Những mùa gặt trong ký ức

Đến tận bây giờ, khi đã trưởng thành, nếm bao nhiêu hương vị đắng, cay, ngọt, bùi cùng bao nhiêu 'của ngon, vật lạ' của khắp các vùng miền, nhưng sao tôi vẫn chẳng thể nào quên được cái hương vị beo béo, ngọt bùi của món châu chấu rang, đặc trưng mùi vị của mưa nắng đồng quê, của hương lúa mới.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Bọn trẻ ở làng tôi khi xưa hay nói đùa rằng, châu chấu là lộc "trời cho", có nhiều tiền cũng chưa chắc mua được. Chắc cũng bởi sự hiếm hoi đó nên châu chấu rang trở thành món ăn mang đến vô số niềm mong mỏi, háo hức cho trẻ em ở các vùng nông thôn Việt Nam xưa.

Tôi nhớ, mỗi lần mẹ từ đồng trở về, chân ống thấp ống cao, hồ hởi nói rằng ngay ngày mai thôi, mấy thửa lúa có thể gặt được rồi. Thế là y rằng, chúng tôi ai nấy đều nhao nhao, tỏ rõ sự vui mừng khôn xiết. Là bởi mùa gặt về đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều trò vui. Này là bắt cá dưới ruộng, bắt cua đồng về nấu canh rau tập tàng và một trò vui nữa không thể không nhắc đến, đó là bắt châu chấu, muồm muỗm, cào cào về rang. Trong khi mẹ chuẩn bị quang gánh, cha chẻ lạt buộc lúa thì lũ trẻ chúng tôi đã sắm sửa cái vợt cho ngày mai “ra trận”.

Sáng sớm, nắng chưa kịp lên thì ngoài đồng đã xôn xao tiếng nói cười, tiếng liềm cắt vào thân lúa xoàn xoạt, xoàn xoạt. Cả người lớn và trẻ nhỏ đều tập trung trên cánh đồng đông nghịt như trẩy hội. Người lớn tranh thủ cắt, bó lúa, còn trẻ con thì men theo bờ ruộng để bắt châu chấu, cào cào. Vào đúng vụ lúa, châu chấu, cào cào nhiều vô kể. Thường chúng sẽ đậu trên ngọn lúa, cho đến khi có tiếng động thì chúng mới đồng loạt bay lên bờ. Trẻ con chỉ cần đưa tay chộp lấy từng con và cho vào giỏ. Đứa nào lười hơn thì dùng vợt, khuơ qua, khuơ lại cũng bắt được cả giỏ đầy ú ụ. Bắt châu chấu chán lại quay xuống những thửa ruộng đang còn xâm xấp nước, rình những chú cá quả, cá rô đồng. Thi thoảng gặp được chú cá quả to bằng bắp tay thì gọi người lớn lại hỗ trợ. Cả toán người dừng gặt, tập trung bắt cá, tiếng hô hào, rổn rảng khắp cả cánh đồng.

Từ buổi chiều hôm trước, mẹ đã chuẩn bị mấy vốc lá chè tươi, chè vối và sáng sớm thì nấu một nồi nước to đùng. Ấm nước để trên bờ, ai khát cứ lên lấy uống, hai anh em tôi cứ chốc chốc lại đến rót một cốc nước tu ừng ực. Đã cơn khát, chúng tôi lại tiếp tục công cuộc bắt châu chấu, cào cào. Thằng Út là đứa kén chọn, nó chỉ bắt muồm muỗm (một loại thuộc họ châu chấu nhưng ăn ngon hơn châu chấu). Vừa cho từng chú châu chấu vào giỏ, trong đầu tôi đã tưởng tượng chiều nay sẽ có những mẻ châu chấu rang thơm lừng, béo ngậy. Với châu chấu thì chỉ cần cắt cánh, rút ruột và bẻ chân là có thể rang ăn được. Với muồm muỗm thì dường như không phải sơ chế gì nhiều, cứ thế cho lên chảo rang, đến khi toàn bộ thân ngả sang màu vàng mơ là có thể mang xuống ăn ngay.

Tôi lại nhớ những năm tháng nhà nghèo cực khổ, bữa cơm mùa gặt thiếu thốn, phần vì cha mẹ bận không đi chợ được, phần vì tiền cũng hết sạch, tất cả chờ đợi vào vụ lúa gặt về và bán cho thương lái. Vậy nên, bữa cơm có gì ăn nấy. Rau thì quanh quẩn vườn nhà. Đồ ăn mặn chờ đợi những lần bắt được ít cá đồng hay cua đồng ở ruộng. Và một món không thể thiếu, đó là châu chấu rang. Bữa ăn vì thế mà thêm phần dinh dưỡng hơn. Sau này lớn lên, đi xa, trưởng thành, lúc được thưởng thức nhiều món ăn ngon, tôi lại nhớ một thời khốn khó. Rồi những người bạn sinh nhật vào đúng vụ châu chấu, cào cào, ngoài cây trái trong vườn thì đĩa châu chấu rang cũng không thể thiếu. Ký ức vẫn dội về trong tôi, rõ mồn một hình ảnh từng đứa bạn ngồi nhai châu chấu ngon lành. Thương quá những năm tháng ấu thơ nghèo đói, thương những bữa sinh nhật đơn sơ, giản dị và những người bạn quê nghèo.

Thoắt cái, mới đó mà tôi đã trưởng thành, xa quê đến vài chục năm có lẻ. Những mùa châu chấu, cào cào vì thế cũng trở nên xa xôi, diệu vợi và chỉ còn đong đầy trong ký ức. Không biết bây giờ, đến mùa gặt, bạn bè tôi có còn ai nhớ tới món châu chấu, cào cào ngày xưa không? Còn tôi thì nôn nao nhớ đến vô cùng. Từ dòng ký ức ấy, tôi lại men theo những kỷ niệm, hình dáng cũ thuở mình lên sáu, lên bảy theo cha mẹ vào mỗi mùa gặt đi bắt châu chấu, cào cào. Những bữa ăn đạm bạc, những bữa sinh nhật vui nổ trời cùng đám bạn. Tự nhiên, khóe mắt tôi bỗng cay xè. Món quà của tuổi thơ mà tạo hóa đã ban tặng cho những đứa trẻ sinh ra, lớn lên từ làng quê thật ngọt ngào và thân thương biết chừng nào.

Hoàng Phi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-mua-gat-trong-ky-uc-post462756.html