Những mùa cau chưa cũ
Tháng 9 âm lịch, khi nắng thu hươm vàng và gió heo may hong cong những chiếc lá khô hanh hao bên vệ cỏ cũng là lúc mùa cau bắt đầu.
Quê tôi nhà nào cũng trồng cau. Ít thì vài cây, nhiều thì vài chục cây tạo thành hàng thẳng tắp hai bên ngõ hay bên những cây na, cây ổi quanh bờ ao xanh biêc biếc. Tuổi cau có lẽ hơn nhiều tuổi tôi. Những đốt cau trơ khấc, mốc meo, oằn mình trước những cơn gió mạnh vẫn vi vu hát khúc yêu đời.
Từ tháng 2, tháng 3 âm lịch cau bắt đầu cho hoa. Những búp hoa được ôm ấp trong bẹ lá màu trắng ngà rồi dần chuyển sang vàng đậm và xanh thẫm. Khi đủ nắng, đủ gió, những bẹ hoa nứt vỏ cho ra buồng hoa trắng tinh khôi. Cơn gió vô tình trêu ghẹo, những bông hoa nhỏ như đầu ngón tay em bé e ấp, sẽ sàng đậu xuống vệ cỏ, để lại hương thơm thoang thoảng mà ngây ngất khó quên.
Bất chợt một ngày những quả cau tí xíu hôm nào bỗng vươn vai hứng sương mai và nắng sớm trở thành những quả cau trưởng thành đậu trên những buồng cau giờ đã to ôm lấy bẹ lá và đâm tua chi chít. Buồng cau tròn đầy, quả đều đặn, báo hiệu được mùa.
Cau không chỉ cho quả, mà còn là tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm của chúng tôi. Những quả cau non, cau “điếc” là món đồ hàng “mua mua, bán bán” của lũ trẻ. Những tàu cau già, ngả vàng, qua đêm gió thổi mạnh rớt xuống vườn hay xuống mặt ao, sáng mai chúng tôi đã có một chiếc xe tự chế. Đứa ngồi, đứa kéo, sền sệt trên mặt sân, tiếng cười loang vỡ cả không gian. Bẹ cau còn được mẹ cắt và tỉa tót, gấp hai bên mép rồi lấy đá nặng đè lên. Sau vài ngày là có một chiếc quạt mo dày, nặng, thổi bay những nóng nực của buổi trưa hè khi tuổi thơ nghèo khó của tôi thuở đó chưa có quạt điện.
Cau còn là những ký ức ngọt ngào về bà nội với khuôn mặt phúc hậu, hàm răng đen nhức lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Mùa cau đến bà thường nói bố trẩy xuống, bổ và phơi cau để dành dùng cả năm. Dưới nắng hanh vàng, những miếng cau được bổ đều đặn, cong cong như những chiếc thuyền. Bà và mẹ xếp cau ra nia, khéo léo tỉ mẩn như người thợ. Qua một, hai nắng, cau khô cong, miếng nào miếng nấy lên màu đỏ au, thơm mùi nắng. Bà lấy những miếng cau của mùa mới thưởng thức như để xem cau mùa này có ngọt và thơm như cau mùa trước không. Tôi lại sà xuống cạnh bà, vừa ngoáy cối trầu vừa vòi vĩnh bà kể chuyện. Những câu chuyện tôi đã thuộc làu nhưng vẫn háo hức chờ đợi và rồi thiếp đi lúc nào không hay trong hương trầu say nồng với lời kể đều đều “ngày xửa, ngày xưa…”
Ngày nay, giới trẻ chúng tôi không mấy người biết ăn trầu, nhưng buồng cau vẫn là quà “sính lễ” không thể thiếu trong ngày cưới của các bạn trẻ. Vậy nên những hàng cau xanh mát vẫn trường tồn và trở thành điểm nhấn cho bức tranh quê thanh bình.
Mùa cau là mùa cưới. Mùa cau là mùa của hối hả và gấp gáp những ngày tháng gần cuối năm. Tôi giờ đã trưởng thành, vội vã tất bật với vòng quay cuộc sống. Nhưng mỗi dịp trở về, tôi vẫn không quên được thói quen đi chân trần trên con ngõ rợp bóng cau mát rượi; hít hà hương cau mát ngọt tưới đẫm tâm hồn tôi với những kỷ niệm ngọt ngào nhưng chưa từng xưa cũ.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/nhung-mua-cau-chua-cu/25500.htm