua việc gắn kết với các lễ hội, du lịch, phối hợp với các nhà hàng, khách sạn trưng bày và bán sản phẩm OCOP cho người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn.
Nhìn chung các sản phẩm OCOP Thanh Hóa đã góp phần tích cực trong việc kết nối cung cầu, nâng tầm giá trị nông nghiệp. Qua đó, nâng cao giá trị thương hiệu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.